Chức sắc, chức việc, tín đồ an tâm, tin tưởng
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương mới đây đã tổ chức giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022. Xin bà cho biết một số đánh giá từ kết quả giám sát?
- Nhìn chung, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời gian qua cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật. Đại bộ phận chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo an tâm, tin tưởng đối với chủ trương nhất quán của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, các cuộc vận động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo; thực hiện sống tốt đời đẹp đạo, làm tròn nghĩa vụ công dân; cảnh giác trước các hoạt động lợi dụng tôn giáo với ý đồ xấu của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nhu cầu đời sống tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng, hợp pháp của nhân dân được các cấp ủy Đảng, chính quyền tôn trọng, bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động như: tổ chức đại hội, hội nghị; cải tạo, nâng cấp xây dựng mới công trình tôn giáo; thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; mở các lớp bồi dưỡng về tôn giáo; phong chức, phong phẩm, bầu cử, suy cử; thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành; hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đăng ký của tổ chức, cá nhân tôn giáo; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo...
- Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. Hơn 5 năm thi hành Luật trên địa bàn tỉnh Hải Dương có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa bà?
- Về cơ bản, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 đã thể chế hóa các quy định về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật, tạo được sự an tâm, tin tưởng trong đại bộ phận chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo; đồng thời tạo hành lang pháp lý trong hoạt động quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo mặc dù đã được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao; việc hướng dẫn, giải thích, vận động quần chúng thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đôi khi chưa thường xuyên và thiếu chiều sâu. Việc nắm bắt tình hình hoạt động tôn giáo tại một số địa phương có lúc chưa sâu sát, kịp thời, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo.
Vi phạm về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xảy ra dưới nhiều hình thức nhưng việc phát hiện, xử lý có lúc, có nơi chưa kịp thời, quyết liệt, trong đó không ít vụ việc phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước và việc củng cố đoàn kết trong nhân dân. Các vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo chưa có chế tài để xử lý, biện pháp chủ yếu vẫn là vận động, thuyết phục nên hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao.

Cần có chế tài xử lý vi phạm
- Qua khảo sát, giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, nhiều địa phương phản ánh đội ngũ cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo vừa thiếu, vừa yếu. Vấn đề này ở Hải Dương thì sao?
- Thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo vừa thiếu, vừa yếu là tồn tại của nhiều địa phương trong cả nước. Đối với Hải Dương, ở cấp tỉnh, theo chức năng nhiệm vụ, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo được giao cho Sở Nội vụ, phân công 1 đồng chí Phó giám đốc Sở phụ trách và phòng chuyên môn là phòng tôn giáo có 6 công chức. Ở cấp huyện, Phòng Nội vụ 12 huyện, thị xã, thành phố phân công Trưởng phòng hoặc Phó trưởng phòng phụ trách công tác tín ngưỡng, tôn giáo và 1 chuyên viên kiêm nhiệm công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Ở cấp xã, không bố trí cán bộ chuyên trách công tác tín ngưỡng, tôn giáo mà phân công Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phụ trách công tác tín ngưỡng, tôn giáo và 1 công chức kiêm nhiệm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.
Với một đội ngũ cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo hầu hết là kiêm nhiệm như vậy sẽ khó đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, phần nào ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Trong khi đây lại là lĩnh vực nhạy cảm, tác động trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị ở địa phương.
- Từ kết quả giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương có kiến nghị, đề xuất gì để khắc phục những bất cập như bà vừa nêu?
- Từ thực tiễn tại Hải Dương, chúng tôi kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, có chế tài xử lý vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tôn giáo trực tuyến… Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa, tạo hành lang pháp lý đồng bộ. Tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Đối với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30.12.2018 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét về tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với khối lượng, tính chất đặc thù của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Theo dõi và đánh giá thường xuyên việc chấp hành pháp luật của các địa phương, tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo...
- Xin cảm ơn bà!