Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Sơn La Hồ Thị Kim Dung cho biết, năm 2023, Thư viện được cấp 2,5 tỷ đồng thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ nguồn kinh phí này, Thư viện đã đầu tư máy tính, máy in, máy scan và nâng cấp phần mềm, đường truyền internet, cùng một số thiết bị phục vụ bạn đọc.
Thư viện tỉnh Sơn La đã thực hiện ứng dụng phần mềm “Thư viện điện tử Libd 6.0”, “Thư viện số Liboldigtal 6.0, duy trì website https://thuviensonla.com.vn phục vụ bạn đọc; 1.305 tài liệu được số hóa là các đầu sách, truyện, chữ Thái cổ và hàng trăm video, audio về các tài liệu...
Thư viện cũng số hóa nội dung các tài liệu, đầu sách thành dạng trình chiếu, video trên website của thư viện; tích hợp mã QR cho các tài liệu để bạn đọc dễ dàng tra cứu nhanh chóng, thuận tiện.
Nhờ triển khai đồng bộ các phần mềm ứng dụng CNTT trong hoạt động, người đọc trên địa bàn tiếp cận dễ dàng với tài liệu của thư viện theo nhu cầu. Với mục tiêu số hóa tài liệu và tài nguyên thông tin, Thư viện tỉnh tiếp tục ưu tiên số hóa các tài liệu địa chí, sách cổ, tài liệu quý hiếm, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học của tỉnh, dự kiến từ 150.000 - 200.000 trang được số hóa; tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyển đổi số, sử dụng và quản trị thư viện điện tử, thư viện số cho cán bộ trong hệ thống thư viện về kỹ năng vận hành thư viện điện tử; quản lý các đầu sách, các thư viện trong tỉnh bằng hệ thống thông tin điện tử.
Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế những năm gần đây cũng đầu tư ứng dụng CNTT vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội, phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Thị Kim Oanh cho biết, đơn vị đã triển khai đồng bộ các công đoạn xử lý tài liệu trên phần mềm quản lý thư viện điện tử; tăng cường công tác quảng bá, truyền thông về thư viện trên các ứng dụng của mạng xã hội như fanpage, zalo, facebook và trên website của thư viện.
Một trong những kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc đó là Thư viện chú trọng liên kết bổ sung sách điện tử (sách số) có bản quyền với các nhà xuất bản, các công ty cung cấp các giải pháp số để phục vụ người đọc trên môi trường số. Các tài liệu tại địa chỉ https://sachweb.com/ebookthuvien/thuvientinhthuathienhue là những cuốn sách hay nguyên bản phục vụ các thành phần, lứa tuổi. Thư viện chú trọng phát triển các nguồn tài nguyên thông tin số như: Số hóa các nguồn báo tạp chí liên quan đến địa phương và biên mục trên phần mềm thư viện điện tử để phục vụ bạn đọc tra cứu.
Bà Hoàng Thị Kim Oanh thông tin, hầu hết tài liệu nhập vào thư viện đã được xây dựng thành cơ sở dữ liệu quản lý trên phần mềm quản lý thư viện và được đồng bộ, kết nối dữ liệu với các thư viện địa phương. Đến nay có hơn 121.825 biểu ghi trên phần mềm Emiclib được biên mục tại Thư viện Tổng hợp tỉnh.
Việc đầu tư cơ sở thiết bị phục vụ công tác số hóa, chuyển đổi số tài liệu và hệ thống máy tính, mạng máy tính cũng được đơn vị quan tâm triển khai. Đến nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh có hệ thống máy chủ server có hệ thống sao lưu dự phòng, bảo mật được kết nối với hệ thống máy trạm Client các máy trạm đối với bộ phận quản trị, nhân viên và bạn đọc. Hạ tầng dữ liệu được đồng bộ và lưu trữ tại máy chủ và có hệ thống lưu trữ dự phòng…
Có thể thấy, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế và Thư viện tỉnh Sơn La thời gian qua đã tác động tích cực thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trên địa bàn. Đây cũng là tiền đề để các Thư viện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thiện và phát triển nền tảng dữ liệu số, góp phần tăng khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên đến người đọc, tạo điều kiện cho các tầng lớp Nhân dân truy cập thông tin ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào.