Triển lãm thư pháp “Một mối xa thư”

- Chủ Nhật, 20/11/2022, 21:38 - Chia sẻ

Công chúng Thủ đô và người yêu mến thư pháp có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ trong khuôn khổ triển lãm “Một mối xa thư”, khai mạc chiều 20.11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Đề cao giá trị tư tưởng, văn hóa, thẩm mỹ

Triển lãm quy tụ 100 nhà hoạt động thư pháp với hơn 100 tác phẩm Hán Nôm và Quốc ngữ, nhằm biểu dương các giá trị văn hóa truyền thống qua nghệ thuật thư pháp, chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11.

Triển lãm thư pháp “Một mối xa thư”: Tôn vinh truyền thống văn hiến -0
Triển lãm "Một mối xa thư" do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhân Mỹ học đường phối hợp tổ chức

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, lựa chọn chủ đề của triển lãm năm nay là “Một mối xa thư”, Ban tổ chức mong muốn giới thiệu đến công chúng các giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ được hàm chứa trong các tác phẩm thơ, văn chữ Hán, chữ Nôm tiêu biểu, còn lưu lại trên bia đá, chuông đồng, mộc bản và kinh sách cổ, được sáng tác và san khắc trong các giai đoạn lịch sử của Việt Nam, thông qua nghệ thuật thư pháp. “Thông qua triển lãm, chúng tôi hy vọng giúp người xem cảm nhận được mạch nguồn văn hóa cha ông luôn được tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại. Bên cạnh đó, triển lãm cũng là nơi tập hợp, gắn kết những người có chung niềm đam mê nghệ thuật thư pháp, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc” - TS. Lê Xuân Kiêu cho hay.

Triển lãm thư pháp “Một mối xa thư”: Tôn vinh truyền thống văn hiến -0
Tác phẩm của nhà thư pháp Lại Tiến Giang

TS. Lê Xuân Kiêu cho biết, trong quan niệm xưa của Việt Nam cũng như các nước đồng văn, đối với việc giang sơn đất nước thu về một mối, chế độ văn vật áp dụng thống nhất, khái quát bằng hai biểu trưng "xa thư", nghĩa là: xe cộ giao thông thông suốt cùng một quy cách; văn hóa chữ viết nhất quán. Đó là lý do, triển lãm đã lựa chọn "Một mối xa thư" làm chủ đề sáng tác.

Ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, khái niệm đó được nhắc tại đôi câu đối trên bi đình: Xa thư cộng đạo kim thiên hạ/ Khoa giáp liên đề cổ học cung (tạm dịch: Thiên hạ nay, xa thư về cùng một mối/ Nhà học xưa, khoa giáp xuất hiện liền nhau), ca ngợi đất nước toàn vẹn cùng áp dụng một chế độ, đạo học nối tiếp truyền thống, nhân tài xuất hiện đông đảo.

Hiểu và thêm yêu di sản dân tộc

Triển lãm thư pháp “Một mối xa thư”: Tôn vinh truyền thống văn hiến -0
Nhà thư pháp Hoàng Anh Diệp bên tác phẩm “Đại Bảo tam niên”

Vinh dự tham gia trưng bày tác phẩm thư pháp bút sắt “Đại Bảo tam niên”, bà Hoàng Anh Diệp, Lớp Hán thư pháp, cho biết, cái độc đáo của người viết thư pháp nói chung và bút sắt nói riêng là thể hiện bố cục chặt chẽ của từng con chữ; độ đậm nhạt của mỗi nét chữ. “Tôi đến với thư pháp từ tình yêu nghề, từ những tiết dạy văn cho học trò tại trường phổ thông. Bằng kiến thức có được tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội những năm 1970, tôi muốn học trò của mình hiểu hơn các tác phẩm văn học cổ, về tính nguyên bản chữ Hán cổ để các em học từ các ký tự, nắm được ngọn nguồn văn học sử, ý nghĩa của từng câu từ, qua đó hiểu hơn các truyền thống quý báu của dân tộc…" - bà Hoàng Anh Diệp cho hay.

Triển lãm thư pháp “Một mối xa thư”: Tôn vinh truyền thống văn hiến -0
Tác phẩm trích từ văn bia “Hồng Đức thập bát niên” của nhà thư pháp Lê Thanh Liêm

Còn ông Lê Thanh Liêm, Lớp Hán Nôm thì chia sẻ, ngoài giờ làm việc, buổi tối ông thường đi học chữ Hán, chữ Nho. Tác phẩm ông trưng bày tại triển lãm viết từ văn bia tiến sĩ “Hồng Đức thập bát niên”, nội dung răn dạy những người đã đậu khoa bảng, đã lưu danh sử sách thì phải sống và làm việc cho người đời sau nhìn vào noi gương; đừng làm những điều trái đạo để thiên hạ chê cười…

Lại Tiến Giang, học viên Lớp Hán và thư pháp nâng cao cho rằng, chữ Hán là di sản của ông cha để lại sau một thời gian bị mai một, rất cần được phát huy và lan tỏa, trước tiên là ở trong nước, sau để giao lưu với các nước đồng văn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

“Nhiều người không biết về di sản, truyền thống văn hóa ông cha, nhất là chữ viết Hán, Nho. Chúng tôi là thế hệ sinh ra sau này song cũng ý thức sẽ góp phần nhỏ tri thức, tài năng của mình trong việc khôi phục văn hóa, cụ thể là chữ viết. Hai bài thơ của Chúa Ân Vương Trịnh Doanh vịnh về phong cảnh kinh thành Thăng Long cách đây gần 300 năm được tôi thể hiện và trưng bày trong triển lãm theo lối hoa văn tự. Xem nội dung bài thơ, tôi hy vọng các bạn trẻ hình dung được kinh thành Thăng Long xưa, hiểu về một thời kỳ của đất nước và thêm yêu hơn những thành quả, di sản và các công trình cha ông ta đã gây dựng”, Lại Tiến Giang chia sẻ.

Bài và ảnh Hương Sen
#