Làng Xuân Cầu xưa có tên gọi là Hoa Cầu, Huê Cầu, Xuân Kỳ... Xuân Cầu theo sử sách có từ đời nhà Đường, trong làng còn có 4 giếng đá kiểu Trung Quốc. Đời vua Thiệu Trị, vì kỵ húy đổi là Xuân Kỳ nhưng Nhân dân quen dùng tên cũ, mà đọc chệch đi là Huê Cầu.
Chủ biên cuốn sách “Thuật bút Xuân Cầu”, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ: xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước, chúng tôi thấy rằng, Xuân Cầu là ngôi làng rất cần được nghiên cứu trong lịch sử. Bên cạnh đó, viết một cuốn sách về dư địa chí của làng khác biệt với các cuốn sách viết về dư địa chí của một vùng miền hoặc một tỉnh nào đó, mỗi làng đều có đặc thù văn hóa, phong thủy riêng bao gồm cả nền văn học với những nhân vật lịch sử, danh nhân có thể được gọi là địa linh nhân kiệt, văn võ song toàn. Và văn hóa làng từ xưa đến nay chính là tế bào của xã hội, rất quan trọng, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa của Việt Nam. Dự án sách là tâm huyết của các tác giả mong muốn ghi nhận sự phát triển văn hóa làng quê truyền thống của đất nước, mà bước đầu là làng Xuân Cầu, một trong những địa danh văn hóa lịch sử của tỉnh Hưng Yên.
Phó Tổng Biên tập Tạp chí văn nghệ Quân đội, đồng chủ biên cuốn sách, Nhà văn Phùng Văn Khai cho biết thêm: hiện nay, để thực hiện dự án này, hội đồng khoa học lên tới khoảng 20 giáo sư, tiến sĩ và các cộng tác viên khác. Chúng tôi chia làm 6 lĩnh vực, cùng hoạt động song song với nhau như: lịch sử, văn hóa, kiến trúc, văn học, khoa học công nghệ… Mỗi lĩnh vực đều có các chuyên gia, nhà nghiên cứu để thẩm định thông tin về làng Xuân Cầu cũng như thực hiện các công tác liên quan để thực hiện dự án. Hiện, bản thảo đã lên xong, dự kiến cuối năm 2024, cuốn sách sẽ được ra mắt.
Cuốn sách được chia làm 3 phần, giới thiệu về làng Xuân Cầu từ thuở khai thiên lập địa đến ngày nay, gắn với làng là những di tích văn hóa, lịch sử, những người con ưu tú đã góp phần làm nên đất nước. Hồn cốt của cuốn sách tập trung nêu bật tiến trình văn hóa lịch sử diễn ra như thế nào ở một vùng đất với những đình, chùa, miếu, danh nhân, danh tướng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Lý giải về tên cuốn sách, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn cho biết: “Thuật bút Xuân Cầu” có nghĩa là dùng thuật của ngòi bút để viết về địa danh lịch sử, về nhân vật lịch sử, đó là sự sáng tạo của Hội đồng biên soạn tạo ra một dòng riêng của sách về làng.
Tuy mới được khởi động từ đầu tháng 7.2024, nhưng với tinh thần làm việc khẩn trương, cuốn sách hứa hẹn sẽ là một tác phẩm văn học mẫu mực về một vùng đất “bước chân ra là gặp người nổi tiếng”.