Vẫn nhiều khó khăn...

- Thứ Năm, 04/03/2021, 12:26 - Chia sẻ
Theo báo cáo của các bộ, ngành tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương diễn ra ngày 3.3, đến thời điểm hiện tại đã có 3 dự án ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo xử lý của Ban Chỉ đạo. Một số dự án đã duy trì vận hành sản xuất, có sản phẩm... nhưng còn nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn; một số dự án còn dở dang hoặc dừng hoạt động. Có 5 dự án tranh chấp hợp đồng EPC đã đàm phán nhiều lần nhưng không thành công...

Như vậy có thể thấy cho dù đã có những chuyển biến nhất định nhưng nếu so với thời điểm tháng 4.2020 thì "thực trạng" vẫn chưa có những "bứt phá" rõ ràng. Cụ thể, thời điểm này - tức sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 1468/QĐ-TTg mới chỉ có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi; 2 dự án, doanh nghiệp giảm được lỗ nhưng chưa bền vững; 1 dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại; 7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động... Cũng bởi vậy mà tại Phiên họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương và một số bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nêu quan điểm: Cần phân tích, đánh giá từng dự án để có phương án khả thi nhất làm rõ dự án nào cần hỗ trợ để có thể phục hồi, dự án nào cần xử lý kiên quyết, cho dừng hoạt động để phá sản...

Tiếp đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hồi cuối tháng 6.2020, dù ghi nhận nỗ lực của Ban chỉ đạo khi đến nay, có một số dự án được đưa vào hoạt động và một số dự án được xử lý với hình thức phù hợp nhưng Thủ tướng cũng đề nghị tổ công tác báo cáo Ban chỉ đạo để xem xét xử lý từng dự án cụ thể cũng như báo cáo Thường trực Chính phủ với tinh thần không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản nhà nước. Nếu phục hồi được thì cố gắng phục hồi, còn không thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý…

Gần một năm sau, khi phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về vấn đề này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công thương trình phương án xử lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước ngày 10.3 để xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên cơ sở chặt chẽ, đúng pháp luật. Những dự án còn lại là những dự án phức tạp, đã triển khai nhiều năm, điều chỉnh tổng mức đầu tư cao so với ban đầu, thua lỗ kéo dài, đặc biệt là liên quan đến tổng thầu EPC và yếu tố nước ngoài, liên quan đến điều tra, khởi tố khiến việc khắc phục tình trạng thua lỗ, xử lý tồn tại rất khó trong điều kiện Bộ Chính trị, Chính phủ cho ý kiến là không được sử dụng ngân sách để cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước nên Ban Chỉ đạo, trực tiếp là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần tập trung chỉ đạo, đề xuất cụ thể hơn.

Đối với một số dự án thiếu cơ sở pháp lý, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thảo luận, đề xuất để có biện pháp xử lý cần thiết. Thời gian tới, các tập đoàn, tổng công ty tính toán cơ cấu lại các dự án theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, trên tinh thần hạn chế thấp nhất tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước và nền kinh tế cũng như bảo đảm quyền lợi cho người lao động, cho an ninh, quốc phòng, cho môi trường và ổn định xã hội. Những dự án không còn khả năng khắc phục thì kiên quyết thanh lý, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản Nhà nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo đưa ra danh mục dự án không thể khắc phục để xử lý cương quyết. Các bộ, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp càng phải "xắn tay áo" vào, tập trung nhiều hơn nữa - Thủ tướng nhấn mạnh.

Hiện 12 dự án của ngành công thương vẫn là những điển hình về đội vốn, không hiệu quả và nan giải trong xử lý hậu quả, cho dù quan điểm xử lý đã rõ ràng.

Ninh Khương