Văn hóa – Nền tảng của phát triển bền vững

Xuân Tùng thực hiện 24/01/2023 17:33

Theo PGS. TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, để tạo ra được một xã hội ổn định, phát triển kinh tế bền vững thì văn hóa phải đi trước một bước, xây dựng con người văn hóa, tạo dựng môi trường văn hóa; bởi văn hóa có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng với sự tồn tại, phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

Giáo dục bắt đầu từ gia đình

- Thưa ông, Văn kiện Đại hội XIII đã xác định rõ về yêu cầu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa chuẩn mực con người gắn với giữ gìn và phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Vậy để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp văn hóa, kinh tế, chính trị ra sao?

- Chúng ta muốn xây dựng con người văn hóa thì không có gì khác ngoài giáo dục. Giáo dục là yếu tố, là phương tiện căn bản nhất, bởi vì con người mà không được chuẩn bị, không được giáo dục, không được trang bị cho mình những giá trị, những chuẩn mực thì rất khó để có thể thực hiện được hành vi văn hóa.

Giáo dục bắt đầu từ đâu, giáo dục bắt đầu từ gia đình. Muốn xây dựng một hệ giá trị con người thì trước hết phải xây dựng một giá trị ở trong gia đình, một nếp nhà, một lối sống hướng đến con người, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Từ những hành vi văn hóa của cha mẹ, của ông bà tới các con sẽ tạo ra được một lối sống, tạo thành một thói quen và từ đó sẽ tạo ra được những giá trị cốt cách căn bản để con người có thể thực hành văn hóa.

Văn hóa – Nền tảng của phát triển bền vững -0
PGS. TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

- Vậy giáo dục trong nhà trường sẽ đóng góp trong việc hình thành hệ giá trị chuẩn mực văn hoá như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta thấy rằng để tạo ra một con người có văn hóa, một học sinh văn hóa thì chúng ta phải tổ chức hoạt động giáo dục nhà trường để hướng đến quá trình hình thành phẩm chất một cách thường xuyên và tích cực. Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Đảng về “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” cũng đã nhấn mạnh yếu tố giáo dục con người dựa trên sự phát triển năng lực và phẩm chất.

Chúng ta đang chú trọng đến những điều kiện vật chất để phục vụ cho cuộc sống mà quên đi những không gian văn hóa. Không gian này có thể là những nơi công cộng, có thể là những công viên, có thể là nơi công sở, có thể là bất kỳ một khu vực nào mà chúng ta có thể đưa vào đó những giá trị văn hóa, những tác phẩm, những công trình mà có thể đem lại cho con người những giá trị của thẩm mỹ. Khi ở những môi trường văn hóa như vậy, vô hình chung chúng ta sẽ có những ứng xử văn hóa, có những thực hành văn hóa một cách tích cực.

Cùng với đó, chúng ta trang bị những không gian văn hóa và thực hành những hành vi văn hóa thì cũng phải có những chế tài, có những thiết chế xã hội để mọi người thực hành văn hóa một cách tự nhiên hơn, tự chủ hơn và tự giác hơn.

Hình thành môi trường văn hóa

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật được quan tâm thế nào để phát huy được bản sắc văn hóa, thưa ông?

- Hành vi văn hóa nếu chỉ xuất phát từ sự tự giác, xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân là chưa đủ. Bởi vì không phải tất cả đều có chung một mục tiêu, mục đích hay có cùng chung cách ứng xử. Mỗi người sinh ra là khác nhau, do vậy cần phải có hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật sẽ đồng hành với cuộc sống và sẽ điều chỉnh hành vi của chúng ta thực hiện theo những điều mà xã hội mong muốn, thực hiện theo những điều mà cộng đồng mong muốn. Vì vậy, hoàn thiện thể chế về luật pháp cũng như các nguyên tắc ứng xử sẽ tạo ra một hành lang pháp lý để cho hoạt động văn hóa phát triển.

- Từ khi văn hóa được quan tâm đầu tư phát triển đã tác động thế nào tới đời sống tinh thần của nhân dân và nhất là tới sự phát triển của đất nước, thưa ông?

- Nền tảng sự phát triển xã hội là văn hóa mà không phải là những yếu tố kinh tế. Yếu tố kinh tế được xây dựng trên những giá trị văn hóa sẽ tạo ra những nguồn lực mang tính bền vững, còn giá trị kinh tế mà xây dựng chỉ dựa trên sự tham lam của con người thì sẽ đổ vỡ rất nhanh chóng. Vì vậy, việc mà chúng ta đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho sự phát triển.

Để có được những con người tử tế, những con người có ý thức, những người biết hy sinh, có khát vọng, có những đóng góp cho cộng đồng thì chúng ta phải xây dựng cho họ những nền tảng về mặt giá trị văn hóa. Sau đó, với tài năng, với công sức, với những trí tuệ của mình, họ có thể tạo ra những giá trị vật chất phục vụ cho cộng đồng, phục vụ cho xã hội. Như vậy chúng ta sẽ tạo ra được sự ổn định cho xã hội và sự phát triển về mặt kinh tế.

Vì vậy, văn hóa phải đi trước một bước, xây dựng con người văn hóa, tạo dựng môi trường văn hóa, tạo nền tảng để phát triển kinh tế bền vững.

- Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra năm 2021 và Hội thảo văn hóa năm 2022 là dịp nhìn lại quãng đường phát triển của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và mở ra con đường phát triển vững vàng. Vậy ông kỳ vọng gì sau dấu mốc quan trọng này, thưa ông?

- Sau đổi mới chúng ta thấy hệ giá trị văn hóa Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam có rất là nhiều sự thay đổi. Cuộc sống con người ngày càng chất lượng hơn, con người ngày càng hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn, không chỉ trong ứng xử, không chỉ trong cuộc sống mà cả trong hưởng thụ. Có được điều này là nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển văn hóa cũng như phát triển xã hội.

Trong thời gian tới, tôi rất kỳ vọng với sự lãnh đạo đúng đắn, đường lối phù hợp, chúng ta sẽ xây dựng được một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. Đồng thời, con người Việt Nam sẽ có thêm được nhiều cơ hội để phát triển, có thể mang được những giá trị của mình rộng hơn ra những quốc gia khác trên thế giới và cuộc sống con người thực sự hạnh phúc.

- Xin cảm ơn ông!

​Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất được tổ chức vào ngày 24.11.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự chủ. Văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới với ba tính chất: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Văn hóa phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi... ​

    Nổi bật
        Mới nhất
        Văn hóa – Nền tảng của phát triển bền vững
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO