Vàng thau lẫn lộn

Vũ Thủy thực hiện 11/03/2016 08:18

Một trong những lý do khiến ngành sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước chưa phát triển là thiếu động lực, trong đó việc quản lý chất lượng dẫn đến “vàng thau lẫn lộn”. Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng NGUYỄN HOÀNG LINH, nguyên nhân là bởi việc phân quyền quản lý chưa thực chất.

Pháp luật đã tương đối hoàn chỉnh

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nguyễn Hoàng Linh
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nguyễn Hoàng Linh

- Ông đánh giá thế nào về hệ thống pháp lý trong việc quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em hiện nay?

- Hiện, cơ sở pháp lý để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH), trong đó có đồ chơi trẻ em là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật CLSPHH, Nghị định 80/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, đo lường và CLSPHH, các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định cụ thể cách thức quản lý các sản phẩm có khả năng gây mất an toàn. Cụ thể, từ năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3:2009/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em. Theo đó, đồ chơi cho trẻ em dưới 16 tuổi trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy (CR) để chứng minh mức độ an toàn của đồ chơi trẻ em, hoặc kiểm tra nhà nước về chất lượng đồ chơi trẻ em nhập khẩu trước khi lưu thông trên thị trường. Như vậy, về cơ bản, hiện nay hệ thống pháp lý quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em đã tương đối hoàn chỉnh.

 Kết quả thanh tra chuyên đề gần nhất của Bộ KH - CN về đồ chơi trẻ em cho thấy, có 672 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em (chiếm tỷ lệ 39,3% số cơ sở được thanh tra) bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 434.790.000 đồng. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với các cơ sở vi phạm như: tịch thu, tiêu hủy 19.596 đồ chơi (là các loại đồ chơi bạo lực như kiếm, đao, dao, súng bắn đạn nhựa...), tương đương với số tiền xấp xỉ 600 triệu đồng; đình chỉ lưu thông đồ chơi là tang vật vi phạm hành chính, buộc khắc phục nhãn hàng hóa đúng theo quy định trước khi cho lưu thông trở lại đối với gần 50.000 đồ chơi giá trị xấp xỉ 1,5 tỷ đồng.

- Trên thực tế, việc quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em đang diễn ra như thế nào?

- Bộ KH và CN, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thời gian qua đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên tình hình thực hiện công tác quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em trên toàn quốc. Đây cũng là một trong những nhóm sản phẩm hàng hóa đã được Bộ tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng trên toàn quốc từ năm 2013 và đã phát hiện nhiều sai phạm về chất lượng đồ chơi.

- Những sai phạm đó là gì, thưa ông?

- Một số hành vi vi phạm thường gặp là: đồ chơi không có nhãn hàng hóa, đồ chơi có nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, vi phạm về gắn dấu hợp quy, kinh doanh đồ chơi bạo lực...

“Gắn nhầm” dấu hợp quy khá phổ biến

- Ông lý giải thế nào khi cho rằng hệ thống pháp lý đã tương đối hoàn chỉnh song vẫn xảy ra vi phạm về chất lượng đồ chơi trẻ em?

- Trên thực tế, công tác quản lý chất lượng này đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, cơ sở kinh doanh thường ở quy mô nhỏ lẻ (trên 90%), mỗi cửa hàng có một số loại đồ chơi với số lượng ít. Trong khi đó, ở từng loại đồ chơi khác nhau thì chỉ tiêu an toàn cần thử nghiệm cũng không giống nhau, có loại thử nghiệm chỉ tiêu cơ lý, có loại thử nghiệm chỉ tiêu thôi nhiễm hóa học... Điều này dẫn đến công tác thử nghiệm, lấy mẫu bị hạn chế. Thứ hai, hiện tượng “gắn nhầm” dấu hợp quy lên đồ chơi trẻ em chưa được chứng nhận hợp quy là khá phổ biến. Thứ ba, hiện tượng đồ chơi nhập khẩu tiểu ngạch, nhập lậu còn nhiều, chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, mà thường đã là đồ nhập lậu thì doanh nghiệp đương nhiên không thực hiện các quy định an toàn bắt buộc. Thứ tư, hiện nay việc kiểm soát chất lượng đồ chơi trẻ em được giao cho hệ thống Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của các địa phương, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, tuy nhiên các cơ quan này không được giao thẩm quyền công tác quản lý chất lượng còn hạn chế. Thứ năm, công nghệ sản xuất đồ chơi trẻ em liên tục phát triển, luôn có sự thay đổi, cải tiến khi sử dụng các công nghệ, vật liệu mới, trong đó có thể có những chất “lạ”, chất “mới” có nguy cơ gây mất an toàn. Mà ngưỡng hàm lượng như thế nào là mất an toàn, chất đó có thực sự gây mất an toàn... là những vấn đề còn nhiều tranh cãi...


- Theo ông, điều gì khiến việc “gắn nhầm” dấu hợp quy lên đồ chơi chưa được chứng nhận “khá phổ biến”?

 - Chính doanh nghiệp cố tình vi phạm để trục lợi. Hành vi này bị phát hiện khi chúng tôi tổ chức đi thanh tra, kiểm tra và đã xử lý kịp thời.

Doanh nghiệp phải chủ động

- Điều mà doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm là làm sao để “vàng thau” không lẫn lộn trong quản lý chất lượng đồ chơi. Phải có cách nào mang tính căn cơ chứ?

- Đó là mong muốn chính đáng. Trên thực tế, chúng tôi đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, trong đó đẩy mạnh vào dịp cao điểm như Tết Thiếu nhi, Trung thu. Song, quan trọng là hiện nay, các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng có trách nhiệm đi kiểm tra trực tiếp, nhưng khi phát hiện sai phạm, Chi cục phải chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là Chi cục Quản lý thị trường - Thanh tra Sở KH - CN... dẫn đến những hạn chế về hiệu lực quản lý nhà nước. Do đó, cần trao quyền xử lý vi phạm hành chính trực tiếp cho cơ quan đi kiểm tra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực sự chủ động trong việc tăng cường năng lực sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường ngay trên sân nhà.

- Ông sẽ khuyến cáo gì tới người tiêu dùng?

- Người tiêu dùng chỉ nên mua những loại đồ chơi đã được gắn dấu hợp quy (CR). Nên mua các loại đồ chơi trẻ em có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng bao gồm cả nhãn tiếng Việt, tránh mua hàng trôi nổi, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, đọc kỹ hướng dẫn, cảnh báo để lựa chọn đồ chơi phù hợp với độ tuổi của con em mình vì có thể có những loại đồ chơi đáp ứng QCVN nhưng vẫn gây mất an toàn với trẻ em nhỏ tuổi (đặc biệt từ 0 - 3 tuổi).

- Nhưng như ông vừa nói, việc “gắn nhầm” dấu hợp quy còn “khá phổ biến”?

- Thực tế này đặt ra đòi hỏi công tác quản lý cần được làm thường xuyên, liên tục; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý phải chặt chẽ hơn nữa.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vàng thau lẫn lộn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO