Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 3 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận là: Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Toàn tỉnh có 1.164 cơ sở thờ tự (bao gồm cả 25 cơ sở tôn giáo chưa xác nhận là cơ sở tôn giáo hợp pháp); 621 chức sắc, nhà tu hành và 218.939 tín đồ (chiếm trên 11% dân số toàn tỉnh), trong đó Phật giáo có 1.032 chùa, với 534 tăng, ni (56 chức sắc, 351 chức việc, 176.090 Phật tử). Công giáo có 41 giáo xứ (40 giáo xứ thuộc Giáo phận Hải Phòng, 1 giáo xứ thuộc Giáo phận Bắc Ninh), 81 giáo họ, 129 nhà thờ, nhà nguyện, tu viện; 33 Linh mục chính xứ, 52 nữ tu, 489 chức việc và 41.140 giáo dân.
Tin lành có Hội thánh Tin lành Hải Dương (CMA) với 1 nhà thờ, 1 nhà nguyện, 1 Mục sư và 1 Mục sư nhiệm chức thuộc Giáo hội Bap-tit Việt Nam, Ban Chấp sự gồm 7 thành viên và 1.709 tín hữu. Một nhóm tín đồ Tin lành người Hàn Quốc gồm 18 người được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chấp thuận sinh hoạt tại Nhà thờ Tin lành Hải Dương. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 28 điểm nhóm Tin lành thuộc 11 hệ phái (7/28 điểm nhóm Tin lành đã được Ủy ban nhân dân cấp xã chấp thuận đăng ký sinh hoạt tập trung, 21/28 điểm nhóm chưa đăng ký sinh hoạt).

Trên cơ sở các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động phong chức, phong phẩm, suy cử, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc theo Hiến chương Điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật. Việc phong phẩm chức sắc và bổ nhiệm chức việc là nhu cầu thường xuyên của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và đều được xem xét, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Từ 1.1.2020 - 1.12.2022, Hải Dương đã giải quyết 170 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh, cụ thể: đăng ký người được bổ nhiệm làm chức việc 66 thủ tục (Phật giáo 64, Công giáo 2), đăng ký mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo 3 thủ tục (Phật giáo), đăng ký tổ chức cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo 2 thủ tục (Phật giáo); đăng ký tổ chức Đại hội của tổ chức tôn giáo 1 thủ tục (Phật giáo); thông báo người được bổ nhiệm làm chức việc 28 thủ tục, thông báo người được phong phẩm 7 thủ tục, thông báo suy cử kết quả bổ nhiệm 7 thủ tục, thông báo thuyên chuyển 51 thủ tục (Phật giáo 45, Công giáo 6), 3 thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung đối với tổ chức tôn giáo có địa bàn hoạt động ở nhiều huyện thuộc tỉnh, thông báo bãi nhiệm chức sắc, chức việc 2 thủ tục (Phật giáo).
Qua rà soát, đánh giá, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện bảo đảm đúng hoặc trước thời gian quy định; tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong quá trình thực hiện các thủ tục.
Hà Hương
Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo đạt thấp
Qua giám sát cho thấy, quá trình quản lý đất tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Hải Dương có một số vướng mắc. Theo đó, quy định pháp luật chưa bao trùm được hết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; sự thiếu thống nhất giữa Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các văn bản khác có liên quan; chưa tách được đất dành cho mục đích tôn giáo với đất dành cho các mục đích gắn với tôn giáo và mục đích kinh doanh; chưa có quy định, tiêu chí thống nhất về hạn mức đất cho cơ sở tôn giáo.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ Hải Dương, đến hết tháng 3.2023, toàn tỉnh có 906 trong 1.139 cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đạt 79,5%. Kết quả này chậm so với kế hoạch đề ra là hoàn thành trong năm 2019. Các huyện có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt cao là Gia Lộc, Nam Sách, Kim Thành, Cẩm Giàng; huyện Bình Giang và thị xã Kinh Môn có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp.
Nguyên nhân là do các cơ sở tôn giáo chưa thống nhất được ranh giới, mốc giới sử dụng đất; một số trường hợp chưa được quy định rõ trong Luật Đất đai và các quy định pháp luật nên không đủ căn cứ để giải quyết. Có tình trạng mở rộng khuôn viên cơ sở thờ tự chưa đúng quy định, thực hiện dưới hình thức hiến tặng, xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Một số nơi xảy ra tình trạng lấn chiếm dẫn đến việc quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp khó khăn…
Đáng chú ý, số lượng tín đồ tại các cơ sở tôn giáo ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu về cơ sở thờ tự lớn, trong khi đó quỹ đất tôn giáo không còn hoặc chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tôn giáo để bố trí giao đất, để xây dựng, mở rộng cơ sở thờ tự.
Anh Quân