Đại biểu Trần Thị Vân khẳng định, chủ trương đầu tư đường vành đai 4 vùng Thủ đô là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của đất nước nói chung, Hà Nội và các tỉnh lân cận nói riêng, trong đó có Bắc Ninh. Đặc biệt là với Bắc Ninh, lợi thế địa lý sát với Thủ đô Hà Nội và hơn nữa nằm trong tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – một địa bàn kinh tế trọng điểm của đất nước, lại càng mong chờ dự án hơn ai hết. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư, nhà thầu; đồng thời có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương của dự án đi qua trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án để địa phương chủ động trong việc bố trí vốn, bố trí địa điểm tái định cư ngay từ ban đầu khi dự án được phê duyệt.
“Khi hoàn tất, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng. Dự án còn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, kết nối liên vùng, tạo sự phát triển kinh tế xã hội đồng bộ trong khu vực,” bà Vân chia sẻ bên lề phiên thảo luận hội trường về chủ trương đầu tư Vành đai 4 vùng Thủ đô sáng ngày 10.6.
Hệ thống lại những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh trong 10 năm trở lại đây, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thừa nhận, địa phương bắt đầu có dấu hiệu quá tải về hạ tầng xã hội. Công nghiệp tăng trưởng vượt bậc, dẫn đến tăng cơ học dân số, tiếp đến là lưu lượng phương tiện cũng như hàng hóa cũng tăng lên và gây áp lực lên cơ sở hạ tầng.
Đại biểu cho rằng, theo phương án trình ra Quốc hội lần này, Bắc Ninh nhận thấy thuận lợi đầu tiên là bên cạnh mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, vành đai 4 còn mở ra một không gian phát triển, đặc biệt là về phía Nam sông Đuống, với địa bàn các đơn vị hành chính: Thuận Thành, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh.
“Đi qua ba huyện, thành phố với chiều dài 21,6 km cộng với đường dẫn tiếp nối dài gần 10km, có thể nói là Bắc Ninh đang rất mong chờ vào sự hiện diện của cung đường này!" - Đại biểu nhấn mạnh.
Được biết, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng đã thông qua nghị quyết về triển khai xây dựng hạng mục liên quan đến Vành đai 4 nằm trên địa bàn tỉnh với dự toán kinh phí lên đến trên 5000 tỷ đồng. Thông tin trên cho thấy, Bắc Ninh rất chủ động, mong chờ và đã sẵn sàng ở mức cao nhất các điều kiện nếu dự án được Quốc hội phê chuẩn ở kỳ họp này.
Đại biểu Trần Thị Vân khẳng định, chính quyền các địa phương có dự án đi qua đang chủ động rà soát lộ trình, lộ giới, chuẩn bị cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở những nơi dự án đi qua. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện khác để cùng với TP Hà Nội, Hưng Yên tích cực triển khai, đảm bảo hiệu quả cũng như chất lượng.
Đồng tình với phương án giao cho thành phố Hà Nội chủ trì dự án, đại biểu bày tỏ sự tin tưởng dự án sẽ cập đến đúng hẹn nếu được Quốc hội phê duyệt. “Phiên chất vấn khá sôi nổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể hôm qua cho thấy, thái độ của nền kinh tế với chiến lược phát triển hạ tầng giao thông nói chung đang thay đổi theo hướng tích cực. Động lực thì tất cả đều nhìn thấy rõ rồi, công tác chuẩn bị của Hà Nội rồi cũng như các tỉnh còn lại cũng rất quyết tâm rồi. Tôi cho rằng, nếu dự án này hoàn thành thì là một bàn đạp rất tốt để Bắc Ninh phát triển hơn nữa trong tương lai!”
Riêng với lĩnh vực giao thông vận tải, cử tri Bắc Ninh mong rằng Chính phủ quan tâm đến Quốc lộ 18 đoạn từ thành phố Bắc Ninh đi Quế Võ vì bây giờ đã quá tải. Bắc Ninh đã có chủ trương và bố trí nguồn lực để mở rộng cầu Ngà, qua đó nâng cao năng lực giao thông của tuyến đường đó.
Ở một diễn biến khác, tuyến đường sắt Yên Viên – Hạ Long – Cái Lân qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, được giải phóng mặt bằng từ 2011 hiện đang chiếm khá nhiều diện tích đất đai. Cử tri tha thiết muốn biết ngành giao thông có làm hay không nên thông báo rõ, vì nếu mà không làm, thì có thể xây dựng phương án bàn giao cho tỉnh Bắc Ninh sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...