Sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số ngành thư viện

- Thứ Hai, 28/11/2022, 20:02 - Chia sẻ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương đã hoàn thành một số mục tiêu về chuyển đổi số thư viện thì vẫn có nơi cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tài chính còn hạn chế, cần tìm kiếm giải pháp khắc phục.

Những năm qua, nhất là giai đoạn 2017 - 2022, nhờ xác định đúng xu hướng phát triển và ứng dụng thành tựu công nghệ mới, hoạt động ứng dụng công nghệ số tại nhiều thư viện, trong đó có Thư viện tỉnh Bình Định đã phát triển thuận lợi, góp phần không nhỏ vào sự thay đổi, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, đổi mới phương thức hoạt động hiện đại, tạo điều kiện cho hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh hoàn thành sớm một số mục tiêu chuyển đổi số chủ yếu.

Sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số ngành thư viện -0
Thư viện tỉnh Bình Định thường xuyên mở lớp tập huấn về chuyển đổi số thư viện. Nguồn: bpl.vn

Theo Phó giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định Nguyễn Ngọc Sinh, chuyển đổi số thư viện tại địa phương về cơ bản đã làm thay đổi quy trình nghiệp vụ, quy trình xử lý trong hoạt động thư viện theo hướng tự động hóa, làm thay đổi sâu hơn về nhiệm vụ của mỗi thư viện theo hướng chuyên môn hóa. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và chính bản thân các thư viện. Rõ thấy nhất là Bình Định xây dựng được nền tảng kỹ thuật số dùng chung VietBiblio dành cho hoạt động quản lý thư viện cấp huyện và trường học trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là địa phương thực hiện nhanh chóng các ứng dụng công nghệ vào hoạt động thư viện, bắt kịp với sự phát triển chung của ngành thư viện.  

Chị Đỗ Thị Thanh Tuyền, Thư viện huyện Đức Cơ, Gia Lai, cũng cho rằng, một trong những lợi ích thiết thực mà chuyển đổi số mang lại là thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, thành thị và nông thôn, nhất là bình đẳng trong hưởng thụ những giá trị văn hóa cho mọi người dân. Dù còn nhiều khó khăn để thực hiện chuyển đổi số ở một huyện biên giới như Đức Cơ nhưng khó khăn không phải là tất cả. “Chúng tôi triển khai nhiều hình thức thu hút bạn đọc như cấp thẻ thư viện miễn phí, đưa sách về trường học, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Nhưng bên cạnh hình thức phục vụ truyền thống thì chuyển đổi số là xu thế tất yếu”.

Chuyển đổi số thư viện là quá trình áp dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số đối với các thư viện truyền thống. Ngày nay, nhiều bạn đọc ngại lục tìm sách trong thư viện mà thích có sẵn file để có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Hay một số người tìm các đầu sách nghiên cứu, chuyên ngành mà thư viện không có, đây là lúc cán bộ thư viện cần hỗ trợ bạn đọc tìm kiếm thông tin, tư liệu.

Chị Tuyền cho biết thêm: “Mặc dù nguồn sách do Thư viện tỉnh đưa về phục vụ cơ sở rất phong phú, được bổ sung hàng năm nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng. Do đó, chuyển đổi số thư viện là bước tiến lớn để phục vụ người đọc. Việc chuyển đổi này góp phần xây dựng, kết nối liên thông các thư viện nhằm chia sẻ dữ liệu. Hiện nay, việc liên hệ, kết nối với mạng lưới Thư viện số của cả nước để lấy tư liệu, thông tin cho bạn đọc tương đối thuận lợi. Chỉ cần có nhu cầu sẽ được hỗ trợ ngay, như việc gửi file thông tin hoặc giới thiệu đến các địa chỉ tin cậy. Tôi thường liên hệ với Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hay Thư viện Quốc gia Việt Nam, các trung tâm học liệu. Họ rất nhiệt tình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của người đọc ở bất cứ đâu”.

Sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số ngành thư viện -0
Độc giả tra cứu tài liệu tại Thư viện tỉnh Bắc Kạn. Nguồn: backan.gov.vn

Không được thuận lợi như các địa phương khác, Thư viện tỉnh Bắc Kạn có số biên chế ít, chưa có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, nguồn tài liệu số của thư viện vẫn còn hạn chế. Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Kạn Hoàng Văn Sơn cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu số tại Thư viện tỉnh chưa có nguồn bổ sung mà chủ yếu là nguồn tự scan, nên khá sơ sài, chưa đầy đủ. Mặt khác, do hạn chế về nhân lực, trang thiết bị, nên số lượng tài liệu số thư viện scan và biên mục trên phần mềm chưa được nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu người dùng trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.

Với thực trạng của Thư viện tỉnh Bắc Kạn, theo ông Sơn, việc kết nối, chia sẻ thông tin, liên thông với các thư viện chưa thực hiện được là điều dễ hiểu. Để thực hiện tốt việc chuyển đổi số thư viện, tiếp tục hoàn thiện Đề án “Thư viện số tỉnh Bắc Kạn”, tỉnh kiến nghị nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp và người làm công tác thư viện từ tỉnh về địa phương về vai trò quan trọng của việc triển khai chuyển đổi số ngành thư viện đồng bộ với chuyển đổi số ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân thông qua việc huy động sự tham gia hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

Thư viện tỉnh Bắc Kạn cũng đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi số và thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thư viện, cung ứng dịch vụ về chuyển đổi số trong hoạt động thư viện. Xây dựng thư viện số bảo đảm hạ tầng kỹ thuật đáp ứng theo hướng hiện đại, linh hoạt với nguồn tài nguyên thông tin, dữ liệu số phong phú, đa dạng, đáp ứng yêu cầu, tiêu chí của thư viện số; xây dựng mục lục liên hợp phản ánh tài nguyên thông tin dùng chung và mục lục liên hợp với một số ngành, lĩnh vực… nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số ngành thư viện trên cả nước.

Hồng Hà
#