Văn phòng Chủ tịch Nước họp báo công bố 6 Luật

Hoàng Ngọc 12/07/2017 14:23

Sáng 12.7, Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước công bố 6 Luật, gồm Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đường sắt, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Du lịch và Luật Thủy lợi. Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch Nước Giang Sơn chủ trì cuộc họp báo.

Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công thương.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 4 chương, 35 điều, quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ DNNVV. Tiêu chí xác định DNNVV gồm 3 tiêu chí là số lao động, doanh thu, nguồn vốn. Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội không quá 200 người là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Các nội dung hỗ trợ trọng tâm với DNNVV gồm: hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018.

Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 113 điều, điều chỉnh chủ yếu công tác quản lý nhà nước về ngoại thương, bao gồm, các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế, không điều chỉnh, can thiệp cụ thể vào hoạt động của các thương nhân, giữa các thương nhân với nhau, chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ.

Luật quy định các nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương theo nguyên tắc một biện pháp do một cơ quan đầu mối phụ trách; giao nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho Bộ Công thương, các bộ, chính quyền địa phương phù hợp với các biện pháp quản lý quy định trong Luật này. Dự kiến sẽ có 5 Nghị định quy định chi tiết của Chính phủ được ban hành để hướng dẫn thi hành luật. Luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2018.

Luật Đường sắt năm 2017 gồm 10 chương, với 87 điều, tăng 2 chương và giảm 27 điều so với Luật Đường sắt năm 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và KT- XH của Việt Nam nói chung.

Về chính sách phát triển đường sắt, Luật đã bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt, phát triển đường sắt chuyên dùng. Đặc biệt, có chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia…   Căn cứ quy định của Luật Đường sắt năm 2017, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2018.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Gồm 6 chương, 60 điều, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật 2006, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Luật quy định chính sách cụ thể đối với luồng chuyển giao, bổ sung một số chính sách ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến KT - XH, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người. Sửa đổi các tiêu chí xây dựng danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và danh mục công nghệ cấm chuyển giao. Bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ… Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018.

Luật Du lịch năm 2017 gồm 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch năm 2005 với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tình chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch.

Đáng lưu ý, quy định về khách du lịch được chuyển từ Chương V, Luật Du lịch năm 2005 lên Chương II, Luật Du lịch năm 2017, thể hiện rõ quan điểm lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Luật cũng bổ sung quy định khách du lịch có nghĩa vụ ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch để giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi du lịch nước ngoài của công dân Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018.

Luật Thủy lợi gồm 10 chương, 60 điều, quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, quản lý, khai thác công trình thủy lợi và hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ; thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.

Luật cũng quy định chuyển từ phí sang giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi phục vụ sang dịch vụ; gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi; giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2018.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Văn phòng Chủ tịch Nước họp báo công bố 6 Luật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO