Vẫn “tứ chứng nan y”
Bảo đảm an sinh xã hội là sứ mệnh cao cả mà Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) được giao phó. Thế nhưng, sau hơn 2 năm vận hành các thiết chế mới, vẫn chưa rõ Luật có đảm đương nổi vai trò này không? Khi mà những căn bệnh trầm kha xưa cũ của hệ thống BHXH chưa có biểu hiện thuyên giảm.
Bảo hiểm bắt buộc - vẫn trốn tránh
Dù muốn thừa nhận hay không, các con số báo cáo vẫn cho thấy căn bệnh kinh niên của BHXH đang tái phát, đặc biệt là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động, hoặc đóng không đúng thời hạn và đóng không đủ. Sử dụng nhiều lao động nhưng doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho số ít, cá biệt có doanh nghiệp có số nợ hàng tỷ đồng và kéo dài tới 4-5 năm. Tình trạng đóng BHXH mang tính chất “đối phó” cũng rất phổ biến. Đa phần mức đóng chỉ được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu. Vì vậy, thất thu của BHXH là một con số khổng lồ.
Nhiều doanh nghiệp vì những lý do khách quan thực sự như kinh doanh thua lỗ, tích luỹ chưa cao, lo tiền để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh còn chật vật... Song đa số trường hợp người sử dụng lao động trốn tránh trước hết vì lợi nhuận. Họ “lách luật”, chỉ ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc ký hợp đồng cắt quãng thời gian... Người lao động vì thế sẽ không thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Không tham gia thì sẽ không phải đóng BHXH và doanh nghiệp cũng sẽ “vô can”... Thêm vào đó là chế tài chưa đủ mạnh và cách tính lãi chậm nộp không hợp lý. Nếu cứ tiếp tục duy trì mức phạt với lãi suất thấp hơn nhiều lãi suất cho vay của ngân hàng như hiện nay thì khó có thể chấm dứt được tình trạng nợ đọng.
Về phía người lao động, với thu nhập mới đáp ứng một phần nhu cầu tối thiểu trước mắt, lại thiếu hiểu biết nên không ý thức được tầm quan trọng của việc lo liệu đối phó với những biến cố trong tương lai. Vật lộn mưu sinh hàng ngày và sợ mất việc làm càng khiến họ không dám đòi hỏi chủ sử dụng lao động phải “để mắt”.
Ngoài ra, là những vướng mắc trong xác định và quản lý đối tượng BHXH bắt buộc, nhiều địa phương rất lúng túng trong việc nắm bắt con số các đơn vị và lao động trên địa bàn. Kết quả là số lao động được bảo vệ bởi mạng lưới BHXH vẫn còn nhỏ hẹp so với cả cộng đồng dân cư.
Bảo hiểm tự nguyện - chưa tự nguyện
BHXB tự nguyện được hình thành với ý nghĩa mở rộng dần tấm lưới che chắn, giúp cho những ai vì lý do này hay lý do khác “bị lọt” ra khỏi phạm vi của chương trình BHXH bắt buộc. Đây là mô hình “đậm chất” nhân văn mà trên thế giới chỉ Việt Nam mới có. Đối với các nước, BHXH tự nguyện chỉ là hình thức hỗ trợ bổ sung nếu người tham gia muốn được mức trợ cấp cao hơn. Sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện là một chính sách ưu việt. Tuy nhiên, kết quả sau 1 năm triển khai BHXH tự nguyện còn rất khiêm tốn. Số người tham gia còn quá ít và số thu còn quá thấp.
Trong ngắn hạn, có thể đây chưa phải là vấn đề lớn, nhưng nếu BHXH không “sáp vô” từ bây giờ, không quan tâm tới công tác tuyên truyền vận động thì về lâu dài, với cơ cấu dân số già ngày càng cao sẽ trở thành gánh nặng cho thế hệ tương lai.
Bảo hiểm thất nghiệp - vẫn thất nghiệp
Đây là loại hình bảo hiểm rất cần thiết trong một nền kinh tế theo cơ chế thị trường, song chỉ phù hợp với các nước có nền kinh tế phát triển. Người lao động khi bị mất việc, không chỉ được hỗ trợ về tài chính mà quan trọng hơn bảo hiểm thất nghiệp sẽ sớm đưa họ trở lại thị trường lao động thông qua các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm... Không chỉ người lao động, doanh nghiệp cũng thu được lợi ích từ việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Dù chi phí phải gia tăng ít nhiều nhưng “đồng hành” cùng doanh nghiệp là Nhà nước. Và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sử dụng để trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho người lao động thay vì cho việc một mình doanh nghiệp phải đứng ra chi trả như trước kia.
Thật không may, chương trình bảo hiểm thất nghiệp được “khởi động” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam đang suy thoái, nhiều doanh nghiệp giữ được ổn định sản xuất kinh doanh đã là khó. Vì vậy, dù có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009, nhưng Chính phủ đã có Nghị quyết cho phép các doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2009. Vậy là, bảo hiểm thất nghiệp hiện vẫn đang “thất nghiệp”.
Nguy cơ vỡ Quỹ vẫn tiềm ẩn
Trong bất kỳ hệ thống BHXH nào, cân đối tài chính luôn là bài toán trọng yếu nhất và cũng nan giải nhất. Dù rằng Nhà nước đã tuyên bố “xanh rờn “ trong Luật: “Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, không bị phá sản”, song vẫn còn đó những “lo toan” cho sự an toàn của Quỹ. Dự báo tại Việt Nam, đến năm 2020 Quỹ BHXH chi sẽ lớn hơn thu và đến năm 2030 sẽ mất cân đối trầm trọng. Với tình trạng thâm hụt ngân sách năm trước lớn hơn năm sau, lấy gì để bù chi vẫn đang là một câu hỏi lớn. Không những phải được bảo toàn, mà Quỹ BHXH còn cần được phát triển để đủ sức đương đầu với những dao động của thị trường, những cơn sốc về kinh tế hay trước nguy cơ lạm phát... Trách nhiệm "bà đỡ" của Nhà nước chủ yếu để bảo đảm cho các thay đổi chính sách không làm ảnh hưởng đến Quỹ. Còn lại, vẫn cần đa dạng hoá các loại hình BHXH để giảm bớt phần gánh nặng cho Nhà nước. Mà việc này vẫn còn đang rất "ì ạch" cho dù Luật ra đời đã được 2 năm.
Xã hội muốn ổn định và phát triển phải dựa trên nền tảng một đời sống an lành của từng người dân, trong đó trông cậy rất nhiều vào hệ thống BHXH. Đối với quốc gia đông dân và còn nghèo như Việt Nam thì điều này lại càng có ý nghĩa. Có vẻ như chúng ta đang bốc chưa đúng thuốc, có nhiều "mộng tưởng" lớn chưa xuất phát từ thực tế nên những vấn đề của BHXH trước đây, cho tới nay vẫn thường trực và nóng hổi.