Về chính trị lúc bấy giờ các thế lực chính thống của chế độ thực dân phong kiến xung đột đến tột đỉnh với hai khuynh hướng phản chính thống của dân Việt: phong trào Duy Tân bất bạo động nhằm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do bộ ba Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng và sự chuẩn bị lực lượng bạo động quyết chiến với Pháp do cụ Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ và Tiểu La Nguyễn Thành lãnh đạo. Nhưng sự bi thảm của giai đoạn lịch sử đó còn là xung đột giữa cụ Phan Bội Châu quyết “bài ngoại độc lập” và cụ Phan Chu Trinh trước sau như một “ỷ Pháp cầu tiến bộ”. Sự xung đột này sẽ làm suy yếu lực lượng yêu nước của người Việt.
Có hai câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết. Một câu chuyện lịch sử về cuộc vận động duy tân của Phan Chu Trinh. Cuộc vận động vĩ đại này đã có những diễn biến vừa nằm trong vừa vượt ngoài dự kiến của những người chủ xướng do tác động của phe bạo động, chủ chiến. Câu chuyện thứ hai có tính hư cấu, là mạch ngầm vừa sâu xa vừa là hệ quả trực tiếp của tiền cảnh lịch sử, tại đây diễn ra bi kịch của nhân vật chính xưng tôi (Cả Hinh). Lòng anh biến thành bãi chiến trường của hai phe bất bạo động và bạo động. Và song song đó là câu chuyện tình tuyệt vọng giữa anh và Lụa, một cô gái trồng dâu nuôi tằm dệt lụa tài khéo, tâm hồn khao khát yêu thương.
*
Phan Chu Trinh đi khắp nơi diễn thuyết, hô hào mở mang trường lớp Tân học, bỏ cái học nặng về khoa cử: “Bất phế Hán học, bất khả cứu Nam quốc!” Những lúc như thế, cụ Phan Chu Trinh “ngó ngoáy hai hàng ria mép, mắt như hai hòn lửa vạch trần những cái thối tha, mục nát cả ngàn năm nay của bộ máy chuyên chế phong kiến. Ông lên án lối học hư văn, chế độ khoa cử, tư tưởng hủ nho đã đưa đất nước tới chỗ bại liệt ngày nay”.
Ông đi thực tế, khám phá mọi thứ, kể cả sinh hoạt của các tửu quán. Ông đến Hội An học cách làm ăn của người Tàu để về dạy lại cho dân mình. Hội nông, hội thương được lập ra để mọi người giúp nhau làm ăn buôn bán, tìm cách cạnh tranh với “các chú” (người Tàu) vốn là những bố già thương mại vừa thạo nghề vừa đầy mánh khóe lúc bấy giờ.
Bài diễn thuyết để đời của Phan Chu Trinh về chuyện hậu dân sinh có đoạn: “Dân giàu thì nước mới mạnh… Bà con ta hay có thói quen xấu là có được đồng bạc nào là cho vào rương cất kỹ. Đồng bạc cất trong rương thì không sinh lợi được. Bởi vậy cho nên tôi khuyên bà con, ai có tiền có bạc nên bỏ ra kinh doanh làm ăn, như vậy mới giàu được…”
Nhưng có lẽ điều cụ Tây Hồ ít ngờ nhất là chủ trương bất bạo động của ông đã không được mọi người nghe theo, từ đối thủ lớn nhất là Phan Bội Châu nhiều lần làm ông giận dữ vì quyết tâm “đi sang Nhật cầu viện, chuẩn bị đánh Tây, đưa Cường Để lên ngôi”, đến các bậc sĩ phu yêu nước với trái tim nhiệt huyết như Tiểu La, Tăng Bạt Hổ, Đề Thám khi họ cứ âm thầm mà vội vã chuẩn bị lực lượng, từ việc mua vũ khí ở Nhật, luyện tập võ nghệ binh pháp cho đến việc kêu gọi trợ giúp từ đồng bào Nam Kỳ giàu có hào hiệp. Đặc biệt là “sự không thuộc bài” của quần chúng lao động, kể cả người có học hành ít nhiều từng nghe ông Phan Chu Trinh diễn thuyết. Không khí căng thẳng báo hiệu một cuộc xung đột đẫm máu đó khiến có lúc “Phan Chu Trinh thấy mình ở trong vòng xoáy của bạo lực”.
Về phương diện lịch sử, ngòi bút Phạm Ngọc Cảnh Nam để cho các tượng đài “ở đâu ở đó” đúng như sách sử đã ghi nhận. Họ đi hết cuốn sách với lập trường bất di bất dịch của mình. Phan Chu Trinh là hành trình một đi không trở lại với cái học cũ; là biểu tượng của đấu tranh bất bạo động, vì “bạo động là chết”, là tìm cách dựa vào người Pháp.
Trong khi các nhân vật hiện thực đi hết cuốn sách với chỉ duy nhất một con đường như vậy, thì các nhân vật hư cấu sẽ gánh vác tất cả sự dụng công nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết, mà trên hết là bi kịch nội tâm và những xung đột với hoàn cảnh của hai nhân vật trung tâm: Tôi (Cả Hinh) và Lụa.
Nhân vật Tôi vừa đại diện cho tầng lớp nông dân, vừa đại diện cho một thiểu số nho sinh. Là trí thức, anh nghe cụ Tây Hồ nói lọt tai, nên “vùi đầu vào đọc tân thư, hết cuốn này đến cuốn khác.” Nhưng là một thường dân ngày ngày bị cường quyền ức hiếp, từng phải “đi sưu, phu dịch làm đường, đào núi bốn tháng, bị đánh đập tàn nhẫn”, anh chỉ muốn vùng lên dùng vũ lực đánh kẻ thù, theo lời kêu gọi của cụ Sào Nam. Trước khi được cụ Tây Hồ khai tâm, bản năng diệt ác đã khiến anh manh động, đang đêm bí mật đột nhập vào nhà quan Tây, bắt hắn, nhét quần đàn bà vào mồm hắn, rồi đem trói vào thành giếng. Nhưng ngay cả sau khi cái đầu được “giác ngộ” về bất bạo động, nó vẫn không điều khiển được tâm hồn bức xúc và tay chân ngứa ngáy ngày đêm của anh. Nên dù biết chắc là “trứng chọi đá” như cụ Tây Hồ đã cảnh báo, Cả Hinh và hàng ngàn người khác vẫn ùn ùn kéo nhau bao vây tòa sứ Hội An xin giảm thuế, giảm xâu, “mặc cho bọn cai ra sức hò hét, quất roi vun vút vào lưng để ngăn chúng tôi lại”.
“Như thác lũ, đoàn người tràn vào khu nhàn điền của Đề Sự. Họ đạp ngã hàng rào, phá đổ cánh cổng lớn…”
Và họ giết hụt lãnh binh Điềm, giết chết chánh tổng Quát tàn ác.
Rõ ràng Cả Hinh và mọi người đã đứng trên ranh giới của bất bạo động và bạo động, đúng như Cả Hinh suy nghĩ: “Quả thật, trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, đã thấy hiện rõ sự giằng co giữa hai xu thế đánh hay hòa, cụ thể là giữa chủ trương bạo động của cụ Sào Nam và chủ trương dựa vào Pháp để tự cường của ông Tây Hồ. Tôi chắc cuộc xin xâu đã nổ ra ngoài ý muốn của hai cụ.”
Và cũng rõ ràng là họ đã làm nên một cuộc dân biến long trời lở đất ở quê nhà, lan rộng ra cả tỉnh Quảng Nam. Dù bị đàn áp thảm khốc, bị dìm trong biển máu nhưng thắng lợi của họ là “lần đầu tiên trong suốt mấy ngàn năm nay, người dân An Nam mới biết họ là chủ của đất nước, và họ có quyền đến trước mặt bọn thực dân cai trị để mà yêu sách chúng phải giảm sưu thuế”.
Mặc dù đã có vợ con, Cả Hinh coi Lụa như cái bóng của mình, phần hồn của mình. Lụa đẹp, tràn trề sinh lực, lãng mạn và táo bạo. Được nhiều người theo đuổi nhưng cô chỉ yêu Cả Hinh ngay cả khi biết anh đã có vợ con đề huề; thậm chí cô còn công khai ý muốn về làm vợ hai của anh. Nhưng ước mơ nhỏ nhoi đó cũng không thành. Lụa là nạn nhân trực tiếp của cường hào và thực dân. Cô bị quan Tây hãm hiếp; bị tay đại thương gia Cửu Nghi cưỡng đoạt về làm vợ lẽ. Về mặt tình dục, Cửu Nghi là một ông già ham hố nhưng bất lực. Thân xác réo gọi hằng đêm, Lụa đã tìm cách dâng hiến cho một chàng trai vạm vỡ nhưng hiền như cục đất là tôi tớ của Cửu Nghi. Sau một vài lần thất vọng, Lụa đã tìm được cách dẫn dắt bản năng Củng. Để rồi một hôm “Thằng Củng đã tỏ ra đủ sức làm cho Lụa choáng ngợp bởi sức lực tràn trề của mình”.
Nhưng ngòi bút của Phạm Ngọc Cảnh Nam đã cao tay khi không đi theo lối mòn khai thác câu chuyện dục tình. Yêu mến và trân trọng nhân vật nữ này tác giả không để nàng đi xa hơn “cái đêm dài vô tận” ấy. Ông viết những dòng đầy bất ngờ:
“Nhưng nàng đã lầm! Đến một lúc nào đó, nàng bỗng thấy mình trống rỗng, mất hết mọi ý nghĩa. Trống rỗng thân xác! Trống rỗng linh hồn! Tựa như nàng vừa thực hiện một cuộc trút bỏ đến tận cùng mọi thứ mà nàng đang có, cả niềm đam mê và phẩm hạnh. Và giờ đây, nàng chẳng còn gì cả.”
Viết như vậy tác giả đã giữ cho Lụa trọn vẹn là một nhân vật phụ nữ bất hạnh trong thời buổi cả dân tộc bị đọa đày. Giữ cho Lụa luôn là biểu tượng cho một tình yêu đẹp, đầy tự do mà bi thảm; giữ cho nàng đứng vững đến phút cuối: dẫu đã là cánh hoa tan nát, nàng vẫn tự nhiên thấy mình còn đủ tình yêu trung trinh với người mình yêu.
Cuốn sách khép lại với những trưng triệu rất xấu (theo cách nói của cả Hinh): lần lượt cụ Tây Hồ, cụ Minh Viên (Huỳnh Thúc Kháng), rồi cụ Thái Xuyên (Trần Quý Cáp) bị Pháp bắt; trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa; tờ báo Đại Việt mà ông Tây Hồ làm chủ bút bị rút giấy phép. Bọn Pháp đã ra tay! Cuốn sách cũng khép lại với lễ tế mười lăm người đi xin xâu bị Pháp bắn chết. Không khí càng buồn thảm hơn với hình ảnh Lụa và cả Hinh cùng nhau chôn cất hai người thân trong “đêm mờ ảo, ngàn sao lung linh. Trên bờ sông Thanh Hà, những cây đuốc sắp tàn cháy leo lét”.
Một chương bi tráng của dân tộc ta đã khép lại trong cuốn tiểu thuyết viết hay, thu hút từ đầu đến cuối.
_________________
Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam, NXB Hội Nhà Văn & Phương Nam Book, 2011.