Các Cơ Chế dành Cho nữ nghị sĩ trong IPU

Văn phòng Nữ nghị sĩ và Nhóm đối tác về giới

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 05:56 - Chia sẻ
Cùng với Diễn đàn Nữ nghị sĩ, IPU còn có hai cơ chế khác nhằm hỗ trợ và giúp việc cho Diễn đàn là Văn phòng Nữ nghị sĩ và Nhóm Đối tác về giới.

Văn phòng Nữ nghị sĩ

Được thành lập vào năm 1990, Văn phòng Nữ nghị sĩ (trước là Ủy ban Điều phối nữ nghị sĩ) là cơ chế thường trực đầu tiên được tạo ra trong IPU để thúc đẩy công việc của Liên minh về bình đẳng giới và các vấn đề phụ nữ. Cơ quan này chịu trách nhiệm bảo đảm rằng các vấn đề của phụ nữ là trọng tâm trong công việc của Diễn đàn Nữ nghị sĩ. Các hoạt động của Ủy ban là nhằm giúp IPU nhận thức rõ hơn về các vấn đề giới bằng cách phát triển chương trình bền vững về các vấn đề của phụ nữ cũng như thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các nữ nghị sĩ ở tất cả các vị trí cấp cao của IPU.

Văn phòng Nữ nghị sĩ cũng là cơ quan giúp việc cho Diễn đàn Nữ nghị sĩ với vai trò chuẩn bị cho các cuộc họp của hội nghị, bảo đảm trao đổi liên lạc và phối hợp thường xuyên giữa các nữ nghị sĩ, đồng thời điều phối hoạt động giữa cơ chế hội nghị, ban thường trực và các cơ quan khác của IPU.

Trong những năm qua, Văn phòng cũng đã đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn công việc của Nhóm Đối tác về giới và trình bày các khuyến nghị cũng như báo cáo lên Hội đồng Điều hành.

Các thành viên của Văn phòng bao gồm các nữ nghị sĩ thuộc Ban Chấp hành; cựu Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ và hai đại biểu thuộc 6 nhóm địa chính trị do Diễn đàn Nữ nghị sĩ bầu ra.

Văn phòng có một Chủ tịch và hai Phó chủ tịch, trong đó Chủ tịch là thành viên đương nhiên của Ban Chấp hành của IPU. Quy định này được áp dụng sau lần sửa đổi Quy chế của IPU nhằm bảo đảm tiếng nói bất di bất dịch của phụ nữ nói chung và nữ nghị sĩ nói riêng trong cơ quan ra quyết định của IPU.

Văn phòng họp thường niên mỗi năm hai lần trước các cuộc họp của Diễn đàn Nữ nghị sĩ.

Văn phòng Nữ nghị sĩ  

Nhóm Đối tác về giới

Tại cuộc họp chuyên đề tại New Delhi, diễn ra từ ngày 14 - 18.2.1997, IPU đã thông qua kết luận về chủ đề “Hướng tới sự hợp tác giữa nam và nữ trong chính trị”. Theo đó, IPU đã thống nhất quyết định rằng công việc chung của tổ chức cần phải xem xét thường xuyên và rõ ràng hơn, nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động để nâng cao sự hợp tác đối tác giữa nam và nữ, được coi là “một nhân tố vững chắc của nền dân chủ”.

Do đó, Liên minh đã thành lập Nhóm Đối tác về giới gồm hai nghị sĩ nam và hai nữ nghị sĩ. Những đại biểu này được giao nhiệm vụ quan sát và tổng hợp các mối quan tâm về giới và bảo đảm rằng các quan điểm của cả hai giới đều được xem xét công bằng trong các hoạt động và quyết định của IPU.

Nhóm Đối tác về giới xây dựng báo cáo hai lần một năm để trình lên Hội đồng Điều hành của IPU. Đồng thời, khi vừa mới thành lập, nhóm đã sáng kiến thiết lập quy định mới về bình đẳng nam nữ, đặc biệt là nội dung quy định về thành viên trong các đoàn đại biểu tham dự Đại hội đồng IPU, ít nhất mỗi đoàn phải có sự tham dự của một nữ nghị sĩ; các đoàn sẽ buộc phải rút bớt hai phiếu bầu nếu trong thành phần đoàn không có đại biểu nữ tham dự.

Nhóm Đối tác về giới đã đóng một vai trò quan trọng và mang tính đột phá trong việc thay đổi các quy tắc của IPU nhằm khuyến khích các Nghị viện thành viên đưa cả nam và nữ nghị sĩ vào các phái đoàn tham gia các kỳ Đại hội đồng. Các quy tắc của IPU hiện quy định rằng, bất kỳ phái đoàn nào chỉ hoàn toàn là các nghị sĩ của một giới trong ba phiên họp liên tiếp sẽ mất một số quyền biểu quyết tại Hội nghị.

Nhóm cũng giám sát và khởi xướng các chương trình cải cách giới trong Tổ chức của IPU, hiện đã có chính sách chính thức để lồng ghép giới vào mọi công việc của Liên minh. Công việc của Nhóm Đối tác về giới cũng là một phần trong cam kết và hành động rộng lớn hơn của IPU về bình đẳng giới.

Vũ Quỳnh