Vận tải hàng hóa ách tắc - vì đâu?

- Thứ Tư, 21/07/2021, 06:32 - Chia sẻ
Xe ùn tắc nhiều giờ liền do phải chờ dán logo; đến chốt kiểm soát không được tiếp tục vào địa bàn mà phải đổi tài xế hoặc chuyển hàng sang xe khác… Quy định chống dịch “mỗi nơi một kiểu” đang khiến doanh nghiệp vận tải khóc dở, mếu dở.
Ùn tắc kéo dài trên tuyến Quốc lộ 5 sáng 20.5 do nhiều lái xe không biết quy định mới về kiểm soát dịch khi vào Hải Phòng. Nguồn VOV
Ùn tắc kéo dài trên tuyến Quốc lộ 5 sáng 20.5 do nhiều lái xe không biết quy định mới về kiểm soát dịch khi vào Hải Phòng.
Nguồn VOV

Xe từ Bắc Ninh đi 19 tiếng chưa tới cảng Hải Phòng

“Hiện công ty có hơn 50 xe đang ùn tắc tại các cửa ngõ vào Hải Phòng”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Delta Nguyễn Minh Trang xác nhận với phóng viên trưa ngày 20.7. Trong đó, “có xe đi từ Bắc Ninh lúc 16 giờ chiều 19.7 nhưng hiện chưa vào được chốt Quán Toan (Hải Phòng), trong khi thường chỉ mất 3 giờ”.

Nguyên nhân gây ùn tắc phương tiện vận tải tại các cửa ngõ Hải Phòng là do thành phố thực hiện kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa để phòng, chống dịch. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hải Phòng yêu cầu các phương tiện đi từ tỉnh Nghệ An trở vào có nguy cơ cao phải dán logo màu đỏ; các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra là nhóm nguy cơ phải dán logo màu vàng; các phương tiện chỉ hoạt động trong địa bàn thành phố có nguy cơ thấp được dán logo màu xanh.

Đáng chú ý, theo bà Trang, văn bản chỉ đạo của Sở GTVT Hải Phòng liên tục thay đổi. Ngày 17.7, Sở có văn bản cho phép các doanh nghiệp được in và dán logo cho phương tiện của mình theo mẫu.  Ngày 19.7, Sở lại ra thông báo mới yêu cầu điều chỉnh xe chở hàng từ Hà Nội về Hải Phòng và ngược lại từ logo màu vàng sang logo màu đỏ, đồng thời yêu cầu các chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ thực hiện dừng phương tiện gắn logo màu đỏ để kiểm tra kết quả xét nghiệm SAR-CoV2. Việc thay đổi trong thời gian ngắn này khiến nhiều doanh nghiệp khó xoay xở và dẫn đến ùn tắc kéo dài.

Công ty Delta chuyên vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa cho các nhà máy trong khu công nghiệp của các tỉnh từ Nghệ An trở ra. Ách tắc, xe chậm giao hàng, nhiều doanh nghiệp sản xuất là đối tác của công ty đã bị dừng chuyền, thiệt hại khó đong đếm. “Chúng tôi hiểu chính quyền Hải Phòng nỗ lực kiểm soát dịch bệnh song nếu tình trạng này kéo dài không chỉ doanh nghiệp vận tải điêu đứng mà cả doanh nghiệp sản xuất cũng lao đao”, bà Trang nói.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam xác nhận, theo phản ánh của doanh nghiệp, khi vận chuyển hàng hóa vào Kon Tum, Gia Lai, địa phương không cho xe vào địa bàn mà phải đổi tài hoặc chuyển hàng sang xe khác. Tình trạng này cũng tương tự với chốt kiểm dịch Núi Thành (Quảng Nam) khi yêu cầu xe phải sang hàng, đại diện doanh nghiệp logistics chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, địa phương này hiện có cách làm khác. Tỉnh không đặt chốt kiểm soát dịch trên các tuyến giao thông mà chỉ kiểm soát người về từ vùng dịch thông qua các tổ Covid-19 cộng đồng. Đối với vận tải hàng hóa, xe đến công ty nào thì công ty đó kiểm tra giấy xét nghiệm PCR có hiệu lực trong 72 giờ, tài xế cam kết hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp…

Ưu tiên tiêm vaccine cho toàn bộ tài xế

Việc mỗi nơi áp dụng một kiểu trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa để phòng, chống dịch Covid-19 không phải giờ mới xuất hiện mà đã từng xảy ra khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, Hải Dương.

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh cho rằng, để xảy ra tình trạng này bởi “chúng ta đang thiếu chỉ đạo tập trung với cách làm thống nhất”. “Hiện, Thủ tướng chỉ đạo phân cấp phân quyền nhưng trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này rất cần có chỉ đạo thống nhất từ cấp Trung ương để bảo đảm lưu thông hàng hoá được thông suốt”, ông Minh nói.

Trên thực tế, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương đều đã có văn bản hướng dẫn vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Mới nhất, Bộ Y tế ban hành công văn hỏa tốc ngày 19.7, trong đó nêu rõ: Không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tài xế vận chuyển hàng hóa khi chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 hoặc ở mức cao hơn so với Chỉ thị 16; chỉ áp dụng nếu vận chuyển hàng hóa từ khu vực thực hiện Chỉ thị 16, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề áp dụng cấp độ phòng chống dịch thấp hơn. Yêu cầu tài xế hạn chế dừng đỗ và tiếp xúc với người khác, điều khiển xe theo đúng lộ trình…

Tuy vậy, ông Minh cho rằng điều này vẫn chưa đủ. Theo đó, Bộ Y tế nên chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan để ban hành văn bản quy định cụ thể điều kiện lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh trong cả nước (gồm địa phương áp dụng Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 và các địa phương còn lại cũng như giữa các địa phương này với nhau); trách nhiệm của chính quyền, doanh nghiệp… thay vì mỗi bộ, ngành có hướng dẫn riêng.

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp vận tải kiến nghị, nên ưu tiên tiêm vaccine cho toàn bộ tài xế trên cả nước. Mặt khác, để gỡ khó cho các doanh nghiệp vận tải, ông Bùi Thanh Bình, Trưởng phòng Giao nhận toàn quốc Công ty T&M Forwarding kiến nghị các địa phương cần hỗ trợ chi phí xét nghiệm SAR-CoV-2 cho tài xế. Đồng thời, “Tổng cục Đường bộ  nên xem xét miễn, giảm phí BOT cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa trên cả nước, thay vì chỉ áp dụng tại các địa bàn thực hiện Chỉ thị 16”.

Đan Thanh