“Lọ lem xỏ giày thủy tinh lấp lánh”

- Thứ Bảy, 21/01/2023, 06:57 - Chia sẻ

Làm thế nào để ở Việt Nam mà làm phim đến được Oscar? Có người đã đặt câu hỏi như thế khi Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) của Hà Lệ Diễm lọt vào danh sách 15 phim tài liệu dài xuất sắc nhất Oscar 2023.

Để rồi cũng chính người đó trả lời: cứ làm phim vì những câu chuyện, vì con người; dám nghĩ, dám hy sinh, dám làm thứ mà không ai dám, một ngày nào đó bạn sẽ làm được như Hà Lệ Diễm!

Trong số hàng nghìn phim tài liệu được sản xuất mỗi năm, việc Những đứa trẻ trong sương được lựa chọn công chiếu cùng vài trăm phim tại liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới (IDFA) và đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất đã là niềm vinh dự, lọt vào danh sách 15 phim tài liệu xuất sắc nhất Oscar còn hãnh diện hơn. Vì thế, tuy là “vòng gửi xe” của Oscar 2023 như Hà Lệ Diễm nói, nhưng đây được coi là cột mốc mới đầy bất ngờ và là điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam năm qua. 

Hà Lệ Diễm dành hơn 3 năm làm
Hà Lệ Diễm dành hơn 3 năm làm "Những đứa trẻ trong sương"

Lưu giữ tuổi thơ

 Những đứa trẻ trong sương theo chân cô bé dân tộc Mông tên Di ở Sapa (Lào Cai) từ 12 tuổi đến 16 tuổi, với mong muốn “giữ lại tất cả khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi thơ trước khi nó biến mất, và cả cảm giác cô đơn khi trở thành người lớn”. Đó là hành trình vừa trong trẻo, hồn nhiên nhưng cũng rất quyết liệt và mạnh mẽ của một cô gái tự trải nghiệm, dám phản ứng với những gì mà mình không thích, ngay cả khi đó là tập tục truyền thống của dân tộc (tục bắt vợ).

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận xét: “một bộ phim thật hay vì đã có một nhân vật thật hay và một câu chuyện thật hay; sự kiên nhẫn, đồng cảm của đạo diễn với nhân vật và câu chuyện của mình đã làm nên một tác phẩm sống động, rực rỡ mà vẫn rất tự nhiên và chân thành”.

Sau khi chiếu ra mắt tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (IDFA) cuối năm 2021 và giành giải Đạo diễn xuất sắc, được Ban giám khảo tuyên dương Phim tài liệu đầu tay xuất sắc, đến nay Những đứa trẻ trong sương đã chu du khoảng 100 liên hoan phim quốc tế, được trao hàng chục giải thưởng, trong đó có Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại LHP Balimakarya 2022, Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại LHP Giáo dục của Pháp, Giải thưởng của UNICEF tại Japan Prize 2022 (Giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc thúc đẩy sự hiểu biết về cuộc sống của các em có hoàn cảnh khó khăn); giải thưởng của các giám khảo trẻ ở Đài Loan (Trung Quốc) và Australia...

Hà Lệ Diễm cũng bận rộn với các cuộc giao lưu, chia sẻ với đồng nghiệp và khán giả yêu phim tài liệu trên khắp thế giới về bộ phim, về Di cũng như câu chuyện của cuộc sống, con người vùng cao Việt Nam. “Khán giả các nước hay hỏi tại sao tôi lại làm bộ phim này, tò mò nhân vật Di giờ ra sao. Nhiều khán giả tầm tuổi Di xem phim cười vui vẻ đồng cảm với câu chuyện trong phim. Khi giao lưu, các em kể chuyện ở trường ở lớp, về thầy cô, những mối quan hệ yêu đương chớm nở, giống y hệt Di. Với tôi như thế là thành công”.

Vừa trở về từ Giải thưởng Điện ảnh châu Á - Thái Bình dương (Asia Pacific Screen Awards) tại Australia, hai tuần sau gặp lại, Diễm chuẩn bị sang Italy tham dự Liên hoan phim tài liệu IsReal. Mơ ước của Diễm là được xem những bộ phim tài liệu hay nhất, mới nhất, gặp những nhà làm phim tài liệu giỏi nhất, giờ đã trở thành hiện thực.

"Những đứa trẻ trong sương" đang có một hành trình kỳ diệu

Đồng hành với những phận người

Hà Lệ Diễm kể, “những người làm phim tài liệu hay trêu nhau Cây râm bóng mát không ngồi/Chạy ra đứng nắng trách trời không râm. Nếu không làm phim tài liệu thì có lẽ cuộc đời chúng tôi đã hạnh phúc hơn rồi. Bởi khi phát hiện ra một câu chuyện trong cuộc sống và quyết định làm phim về nó, chúng tôi buộc phải tìm hiểu, phải suy nghĩ, sống với nhân vật. Như với Những đứa trẻ trong sương, 3 - 4 năm trời tôi không làm được việc gì khác, suốt ngày đau đáu với bộ phim. Vì thế, sau khi bộ phim hoàn thành, tôi chỉ nghĩ mình đã được tự do, có thể làm được việc nọ, việc kia, đến những vùng đất khác, có những câu chuyện khác muốn kể”.

“Khó khăn, vất vả là thế, Diễm có lúc nào muốn bỏ cuộc?” “Không! Tôi yêu phim tài liệu và mê máy quay. Hồi còn đi học, tôi ao ước có tiền mua một chiếc máy ảnh. Mỗi khi buồn chán tôi lại ra cửa hàng bán máy ảnh ngắm nghía. Đến khi nịnh được mẹ mua cho chiếc máy ảnh đầu tiên, tôi để ở đầu giường, đi ngủ ôm nó đầy hạnh phúc. Đó chính là chiếc máy ảnh tôi dùng để quay bộ phim đầu tay Con đi trường học (giải Cánh diều Bạc năm 2014 - NV). Bộ phim nói về nghị lực phi thường của một người mẹ đơn thân dân tộc Dao ở Bắc Kạn bị nhiễm HIV ngày ngày lội suối cõng con đến trường. Làm Những đứa trẻ trong sương tôi được chơi với Di và các cô bé, cậu bé người Mông, đi trồng lúa, trồng ngô, tham gia các nghi thức, lễ hội với người lớn trong làng. Di coi tôi như chị gái, còn bố mẹ Di coi tôi như con cái trong nhà. Chỉ làm phim tài liệu tôi mới có thể được sống nhiều hơn một cuộc đời như thế khi các nhân vật cho phép mình bước vào cuộc sống của họ. Hiện tại tôi vẫn hạnh phúc theo một cách khác và thấy khá ổn với lựa chọn của mình”.

Những đứa trẻ trong sương là một hành trình kỳ diệu được tạo nên và duy trì bởi những trái tim rộng mở cùng rất nhiều lòng tốt”. Vì thế, khi được hỏi, muốn gửi gắm điều gì đến trẻ em nói chung và trẻ em người dân tộc thiểu số nói riêng, Diễm “hy vọng các em nhận được nhiều tấm lòng tử tế để có môi trường đủ an toàn lớn lên. Bởi tôi được như ngày hôm nay là nhận được tấm lòng tử tế của rất nhiều người”.

Diễm bảo: “nếu được đề cử Oscar thì chẳng khác gì phim trúng số độc đắc, cơ hội siêu hiếm và khó như mò kim đáy bể”. Thế nhưng hành trình vừa qua của Diễm cùng Những đứa trẻ trong sương đã đủ lấp lánh và bộ phim đang chờ ra mắt khán giả Việt Nam trong năm 2023 này.

Nhật Linh
#