Vang vọng quá khứ vàng son

Ngọc Phương 01/01/2019 08:19

Những lộng lẫy vàng son, chiến công hiển hách, thông điệp lịch sử được đúc rút qua hàng nghìn năm... tưởng chừng đã lùi sâu vào lớp bụi thời gian, bỗng hiện lên sáng rõ trong một hành trình lịch sử được tái hiện qua các tác phẩm nghệ thuật đương đại, thiết kế dành riêng cho không gian Nhà Quốc hội.

Trang sử Việt bằng nghệ thuật

“Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cho nên Nhà Quốc hội luôn là một biểu tượng chính trị và văn hóa của đất nước. Việc có tác phẩm trong không gian thiêng liêng và cao quý này luôn là niềm tự hào với bất cứ nghệ sĩ nào” - nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ khi tham gia dự án trưng bày tác phẩm nghệ thuật tại Nhà Quốc hội, từ tháng 7 - 10.2018. Tuy nhiên, “với đặc thù là một không gian chính trị và văn hóa quan trọng của quốc gia nên các tác phẩm tham gia không gian trưng bày này vừa phải có giá trị nghệ thuật vừa phải có tính tư tưởng cao. Đó là một thách thức song cũng tạo cho chúng tôi cảm hứng lớn lao, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhóm nghệ sĩ tham gia dự án vẫn thường nói với nhau rằng, đây là tác phẩm để đời. Riêng với tôi, đây là cơ hội để được bày tỏ nguyện vọng của một người dân thông qua tác phẩm nghệ thuật”.

Tòa Nhà Quốc hội nằm trên nơi xưa kia thuộc khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - trung tâm quyền lực chính trị liên tục trong gần 13 thế kỷ. Hành trình lịch sử dài của dân tộc với những dấu son huy hoàng được tiếp nối ra sao là điều các nghệ sĩ trăn trở suy nghĩ khi bắt tay thực hiện dự án. Sử dụng các hình thức nghệ thuật đương đại để đối thoại với di sản được giám tuyển Nguyễn Thế Sơn theo đuổi nhiều năm nay và anh tiếp nối trong dự án này. 15 nghệ sĩ tham gia cũng là những người đã có quá trình thực hành nghệ thuật đương đại và khẳng định mình qua các tác phẩm, đặc biệt là cách họ đang làm phù hợp với dự án. “Hình thức nghệ thuật đương đại có khả năng kết nối được với nghệ thuật truyền thống và cổ đại ở ngay dưới đường hầm, bởi đặc tính của nghệ thuật đương đại là ngữ cảnh và nơi chốn. Tôi tin chắc chỉ có dự án được đầu tư cẩn thận về mặt nghiên cứu, và tương tác được với 2 yếu tố là Quốc hội và nền móng của lịch sử nghìn năm, thì mới tạo ra một không gian nghệ thuật mang ý nghĩa lâu dài được” - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.

Trong 3 tháng, các nghệ sĩ ngày đêm lao động sáng tạo, mỗi tác phẩm như một mảnh ghép được khớp nối với nhau, tạo nên bức tranh khắc họa lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam, từ cội nguồn với huyền thoại Âu Cơ - Lạc Long Quân, tới triều đại Lý - Trần đại thịnh xa xưa; từ hồ Gươm, sông Tô gắn với một phần lịch sử văn hiến Hà Nội; rồi Ngọ Môn - Kinh thành Huế, cây đa Tân Trào, Nhà hát Lớn Hà Nội... như những chứng nhân của biến thiên thời cuộc.

“Huyền thoại Âu Cơ - Lạc Long Quân đẻ ra trăm trứng là nguồn cảm hứng cho tôi thể hiện tác phẩm về đề tài truyền thống - cội nguồn đất nước. Hình tượng quả trứng được dát vàng trên đầu chóp mô phỏng cấu trúc vảy cá, tựa như những vân sóng lấp lánh ánh trăng trên mặt biển, hàm chứa sự khởi nguyên của nền văn minh lúa nước; kết hợp với hệ thống mô típ họa tiết, hoa văn trang trí qua các thời đại gửi gắm những tinh hoa của khối trầm tích văn hóa Việt, vang vọng một quá khứ vàng son của cha ông” - nghệ sĩ Triệu Khắc Tiến chia sẻ. Thành quả của sự cộng tác giữa nghệ sĩ với các nghệ nhân trong quá trình thực hiện tác phẩm, từ khâu tiện mộc làm cốt gỗ, đánh vải, làm vóc đến cẩn vỏ trai, vỏ trứng, tô son, dát vàng thếp bạc… cũng là một minh chứng sinh động giúp tìm kiếm những hướng đi khả quan cho các làng nghề thủ công truyền thống trong nhịp sống hiện đại, cũng như đóng góp những hình thức biểu đạt mới, sáng tạo, làm phong phú thêm ngôn ngữ tạo hình độc đáo, đậm bản sắc văn hóa dân tộc của chất liệu sơn mài Việt Nam.

Hài hòa tinh hoa xưa và giá trị nay

Dù nghệ thuật đương đại đã được ươm mầm bén rễ ở Việt Nam khoảng 30 năm nay, nhưng có thể nói, lần đầu tiên, tại Việt Nam có không gian nghệ thuật đương đại cố định với các tác phẩm thuộc những chất liệu được thiết kế riêng. Từ trước đến nay, nhiều người nhầm lẫn, ngộ nhận rằng đương đại đối nghịch với truyền thống, nhưng các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Nhà Quốc hội cho thấy “rất truyền thống và cực đương đại” của nghệ thuật có thể hòa hợp, tôn lên hiệu quả thị giác, giá trị nghệ thuật, cũng như tinh thần của tác phẩm.

Những di sản vật chất ít ỏi còn lại phần nào thể hiện sự kỳ vĩ của những triều đại thịnh xa xưa, những tinh hoa của văn hóa Việt bồi đắp qua thời gian, được các nghệ sĩ khéo léo lồng ghép trong tác phẩm: Từ sơn mài truyền thống, đồ họa mở đến sắp đặt đa phương tiện, sắp đặt video art trên lụa, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác, sắp đặt hàn sắt chuyển động...

Từ địa hình đường hầm để dẫn xe vào, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nảy ra ý tưởng về một chuyến du hành thơ mộng ngược dòng lịch sử thông qua hệ thống hình ảnh về các phương tiện và hình thức di chuyển từ cổ xưa từ trong đời sống vật chất và tâm linh của người Việt. Tác phẩm sắp đặt hàn sắt chuyển động “Hành trình lịch sử” (Nguyễn Thế Sơn, Vũ Xuân Đông, Phạm Khắc Quang) ra đời, sử dụng chất liệu thép tấm để tạo hình họa tiết. Sử dụng công nghệ cắt CNC hiện đại của ngày hôm nay, các tấm thép đã được thổi hồn trở thành những chiếc xe ngựa, voi, cả hình ảnh rồng, phượng, cùng thuyền bè như bước ra từ những bản khắc kinh Phật hay hình ảnh chạm khắc dân gian trên đình chùa từ thời Lê, Mạc… Những chiếc bánh xe được thiết kế chuyển động kết hợp đan xen với họa tiết hình tượng xe ngựa, thuyền rồng hòa quện cùng hệ thống vân mây cổ dẫn người xem vào một không gian tương tác ngược dòng lịch sử của các phương tiện di chuyển. “Con người ngày nay đi ô tô, còn người xưa đi ngựa, đi voi, cưỡi rồng, phượng đi mây về gió... Chúng tôi sưu tầm, vẽ lại chạm khắc đình làng và cắt trổ bằng sắt, làm sắt gỉ để ăn nhập với không gian, rồi nghiên cứu để đóng băng không cho sắt gỉ nữa... Đó là câu chuyện tổng hòa vừa kỹ thuật vừa nghệ thuật” - Nguyễn Thế Sơn cho biết.

Trong không gian đó, nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến đưa các hình ảnh họa tiết biểu tượng đặc trưng thời Lý, Trần sắp đặt trên ô tô nguyên chiếc, cho thấy sự biến chuyển và vận động mãnh liệt của thời gian. “Hơn cả một phương tiện tiện lợi, an toàn, ô tô còn là biểu tượng cho một đời sống sung túc và phản chiếu ước mơ của con người hiện đại. Việc kết hợp ô tô với những họa tiết biểu trưng của sự phồn thịnh thời Lý, Trần nhằm làm nổi bật, tạo nét tương phản với tinh thần xưa nhưng chưa bao giờ cũ. Đó là tinh hoa của dân tộc gắn liền với biểu tượng thịnh vượng và trí tuệ của con người hiện đại, nổi bật và hài hòa hai giá trị cũ và mới, kết nối tinh hoa xưa và giá trị nay của dân tộc Việt”...

Qua bao đời, văn hóa Việt vẫn bền bỉ tích tụ, tuy nhiên, lớp bụi dày của thời gian khiến những trầm tích ấy có lúc bị lu mờ, khuất lấp. Bằng nghệ thuật, các nghệ sĩ đã soi tỏ, trưng ra được phần nào những vỉa tầng sâu thẳm. Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế cho rằng: Những khác biệt về văn tự và ngữ cảnh, bối cảnh chính trị và văn hóa đã tạo ra cách biệt vô cùng lớn cho con người hôm nay và cha ông; nhiều thông điệp lịch sử không đến được với con người đương đại. Làm thế nào để nối liền quá khứ - hiện đại, để những di sản vật chất, tinh thần của cha ông có thể đi xuyên thời gian đến với ngày nay? Chắc chắn, cầu nối không gian này không thể xây bằng sắt thép, chỉ có thể thông qua nghệ thuật để nối hôm nay và hôm qua, để có thể truyền đạt thông điệp của cổ nhân cho người hôm nay. Bởi trong những khoảnh khắc quan trọng của lịch sử, chúng ta vẫn cần điểm tựa từ quá khứ; rõ ràng có những vấn đề trọng yếu, thời sự của hôm nay vẫn cần được soi rọi từ những thông điệp, nhắn nhủ của tổ tiên. Và với những tác động, phương thức mới, nghệ thuật đương đại có thể làm được điều đó - gắn kết quá khứ và hiện tại.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vang vọng quá khứ vàng son
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO