Vũ Trinh người làng Xuân Lan, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc. Ông sinh năm 1759 trong một gia đình quan lại. Năm 17 tuổi, Vũ Trinh đỗ Hương tiến, rồi được bổ chức tri phủ Quốc Oai và bắt đầu con đường hoạn lộ. Vợ ông là con gái của Nguyễn Khản, anh cùng cha khác mẹ với thi hào Nguyễn Du. Vũ Trinh hơn Nguyễn Du bảy tuổi, và chắc hẳn, ngoài tình chú cháu, hai ông còn có tình bạn văn thơ.
Năm 1787, Vũ Trinh 28 tuổi được vời vào triều. Rồi, nhờ được sống trong chốn cung đình, được hiểu nhiều về cuộc sống các cung nhân, nên ông đã viết được tập Cung oán thi (có thuyết cho rằng Cung oán thi là của Nguyễn Huy Lượng, lại có người nói là của Nguyễn Hữu Chỉnh). Dưới triều Lê mạt, Vũ Trinh làm quan trong triều tới chức tham tri chính sự. Nhưng thời kỳ này, giặc Thanh đã kéo sang xâm chiếm Thăng Long và Quang Trung đã tiến quân ra Bắc, đánh bại chúng. Trước những biến động to lớn về quân sự và chính trị như thế, Vũ Trinh không thể thích ứng nổi, nên lui về ẩn cư, giấu mình ở vùng Hồ Sơn. Tại đây, ông vừa dạy học vừa thu thập tư liệu, những truyền thuyết trong dân gian và viết nên tác phẩm Lan trì kiến văn lục, hay được gọi là Kiến văn lục. Đến năm 1802, Vũ Trinh lại được gọi ra làm quan cho nhà Nguyễn, với chức thị trung học sỹ. Năm 1809 được cử đi sứ nhà Thanh. Đi sứ về, đến năm 1816, Vũ Trinh bênh vực một người học trò tên là Nguyễn Văn Thuyên bị tố cáo làm thơ có ý phản nghịch. Do vậy, ông bị đày vào Quảng Nam. Sau 12 năm, được trở về quê, nhưng chỉ vài ngày sau thì ông qua đời, đó là năm 1828. Cuộc đời hoạn lộ của Vũ Trinh thật nhiều thăng trầm, đôi khi thật đau đớn.
Truyền kỳ là một loại hình tiểu thuyết, thường được gọi là văn ngôn đoản thiên tiểu thuyết, hoặc đoản thiên tiểu thuyết, cổ điển tiểu thuyết, xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối triều Tùy (581 – 618). Đến đời Đường (618 – 907), văn chương truyền kỳ phát triển rất mạnh mẽ. Truyện truyền kỳ có đặc điểm là nhiều tình tiết mang tính thần dị, lạ kỳ, bắt nguồn từ loại truyện chí quái thời Lục triều. Văn chương truyền kỳ đời Đường ảnh hưởng rất lớn đến văn chương các đời sau của Trung Quốc, rồi ảnh hưởng đến các nước phương Đông trong thời đại và dần dần trở thành một thể loại văn cổ điển phổ biến mang đặc trưng cho truyện ngắn phương Đông.
Ở Việt Nam ta, loại hình văn học truyền kỳ có thể kể từ mốc thành tựu đầu tiên là tác phẩm Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, đời Trần. Tiếp đó, có thể kể tới tác phẩm Lĩnh Nam chích quái, tương truyền là của Trần Thế Pháp, thế kỷ XV. Tập truyện Thánh Tông di thảo là tác phẩm văn chương truyền kỳ được viết với bút pháp đại gia, nó là dấu mốc quan trọng về sự trưởng thành của văn xuôi viết bằng chữ Hán của Việt Nam cuối thế kỷ XV. Sang giữa thế kỷ XVI, tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đã tạo nên một thành tựu lớn cho văn chương nước Việt. Văn chương truyền kỳ của Nguyễn Dữ đã trở thành mẫu mực của văn chương Việt Nam từ khi ra đời và nhiều thế kỷ sau. Một tác gia sống cùng thời với Nguyễn Dữ là Nguyễn Thế Nghi đã dịch Truyền kỳ mạn lục ra văn Nôm. Có thể nói, văn học nước ta từ khi có tác phẩm thành văn cho đến cuối thế kỷ XIX, duy nhất đây là trường hợp được dịch ra quốc âm. Đến cuối thế kỷ XVIII, văn chương truyền kỳ Việt Nam lại có thêm một thành tựu mới, là tác phẩm Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh.
Trong Lan Trì kiến văn lục, với 45 truyện, nhà văn hầu như đã tránh được cái hạn chế cố hữu của các cây bút nho gia là thường cứ thấy gì ghi nấy. Có thể nói, Vũ Trinh đã có sự nhất quán về tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật. Ông rất nhạy cảm trước những vận động mới mẻ trong đời sống xã hội đương thời, và bằng văn chương, ông trình bày cái xã hội đang xuống cấp về đạo đức. Trong xã hội đó, có những kẻ lạm dụng quyền uy, sống hoang dâm (truyện Hầu), có kẻ tàn ác, mất hết nhân tính đến mức giết cả con (truyện Hiệp hổ)... Viết về loại nhân vật đó, ngòi bút Vũ Trinh là ngòi bút phê phán nghiêm cẩn. Trong cái xã hội đầy bi kịch, nhà văn đã nhìn thấy còn có những con người vẫn giữ được phẩm giá cao quý. Tình cảm và tư tưởng của nhà văn rất mạnh bạo, có thể nói là rất mới so với văn chương đương thời. Được ông đặc biệt yêu mến, quý trọng, là những nhân vật nữ. Người đàn bà dệt vải khao khát yêu đương, dù bị chồng ghen đánh chết vẫn giữ trọn tình với người cũ (truyện Tái sinh). Một số kiếp khổ đau ghê gớm đến mức chết đi mà vẫn không thể nhắm mắt được vì còn mang thai trong bụng, phải sinh tử dưới mồ và ngày ngày lên dương thế mua đường nuôi con (truyện Sản dị)... Tình yêu của các nhân vật do Vũ Trinh tạo nên thật say đắm, đến mức nhục cảm, và ông trình bày nó như là hạnh phúc chính đáng của người phụ nữ. Đấy là nét rất đặc biệt trong văn chương nước ta thế kỷ XVIII. Chuyện tình ở Thanh Trì có cốt truyện gần như chuyện Trương Chi, kể về cô con gái của một phú ông. Cô đẹp người đẹp nết mà bạc mệnh, ôm một mối tình đau đớn, oan trái. Cô chết, được hỏa táng, thi thể thành tro, nhưng còn lại một khối nhỏ “to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc, cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ”... Người cô yêu là một anh lái đò nghèo đẹp trai, hát hay, sau này trở nên khá giả, đến xin phú ông cho xem khối thi thể còn lại của cô. Và, khi dòng nước mắt của anh trào ra, nhỏ xuống, khối đỏ đó “tan thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi”... Hình tượng nghệ thuật đó là một sáng tạo đặc sắc. Ở truyện Ca nữ họ Nguyễn, nhà văn kể về một kỹ nữ phong đoan chính, có tình yêu thật chủ động và tấm lòng vị tha lạ thường. Tình yêu của nàng kỹ nữ họ Nguyễn dành cho một người đàn ông, đó là một nhân vật thật trong lịch sử văn hóa nước ta: Vũ Khâm Lân – người đã đánh giá Truyền kỳ mạn lục là “thiên cổ kỳ bút”. Một truyện khác, Lan quận công phu nhân, Vũ Trinh kể câu chuyện tình yêu của cô cháu gái quan thượng thư họ Đàm với Nguyễn Thực, một mối tình khác thường và cao đẹp. Nguyễn Thực cũng là một nhân vật thật trong lịch sử văn hóa cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Còn trong truyện Trạng nguyên họ Nguyễn, là câu chuyện tình duyên đặc biệt của một tiểu thư khuê các và Nguyễn Đăng Đạo, người sau đó đã đỗ Trạng nguyên và là một nhà thơ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII... Có thể nhận thấy, Vũ Trinh rất trọng thực tế đời sống khi cầm bút viết văn. Bút pháp rất mực tinh giản, đến mức các truyện ông viết hầu như không có dấu vết của sự bay bướm, rườm rà. Quan trọng hơn, văn chương của ông chứa đựng một lý tưởng thẩm mỹ thật cao. Đặc biệt, qua Lan trì kiến văn lục, chúng ta có thể hình dung được xã hội đương thời mà nhà văn mô tả, trong đó, số phận và hạnh phúc của con người được đặt ra như một vấn đề cấp thiết cho đạo lý cuộc sống.