Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”

Trung Kiên 21/06/2024 06:21

Vào nghề từ năm 19 tuổi với tất cả nhiệt huyết, đam mê, chỉ gác bút khi tuổi đời đã ngoài 70, nên từ lâu, báo giới miền Nam đã ưu ái gọi ông là “phóng viên trên từng cây số”, là “bố Nghĩa” bởi ở đâu có những sự kiện nóng hổi, ở đâu bạn đọc cần thì ở đó có ông. Ông là Trần Chánh Nghĩa, người đã dìu dắt bao thế hệ phóng viên khi mới chập chững vào nghề.

Vào nghề báo đầy nhiệt huyết

Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
Nhà báo Trần Chánh Nghĩa tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi

Nhà báo Trần Chánh Nghĩa quê gốc ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh. Năm nay tuổi ông đã ngoài 70. Đam mê văn chương, thích viết lách, lớp 8 “cậu bé Nghĩa” năm đó đã có bài viết đầu tiên của mình đăng lên báo. Cái cảm giác “sướng rơn” khi thấy bài viết xuất hiện trên mặt báo, bao nhiêu năm đã qua mà mỗi khi nghĩ lại, ông vẫn thấy như mới ngày hôm qua.

Chưa qua một trường lớp nào đào tạo nghề báo, trong gia đình, các anh chị lại đều là bác sĩ, kỹ sư, chỉ duy nhất có ông là nối nghiệp cha. Vậy mà ông đã từng là phóng viên cho một tờ báo phương Tây, sau đó là một loạt các tờ báo hàng đầu Việt Nam như: Thanh niên, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, Nông thôn ngày nay, Vietnamnet…

Nhắc đến tên ông, bạn đọc hình dung ra một ông già tóc xoăn kiểu nghệ sĩ, cao gầy, đen sạm và có mặt đầu tiên ở các điểm nóng. Còn với đồng nghiệp, ông là biểu tượng của sự dấn thân, liêm khiết trong nghề báo. Ở ông không có sự phân biệt đề tài lớn hay nhỏ; những đề tài dân sinh như kẹt xe, tai nạn, chìm sà lan, cháy nhà… của ông luôn “nóng hổi” trên mặt báo. Nói chung ở đâu người dân, bạn đọc phản ánh thông tin thì ở đó có ông.

Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
Ở ông Nghĩa không có sự phân biệt đề tài lớn hay nhỏ, những đề tài dân sinh như kẹt xe, tai nạn, chìm sà lan, cháy nhà… của ông luôn “nóng hổi” trên mặt báo

Nói về con đường đến với nghề báo, ông Nghĩa chia sẻ, việc trở thành phóng viên của ông khá gian nan, thế nhưng ngọn lửa đam mê viết lách trong ông thì vẫn căng tràn. Năm 1990, ông trở lại TP. Hồ Chí Minh và trở thành người bỏ mối bia chai cho các quán nhậu. Ông sắm được xe tải để chở hàng, có thu nhập tốt. Tuy vậy, ông vẫn nhớ nhung nghề báo dù không dám mơ mình có thể quay lại với nghề. 

“Những năm tháng đó, tôi lăn lộn vào cuộc sống, làm đủ thứ nghề, nhưng tôi không hối tiếc bởi nó đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, nhiều vốn sống”, ông chia sẻ.

Năm 1999, ông vô tình biết được báo Thanh Niên có mục đường dây nóng. Lửa nghề trong ông sống dậy. Không thể cưỡng lại đam mê, ông bắt đầu đọc các tin bài trên mục này để định hình cách viết, khai thác thông tin. Khi đủ tự tin, ông gửi tin bài và được báo đón nhận, xuất bản liên tục. Một năm sau, ông chuyển sang cộng tác tại mục đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ. 

Đây cũng là thời gian ông nổi lên với biệt danh “thổ địa” khi hầu như mọi ngõ ngách của thành phố đều ghi dấu bước chân ông. Lúc ấy, ông đã ngoài 50 tuổi và thường được đồng nghiệp trẻ kính trọng gọi là “bố Nghĩa”. “Bố Nghĩa” luôn khiến lớp phóng viên, nhà báo trẻ nể phục. Ông xông xáo, làm việc một cách đầy nhiệt huyết, trách nhiệm. Ông năng động đến nỗi mỗi khi có tin nóng, hầu như ông đều là người có mặt đầu tiên ở hiện trường. 

Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
"Lão phóng viên" Trần Chánh Nghĩa tác nghiệp trên sông
Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
Ông Nghĩa cùng phóng viên trẻ trên chiếc thuyền ra hiện trường vụ cháy tàu chở dầu trên sông lúc nửa đêm

“Sau nhiều năm cầm bút, tôi tự hình thành cho mình nguyên tắc làm báo là không nghe, không thấy, không hỏi thì không viết. Mỗi vấn đề muốn khai thác, viết bài, tôi phải đến tận nơi, xem tận mắt”, ông Nghĩa khẳng định.

Nói về sự liêm khiết trong nghề báo, “bố Nghĩa” là số 1. Chưa ai phàn nàn ông ở điểm này. Nhiều phóng viên vẫn nhớ, có một lần tác nghiệp vụ công trình xây dựng làm sập nhà dân, khi chủ đầu tư định đưa phong bì để “mong anh bỏ qua”, ông Nghĩa thẳng thừng từ chối. Ngày hôm sau, tin đăng trên mặt báo, công trình bị đình chỉ, những ngôi nhà bị ảnh hưởng được bồi thường. Người dân cả khu phố đều biết ơn ông.

Với sức “chạy” hơn cả thanh niên, tin, bài của ông xuất hiện đều đặn trên mặt báo. Tên tuổi ông “ngự trị” trong lòng biết bao độc giả. Vậy mà, có ai biết được, đến 60 tuổi ông mới được chính thức gọi là phóng viên, còn mấy mươi năm làm nghề, lúc nào ông cũng chỉ là cộng tác viên.

Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
Nơi đâu có sự kiện nóng, ở đó có "lão phóng viên" Trần Chánh Nghĩa tác nghiệp sớm nhất

Giữa năm 2010, nhân sinh nhật lần thứ 60 của mình, ông Nghĩa đã cho ra mắt tuyển tập: “Năm tháng ngược xuôi”. Cuốn sách là sự chắt lọc tất cả những tin, bài mà ông tâm huyết nhất. Tuy những sự việc đã đi vào quá khứ, không còn “nóng hổi” như lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo nhưng đến nay, cầm cuốn sách trên tay, chúng tôi nghe như có một sức nóng khác lan tỏa, đó là “lửa nghề” vẫn còn cháy rần rần trong con người Trần Chánh Nghĩa.

Trở về thảnh thơi

Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
Bao năm dấn thân với nghề báo vất vả, nặng nhọc nhưng tuyệt nhiên chưa ai thấy từ con người gầy gò, rắn rỏi này một lời kêu than, lùi bước

Năm 2009, nhà báo Trần Chánh Nghĩa chuyển sang công tác tại báo VietNamNet, nơi ông tự nhận đã cho mình nhiều ân tình. Một trong số đó là việc ông được ký hợp đồng ở tuổi 60, điều ông chưa từng được trải nghiệm trước đó. 10 năm cuối trong sự nghiệp tại cơ quan báo chí, nhà báo Trần Chánh Nghĩa chọn mảng đời sống. Ông viết về vùng đất, con người Nam bộ từ các địa danh, điển tích, nhân vật... Dưới ngòi bút của ông, những đề tài độc đáo ấy hiện lên đầy sinh động.

Nhà báo Trần Chánh Nghĩa bao năm dấn thân với nghề báo vất vả, nặng nhọc nhưng tuyệt nhiên chưa ai thấy từ con người gầy gò, rắn rỏi này một lời kêu than, lùi bước.

Ông tự hào cuộc đời làm báo đã đem lại cho ông có cơ hội giúp đời, giúp người. Ông nhớ lần phát hiện, viết về ước mơ của cậu thanh niên theo mẹ đi dọn rác vào những ngày cuối năm. Nam thanh niên thi đậu vào một trường đại học danh tiếng tại TP. Hồ Chí Minh nhưng không có tiền để học. Ông tìm hiểu, ghi lại nỗi khó khăn, niềm mong ước của em. Sau bài báo, đại diện trường đại học đã đến gặp ông, gia đình cậu thanh niên. Cuối cùng, trường quyết định miễn 4 năm học phí cho em.

Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
"Lão phóng viên" Trần Chánh Nghĩa (bìa phải) luôn gần gũi, chia sẻ với người dân 

Một lần khác, ông nhận được lời cầu cứu của bạn đọc ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) về việc trường bắn tại đây thường xuyên để đạn lạc ra bên ngoài. Nhiều lần, đạn lạc trúng người, gia súc, gây hư hại tài sản. Ông quyết định tìm hiểu, phản ánh sự thật trên. Sau khi bài viết được xuất bản, tình trạng được giải quyết. Người dân nơi đây cảm ơn “lão phóng viên” bằng cách đồng loạt kết thân, làm quen với ông. Mỗi khi nhà có đám tiệc, bà con đều gọi điện, đến tận nhà mời ông về dự và đối đãi như khách quý. 

Những ngày cuối chặng đường làm nghề, ông trải qua biến cố mất người vợ tào khang. Với ông, bà không chỉ là vợ mà còn là đồng nghiệp, người cùng chiến tuyến bởi mỗi khi đi tác nghiệp, ông đều chở bà theo.

Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
Khi ông Nghĩa đi tác nghiệp, kể cả lúc nửa đêm luôn có người vợ (áo trắng phía sau) đồng hành, chia sẻ và trở thành người giữ xe bất đắc dĩ

Một thời, cánh phóng viên trẻ đều gọi bà là mẹ và xem bà là người giữ xe uy tín trong những giờ tác nghiệp. Bởi, khi đến hiện trường, họ đều thấy bà đã ở đó, đang trông xe cho chồng. Cứ thế, những phóng viên đến sau mặc định dựng xe nơi bà đang đứng. Bà trở thành nhân viên giữ xe bất đắc dĩ, không công. 

Từ ngày bà ra đi, ông quay quắt trong nỗi nhớ người, nhớ nghề. Cũng từ đó, tâm trí ông bỗng nhiên trống rỗng. Ông muốn viết nhưng chữ nghĩa như bay biến khỏi trí óc. Cuối cùng, ông quyết định khép lại hành trình làm báo của mình bằng tập sách Đất và người phương Nam với 2 cuốn gồm “Một thuở Saigon” và “Dấu chân xuôi ngược” do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành. 

Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
“Một thuở Saigon” và “Dấu chân xuôi ngược” ghi dấu ấn mạnh mẽ của ông Trần Chánh Nghĩa

“Một thuở Saigon” tập hợp các bài viết hấp dẫn về những nhân vật, giai thoại, địa danh… từng là biểu tượng của TP. Hồ Chí Minh xưa như: Hồ Con Rùa, lăng Cha Cả, cầu Mống, người đẹp giang hồ Lệ Hải, vua lúa gạo Quách Đàm, vũ nữ Cẩm Nhung…

“Dấu chân xuôi ngược” tập hợp bài viết của ông về đất và người Nam Bộ. Tất cả những bài viết này là kết quả của những chuyến đi và viết về địa danh, điển tích, nhân vật… tưởng chừng đã quá quen thuộc ở nơi ông đi qua.

Hai tập của sách Đất và người Phương Nam giúp độc giả nhận thấy nét đẹp đặc sắc, hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa, lịch sử của phương Nam và TP. Hồ Chí Minh xưa. Tập sách như tài liệu quý giá cho những ai đam mê du lịch và yêu thích khám phá những điều mới mẻ. Đó cũng là lời tạm biệt độc giả của nhà báo Trần Chánh Nghĩa khi ông chính thức khép lại những năm tháng ngược xuôi, lăn lội với nghề.

Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
Tập sách cũng như lời tạm biệt độc giả của nhà báo Trần Chánh Nghĩa khi ông chính thức khép lại những năm tháng ngược xuôi, lăn lội với nghề

Với những người khi chập chững vào nghề, và hiện tại đang giữ vị trí quan trọng ở nhiều tờ báo lớn thì khi nhắc đến “bố Nghĩa”, tất cả vẫn dành sự trân trọng, biết ơn đến ông. Không chỉ là câu chuyện hướng dẫn, chỉ dạy về nghề, mà còn là những bữa cơm ấm lòng tại nhà của ông, tình cảm gia đình ông dành cho thế hệ phóng viên khi phải đối mặt với khó khăn từ 20 năm trước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vào nghề báo đầy nhiệt huyết và ngày trở về thảnh thơi của “bố Nghĩa”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO