Vang vọng chiếu chèo ngày xuân

Lê Thủy ghi 25/01/2014 15:12

Mỗi dịp xuân về, những làn điệu chèo lại vang lên rộn rã ở khắp các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Qua thời gian, dù chiếu chèo xưa đã thay đổi, nhưng hồn cốt của nghệ thuật dân gian này vẫn được giữ gìn và phát huy - Ts Trần Đình Ngôn, nguyên Viện trưởng Viện Sân khấu khẳng định.

Chẳng thèm ăn chả ăn nem/ Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo

Đầu những năm 1950, quê tôi (làng Giành, nay là thôn Đa Đinh, An Bình, Nam Sách, Hải Dương) thuộc vùng tề, nhưng vào ngày xuân, tiếng trống, điệu chèo vẫn vang lên rộn rã. Rằm tháng hai vào đám, sau nghi lễ tế thành hoàng, các trò chơi kéo co, đánh vật, đấu cờ người, bịt mắt đập niêu... thu hút đông đảo dân làng. Đó là ban ngày. Chập tối, tiếng trống chèo vọng khắp các ngõ xóm, thúc giục người người đi xem. Có năm làng mời một phường chèo, có năm mời hai phường chèo về biểu diễn.

Chèo Sơn dầu của Bùi Xuân Phái
Chèo Sơn dầu của Bùi Xuân Phái
Trước khi vở diễn bắt đầu, bao giờ cũng có nhân vật anh hề bước ra sân khấu múa gậy, múa đuốc, vừa để dẹp trật tự, vừa có lời chúc mừng khán giả. Sau đó, trong tiếng nhịp phách rộn ràng, những làn điệu chèo mượt mà, đằm thắm thu hút già trẻ, gái trai. Cũng dễ hiểu, bởi chèo gần gũi, giản dị, được sáng tạo nên để nói tiếng nói của dân gian. Ở đó, khán giả được đồng cảm, sẻ chia với những số phận bất hạnh của nông dân thời phong kiến; được cười sảng khoái, hả hê trước sự phản kháng của nhân dân đối với những áp bức bóc lột, với những màn châm biếm đả kích sắc và tinh tế... Các vở chèo thường được xây dựng từ những câu chuyện cổ tích, truyện Nôm quen thuộc, dù đã biết hoặc được xem diễn nhiều lần mà khán giả chẳng hề thấy chán. Một đêm diễn chèo trong ngày hội làng thường kéo dài thâu đêm, đến tờ mờ sáng, diễn hết tích nọ đến tích kia, người xem vẫn hưởng ứng nhiệt liệt. 

Thời đó, không phải làng nào cũng có người diễn chèo. Thường một huyện có vài gánh chèo, với những diễn viên và nhạc công bán chuyên nghiệp. Là những nông dân gắn bó với ruộng vườn, chưa đến mùa lễ hội, họ tập các vai diễn để có thể đổi cho nhau. Việc tập diễn ra quanh năm, còn biểu diễn chỉ xuân thu nhị kỳ, nhưng tập trung vào mùa xuân - mùa lễ hội. Hội các làng thường chênh nhau, làng mồng 10 tháng Giêng, làng 15 tháng Giêng, hoặc 10 - 15 tháng Hai... Cứ thế, họ đi diễn hết làng này đến làng khác. Làng giàu có còn mời những gánh chèo nổi tiếng ở xa. Trong dịp hội xuân, thường gánh chèo biểu diễn ở sân đình. Sân khấu chèo chỉ là khoảng đất bằng phẳng được trải mấy chiếc chiếu hoa, căng phông trắng. Sân khấu thường hướng vào đình, người diễn quay mặt vào cửa đình, nhạc công ngồi hai bên mép chiếu tạo dàn đế. Tên gọi chiếu chèo, chèo sân đình cũng bắt nguồn từ đó. Tuy nhiên, trong dịp hội làng, cũng có khi chèo được diễn ở gian giữa của đình.

Chèo sân đình diễn theo lối ước lệ, cảnh trí của vở diễn chỉ được thể hiện theo ngôn ngữ, động tác cách điệu của diễn viên. Tuy vậy, với sự giản dị và gần gũi, chèo đã vượt qua bao thăng trầm và có sức sống bền bỉ, những đêm diễn chèo vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt với nhiều người thôn quê: Ăn no rồi lại nằm khoèo/ Nghe giục trống chèo vỗ bụng đi xem/ Chẳng thèm ăn chả ăn nem/ Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo.

