Đạo diễn Abbas Kiarostami |
Là một đạo diễn điện ảnh, nhiếp ảnh gia kiêm nhà thơ năm nay 72 tuổi, phim do Abbas Kiarostami đạo diễn đều hoành tráng, hùng vĩ, trừu tượng và thấm đẫm văn hóa truyền thống Ba Tư.
Vị đạo diễn người Iran còn nổi danh với tài làm việc cùng diễn viên trẻ em và các đối tượng không phải diễn viên, những đoạn thoại gần như hoàn hảo và lối dẫn chuyện mang tinh thần lật đổ rào cản. Và quan trọng nhất, theo nhận xét của tờ Nhật báo Phố Wall, chưa từng có đạo diễn điện ảnh nào tạo ra những tác phẩm đan xen giữa phi lý và hiện thực hấp dẫn như ông.
Một thú vui trong hành trình khám phá sự nghiệp của Kiarostami, là nhận ra âm vang trong cách ông pha trộn các chủ đề và môtíp để tạo ra những kết thúc sáng tạo trong phim. Trong bộ phim Cận cảnh về Abbas Kiarostami (A Close-Up of Abbas Kiarostami), chiếu tại Hội phim trung tâm Lincoln bộc lộ sự hồi tưởng sâu sắc về quá khứ của vị đạo diễn, từ những thước phim ngắn đầu tiên cho đến các bộ phim mới nhất mang tính thử nghiệm, tô điểm bằng lối dẫn chuyện trang nhã.
Juliette Binoche (bên phải) trong phim Copie conforme |
Khi còn trẻ, Kiarostami đã học vẽ và trở thành một nhà thiết kế đồ họa thành công. Năm 1969, ông bắt đầu làm việc tại Học viện phát triển trí tuệ dành cho thiếu nhi và thanh niên ở Tehran, Iran. Tại đây, ông dần đam mê truyện thiếu nhi và kỹ thuật làm phim tài liệu. Bộ phim đầu tay của Kiarostami, Nan va koocheh (1970) góp phần xây dựng khoa điện ảnh của học viện. Chủ đề của bộ phim – một chuyến hành trình cô độc bất tận – xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm sau này của vị đạo diễn.
Một trong những tác phẩm được đánh giá là tuyệt diệu nhất của Kiarostami, phim Cận cảnh (Nema-ye nazdik - Close-Up, 1990), kể câu chuyện có thật về một người đam mê điện ảnh nghèo rớt mồng tơi tự nhận mình là đạo diễn nổi tiếng Mohsen Makhmalbaf. Bằng cách tạo ra hành lang treo đầy gương một cách nghệ thuật, Kiarostami đã ghi lại quá trình thực tế của “kẻ mạo danh”, đồng thời tái hiện những sự kiện đã thật sự xảy ra bằng cách thuê các nhân vật có thật vào vai của chính mình.
Trong phim này, nhân vật chính có lúc còn nhận mình làm nhân vật phản diện trong phim Mossafer (1974) của Kiarostami, nói về một thiếu niên tìm đủ mọi cách để được vào xem một trận bóng đá.
Một cảnh trong phim Shirin |
Còn phim Khane-ye doust kodjast (1987), có bối cảnh là làng Koker ở Iran, kể câu chuyện về một chú bé đi tìm bạn mình với manh mối là quyển vở bài tập. Sau khi làng này bị động đất vào năm 1990, Kiarostami đã quay lại làng để làm tiếp phim Zendegi va digar hich (tạm dịch: Cuộc đời và không gì khác…) (1990), sử dụng lại hai diễn viên thiếu nhi từng đóng trong Khane-ye doust kodjast.
Tiếp theo đó, Kiarostami làm Zir-e darakhatan zeyton (tạm dịch: Xuyên qua rặng cây ôliu) (1994), chuyện tình diễn ra trên chính bối cảnh của Cuộc đời và không gì khác…
Vẻ đẹp của sự hư vô đã đóng vai trò chất xúc tác cho Ta’m-e guilass (Hương vị anh đào) (1997), đoạt giải cao nhất Cành cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 1997. Bộ phim nói về một người đàn ông đang muốn tự sát, bèn lái xe quanh quẩn trên một con đường đèo đầy gió ở ngoại ô Tehran, tìm một “bạn đồng hành” để giúp chôn mình giữa đám công nhân trong công trường xây dựng cằn cỗi, và cuối cùng cũng tìm được một người luôn mồm rao giảng về cái đẹp của nhân loại.
Cứ thế, Hương vị anh đào kết thúc bằng cảnh màn đêm tuyệt đẹp và mơ hồ, trong đó ánh sáng như thể đang chiến đấu với bóng tối theo cả nghĩa đen lẫn bóng, rồi Kiarostami cùng đoàn làm phim xuất hiện, ra dấu hiệu dù câu chuyện có thể đã hết, nhưng người kể chuyện vẫn còn đó.
Thế giới tự nhiên cũng có sự góp mặt quan trọng trong phim của Kiarostami, cụ thể như Bad ma ra khahad bord (Gió sẽ cuốn chúng ta đi) (1999), kể về vẻ đẹp của sự sống giữa cái chết. Trong phim, một nhà làm phim giả vờ là kỹ sư ghé thăm một ngôi làng của người Kurd. Trong quá trình chờ đợi những sự kiện không tên diễn ra, người này đã buông xuôi trước lòng ích kỷ và sự nhàm chán. Tên bộ phim lấy từ một tác phẩm của nhà thơ kiêm nữ đạo diễn Iran Forough Farrokhzad, được nhắc lại trong một cảnh phim được đánh giá là “kỳ bí”: một cô gái đang vắt sữa bò, mặt quay vào bóng tối.
Kiarostami không cố mỹ miều hóa truyền thống, cũng không tán dương hiện đại, thế nhưng vào cảnh kết của bộ phim, khi một khúc xương trôi hờ hững xuống hạ lưu của con sông bên cạnh bầy cừu gặm cỏ giữa đồng hoa, cũng là lúc “sự uyên bác hòa quyện cùng cú sốc của thơ ca”, như Nhật báo Phố Wall nhận xét.
Gần đây nhất, Kiarostami bắt đầu khám phá công nghệ làm phim kỹ thuật số, thậm chí còn so sánh việc sử dụng máy quay kỹ thuật số bỏ túi với viết lách bằng bút. Những bộ phim ra đời trong giai đoạn này bao gồm ABC Africa (2001), phim tài liệu theo trường phái ấn tượng kể về trẻ mồ côi Uganda. Rồi Những chặng đường của Kiarostami (Roads of Kiarostami, 2006), bộ phim tài liệu dài hơn nửa tiếng đồng hồ chỉ toàn hình ảnh các con đường như một sự trầm mặc của riêng vị đạo diễn, một môtíp không mới trong phim của ông.
Tiếp tục, trong Shirin (2009), một tác phẩm thử nghiệm mạo hiểm phản ánh rõ sự ưa thích các nhân vật nữ của Kiarostami: bộ phim quay cảnh 100 cô gái đóng vai khán giả thưởng thức một tác phẩm sử thi bi tráng thế kỷ XII. Cảm xúc trên khuôn mặt họ cứ thay đổi theo mỗi lần chuyển nhạc nền trong quá trình câu chuyện được kể.
Bộ phim mới nhất của Kiarostami, Như thể ai đó đang yêu (Like Someone in Love, 2012), quay ở Tokyo, Nhật Bản, là một bài toán đố tạo ra bởi các nhân dạng bị hiểu lầm và sự dịch chuyển các khái niệm tình yêu. Bộ phim gợi nhớ bầu không khí thần bí và huyền ảo trong một phim trước của Kiarostami là Copie conforme (2010), được xem là một trong những tác phẩm tinh tế nhất, cũng như đánh dấu bước trở về lối làm phim trần thuật(*) truyền thống của vị đạo diễn người Iran.
Trong phim này, một nữ chủ phòng tranh người Pháp đang sống tại Italy gặp gỡ một triết gia Anh, rồi hai người giả vờ là vợ chồng. Hay họ thật sự đã cưới nhau, nhưng chỉ đang cùng tham gia một cuộc chơi tuyệt vọng? Và mối quan hệ của họ có thể cho chúng ta biết bài học gì về việc làm sao để trân trọng nghệ thuật và trân trọng lẫn nhau?
Nói như Kiarostami, trích dẫn lại một câu thơ Ba Tư: “Ai dám nói một khu vườn trụi lá là không đẹp?”
Theo Wall Street Journal
____________________
(*) Lối làm phim trần thuật/ dẫn chuyện (narrative filmaking, hay narrative cinema) là thuật ngữ chuyên ngành để chỉ loại phim có nội dung tường thuật một câu chuyện, sự kiện hay nhân vật mang tính hư cấu. Do đó, thể loại này còn có tên gọi khác là phim hư cấu (fictional film).