Vẫn rất khó khăn...

- Thứ Bảy, 10/10/2020, 06:50 - Chia sẻ
12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương đến nay vẫn là những điển hình về đội vốn, không hiệu quả và nan giải trong xử lý. Mới đây nhất, trong Báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội đã cập nhật việc xử lý 12 dự án này với không ít khó khăn, thậm chí chưa xác định đầy đủ về thiệt hại kinh tế của Nhà nước...

Lý do là bởi có 5/12 dự án còn tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC nên chưa hoàn thành quyết toán và xác định chính xác giá trị các dự án. Còn theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020, tình hình tài chính của 12 dự án, doanh nghiệp vẫn ảm đạm: Vốn chủ sở hữu bị âm hơn 7.200 tỷ đồng; tổng tài sản là trên 59.100 tỷ đồng, trong khi đó, tổng nợ phải trả lên đến hơn 63.300 tỷ đồng; lỗ lũy kế của các dự án lên đến trên 26.300 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, về cơ bản "gam màu" của các dự án này vẫn rất ảm đạm, trong khi Văn bản số 90/TB-VPCP ngày 11.7.2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành xử lý trong năm 2020. Nếu phải chậm hơn, không kéo dài quá nửa đầu năm 2021.

Câu hỏi đặt ra là liệu với quỹ thời gian chỉ hơn 1 năm có hoàn thành việc xử lý không vì hiện còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc? Sẽ rất khó có câu trả lời chính xác. Còn nhớ hồi đầu tháng 4, tại Phiên họp lần thứ 9, Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nêu quan điểm: Cần phân tích, đánh giá từng dự án để có phương án khả thi nhất làm rõ dự án nào cần hỗ trợ để có thể phục hồi, dự án nào cần xử lý kiên quyết, cho dừng hoạt động để phá sản... Còn tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kế hoạch và phương án tổng thể xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương diễn ra hồi tháng 6, dù ghi nhận nỗ lực của Ban chỉ đạo khi đến nay, có một số dự án được đưa vào hoạt động và một số dự án được xử lý với hình thức phù hợp nhưng Thủ tướng vẫn đề nghị phải xem xét xử lý từng dự án cụ thể, báo cáo Thường trực Chính phủ với tinh thần không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản nhà nước. Nếu phục hồi được thì cố gắng phục hồi, còn không thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý...

Sẽ còn rất nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn không thể chờ lâu hơn nữa. Đã đến lúc cần phải quyết liệt, thậm chí "thẳng tay" hơn nữa với các dự án này. Đó là xác định rõ phương án cụ thể với từng dự án chứ không thể "dàn hàng ngang" mãi. Như ý kiến Thủ tướng đã từng nêu là phải làm chặt chẽ, đúng pháp luật, đừng để mất cán bộ rồi giờ tiếp tục mất cán bộ nữa do sơ suất vận dụng pháp luật.

Linh Trang