Cảnh trong vở chèo Quan Âm Thị Kính Nguồn: nhahatcheovietnam.vn
Cảnh trong vở chèo Quan Âm Thị Kính
Nguồn: nhahatcheovietnam.vn

Vang vọng chiếu chèo ngày xuân

Trước sự xâm nhập mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật hiện đại, nhưng ở nhiều làng quê, chèo vẫn còn đất diễn, đặc biệt vào những ngày xuân, không chỉ ở Hải Dương mà còn ở Bắc Ninh, Thái Bình... Nhiều nhà hát, đoàn chèo kín lịch biểu diễn hội xuân từ vài tháng trước Tết. Tuy nhiên, hiện không còn chèo sân đình với đúng nghĩa như xưa. Hãn hữu mới có gánh chèo diễn ở sân đình. Có làng vẫn giữ được sân đình, có đội văn nghệ xã diễn ở đó, nhưng cách thức không hoàn toàn giống như trước. Họ kê gỗ tạo mặt sàn và căng phông, cánh gà, dựng kiểu sân khấu hộp ở sân đình. Bên cạnh đó, chiếu chèo xưa vang lên giọng hát mộc véo von của nghệ sỹ dân gian, thì nay các làn điệu chèo đã được tăng âm; dàn nhạc xưa là chiếc mõ tre, trống cơm, trống đại thì nay được thay thế bằng dàn nhạc điện tử...

Phương thức biểu diễn thay đổi đã tác động đến cảm thụ nghệ thuật. Chèo sân đình ngày xưa chỉ thắp đèn để trông rõ mặt người, lối diễn ước lệ trở thành phương tiện chuyển tải nội dung tích trò, đem tới cho người xem sự tưởng tượng phong phú. Ngày nay, sân khấu có sự hỗ trợ của nghệ thuật ánh sáng, hình ảnh trang trí, tạo cảm giác cụ thể hơn cho khán giả. Cùng cảnh chèo thuyền, nếu trước kia, diễn viên chỉ cầm mái chèo đưa đẩy trên mặt sàn diễn, người xem từ đó mà tưởng tượng ra con thuyền và dòng sông qua dáng hình, động tác của diễn viên, thấy được cả con thuyền xô vào bờ cát qua cái rùng mình của người diễn; thì nay, cảnh chèo thuyền trên sân khấu được nghệ thuật ánh sáng hỗ trợ tạo sóng nước dập dờn… Tuy nhiên, với lối diễn ước lệ, khán giả phải thân thuộc mới hiểu và cảm thấy thích thú. Dường như thị hiếu của khán giả đã thay đổi, nhiều người muốn mãn nhãn hơn là tưởng tượng. Lối diễn nay cũng đưa đẩy câu chuyện nhanh hơn do thời lượng dùng lời để tả cảnh ít đi...

Cảnh trong vở chèo Lưu Bình - Dương Lễ Nguồn: nhahatcheovietnam.vn
Cảnh trong vở chèo Lưu Bình - Dương Lễ
Nguồn: nhahatcheovietnam.vn
Với các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian, quá trình sáng tạo và thưởng thức diễn ra đồng thời, và có sự giao lưu giữa người diễn với người xem. Trong từng vở diễn hay ở mỗi tích trò, tùy theo yêu cầu của khán giả, mỗi nghệ sỹ còn ứng khẩu biểu diễn hoặc pha trò vui. Những miếng trò hay, được người xem tán thưởng, các nghệ sỹ tiếp tục sáng tạo làm cho vở diễn tăng sức hấp dẫn. Sự giao lưu ấy cũng thể hiện qua tiếng đế, qua việc xưng danh của nhân vật khi bước ra sân khấu... Ngày nay, sân khấu chèo được bố trí khoảng cách xa, cao hơn nên mối giao lưu cũng không còn như trước, tiếng đế cũng từ trong hậu trường vọng ra, rất ít đạo diễn xử lý tiếng đế như chèo sân đình, tức là từ vị trí khán giả...

Nhưng dù hình thức có thay đổi, chèo sân đình hay trên sân khấu hộp, nghệ thuật chèo vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày xuân ở các làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, qua nhiều thử nghiệm đưa đến khán giả những vở mới, có nội dung gần với cuộc sống hiện đại, vài năm gần đây, các nhà hát, đoàn chèo đã trở lại với chèo cổ. Đây có lẽ là tín hiệu vui bởi những vở chèo cổ nhưng không cũ, từng làm nức lòng bao thế hệ như: Nghêu Sò Ốc Hến, Quan Âm Thị Kính, Từ Thức gặp tiên, Lưu Bình - Dương Lễ… đến nay vẫn được đông đảo công chúng yêu thích và yêu cầu biểu diễn.

Và cứ mỗi độ xuân sang, người muôn nơi lại bồi hồi bởi sự thúc giục của trống chèo và những làn điệu chèo.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vang vọng chiếu chèo ngày xuân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO