Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2022)

Văn hóa từ giáo dục, giáo dục là văn hóa

- Chủ Nhật, 20/11/2022, 06:12 - Chia sẻ

Theo PGS. TS. PHAN THANH BÌNH - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, những gì đọng lại sau tất cả kiến thức, kinh nghiệm, nghĩ suy, thấu hiểu, chính là văn hóa. “Mọi việc cuối cùng là từ văn hóa và do văn hóa mà ra. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 cũng là một nét văn hóa của dân tộc ta”.

Một nét văn hóa dân tộc

- Gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cả trên cương vị nhà giáo và người quản lý, Ngày Nhà giáo Việt Nam với Thầy có ý nghĩa như thế nào?

Văn hóa từ giáo dục, giáo dục là văn hóa -0

 “Soi vào quá khứ và nhìn thấy tương lai văn hóa. Tin rằng chúng ta sẽ góp phần tạo nên văn hóa trong những lớp học sinh, sinh viên, những công dân trẻ của đất nước. Rồi văn hóa sẽ tạo nên ngày mai, một tương lai tươi sáng cho Việt Nam. Chắc chắn là thế!”

PGS. TS. PHAN THANH BÌNH

- Việt Nam là dân tộc có văn hóa tôn sư trọng đạo. Và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 thể hiện một nét văn hóa của dân tộc ta, ngày mà mỗi người đều xao động với những cảm xúc khó tả. Không chỉ sinh viên, những người làm nghề giáo hay những người trong ngành giáo dục, mà hầu như mọi người trong xã hội đều có những xao động của riêng mình. Những xao động về một thời cắp sách đến trường, về những người thầy, người cô, về bạn bè, trường lớp, về những kỷ niệm vui buồn, lãng mạn, ngây ngô... Và đó chính là một nét văn hóa đọng lại làm cho tâm hồn ta đẹp hơn, cho trái tim ta rộng mở hơn.

- Thế giới ngày càng phẳng. Chúng ta đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ, có những lối sống, văn hóa nước ngoài du nhập vào, chưa kể tác động của số hóa, robot hóa... Thầy có lo ngại nhiều nét văn hóa, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo, sẽ bị ảnh hưởng, mai một?

- Chúng ta đang ở vào một giai đoạn có rất nhiều biến động của lịch sử loài người. Nhưng đâu phải chỉ lúc này, mà hình như lịch sử loài người luôn có những biến động. Và hình như nguồn gốc của những biến động cơ bản vẫn là ở biên giới của cụ thể và trừu tượng, từ khả năng tư duy, đẳng cấp của loài người. Những vấn đề về tôn giáo và chủng tộc. Những vấn đề về biên giới và lòng yêu nước. Những vấn đề khu vực và thế giới… Những vấn đề nhẹ nhàng trong ngôn từ, nhưng đôi khi lại không dễ hiểu, dễ thấy, đó chính là sản phẩm của trí tuệ loài người, từ kiến thức và văn hóa của con người.

Từ những nhìn nhận này, quả thật sẽ là thử thách với xã hội, chúng ta, khi cái biên giới kinh tế/thực tế của xã hội vốn đã khó giới hạn trong thời đại toàn cầu hóa, giờ lại nhạt nhòa trong khoảng không to lớn của trách nhiệm, của tri thức, của văn hóa loài người. Thế giới mạng ảo đang đi vào cuộc sống thực. Những giây phút hiền hòa, hạnh phúc có phải chăng đang bị đe dọa bởi những lo âu của cái mênh mông vô tận, thế giới của cảm giác và không trực tiếp tiếp xúc giữa người với người. Nghĩ suy, thậm chí có lúc cũng lo lắng, nhưng tôi tin rằng, truyền thống văn hóa đẹp đẽ, mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam được hun đúc suốt chiều dài lịch sử mãi mãi sẽ không bao giờ bị phai nhòa, biến mất. Cái văn hóa đó, cái truyền thống mà chúng ta luôn giữ gìn, trân quý và truyền giao cho các thế hệ, giáo dục trong trường lớp, sẽ là rào chắn, là năng lượng, là nguồn lực để đất nước ta phát triển một cách mạnh mẽ, vững vàng trong thời đại hội nhập và thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

Tự hào của người làm nghề giáo dục là khi các lớp sinh viên tuần tự đi vào đời đầy tự tin, có năng lực và rất văn hóa - Ảnh: Thanh Tùng
Tự hào của người làm nghề giáo dục là khi các lớp sinh viên tuần tự đi vào đời đầy tự tin, có năng lực và rất văn hóa
Ảnh: Thanh Tùng

Giáo dục vì văn hóa, vì cái đẹp

- Trong bối cảnh đó, giáo dục và nhà giáo có vai trò như thế nào để góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, thưa Thầy?

- Có người nói rằng: “Văn hóa không phải là cái chúng ta đã học được, ấy là cái gì còn lại sau khi chúng ta đã quên tất cả những điều đã học. Cái còn lại cho ta đó là tư tưởng, là đạo nghĩa, là thị hiếu và quan niệm, nó làm tăng gia và cao nhã cái ý thức của chúng ta về cuộc đời”. Điều này không sai. Nhưng chúng ta đều biết để quên thì trước hết phải nhớ. Để có được văn hóa thì trước hết phải học. Học để biết đạo lý, học để hiểu tri thức, học để thấy, học để nghe, học để làm người đúng nghĩa. Học để rồi cái sở học đó, cái triết lý đó thấm vào người ta, chuyển hóa thành chính ta. Cái học biến đi, để văn hóa dần hình thành và tỏa sáng trong ta, nuôi ta lớn lên, trưởng thành, thành một con người, một công dân trí thức.

Cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác, cái hoàn thiện và cái méo mó luôn là những cặp phạm trù đứng liền nhau, bổ sung cho nhau và khó có thể xóa được một mặt nào. Có chăng chỉ là làm cho cái thiện lấn cái ác, cái đẹp thu hút cái xấu, cái hoàn thiện lớn dần lên và cái méo mó sẽ nhỏ bé lại. Và người thực hiện nhiệm vụ khó khăn đó, làm công việc truyền đạo đó, chính là thầy giáo. Giáo dục vì văn hóa, vì cái đẹp.

- Bản thân nhiệm vụ của nhà giáo đã rất khó khăn như Thầy vừa nói, nhưng nhà giáo hiện nay còn phải chịu quá nhiều áp lực từ cuộc sống. Làm thế nào để các thầy cô giáo có thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp “trồng người” cao cả của mình?

- Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các nhà giáo trên mọi miền Tổ quốc vẫn đang cố gắng, phấn đấu vì cái đạo làm thầy. Thật đẹp cái nghề dạy học và cũng thật khó cái nghề làm thầy. Nhưng nếu không có khó khăn, nếu không có thử thách thì xã hội đâu cần đến những người đưa đò cuộc đời. Nếu chỉ là con đường bằng phẳng thì sao có cái tự hào, cái hạnh phúc của những người đốt lửa. Đó là cái tự hào của người làm nghề giáo dục. Cái tự hào khi các lớp sinh viên tuần tự đi vào đời đầy tự tin, có năng lực và rất văn hóa.

Tất nhiên, rồi đây sẽ phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với nhà giáo, để các thầy, cô bớt đi gánh nặng lo toan, giữ và thực hiện tốt đạo làm thầy, để xã hội luôn dành cho họ sự tôn kính, không chỉ trong dịp 20.11.

- Xin cảm ơn Thầy!

Anh Minh thực hiện