Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội
Tại tọa đàm khoa học “Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội” sáng 23.11, các nhà nghiên cứu cho rằng, di sản văn hóa là một phần quan trọng và không thể tách rời của nhiều thành phố trên thế giới. Các di sản văn hóa không chỉ là chứng nhân cho lịch sử phát triển - nhân tố tạo nên giá trị và bản sắc của mỗi thành phố mà trên thực tế nó cũng đồng thời phản ánh sức sáng tạo của cộng đồng cư dân trong việc tạo dựng cuộc sống và vun đắp các thành tựu văn minh qua nhiều thế hệ.
Mặc dù vậy, trên thực tế quá trình vận động và thực hành trong đời sống, không ít nơi di sản lại bị coi như những trở lực cho quá trình phát triển. Quan điểm bảo tồn di sản văn hóa truyền thống theo các khuôn mẫu hiện nay khiến cho việc bảo tồn di sản được hiểu như một hoạt động tốn kém gắn liền với vai trò của nhà nước và các tổ chức quốc tế.
Trong khi đó, sự phát triển của các đô thị hiện nay bao gồm các đô thị di sản đòi hỏi sự phát triển sáng tạo, năng động với sự tham gia của nhiều cộng đồng xã hội. Vì thế, việc bảo tồn các di sản văn hóa nên được hiểu trong mối quan hệ biện chứng với tính chất sáng tạo của các đô thị hiện đại trên thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS): Hà Nội là một trong số ít đô thị di sản trên thế giới có bề dày phát triển hàng nghìn năm. Điều kiện đó chính là nền tảng tạo nên một thành phố lịch sử văn hóa với hàng nghìn di tích và sự tồn tại đến ngày nay của nhiều loại hình di sản văn hóa khác nhau.
Hà Nội được xem là thành phố có quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, với gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa, gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, 12 nhóm với 149 bảo vật quốc gia, 4 bảo tàng công lập và 15 bảo tàng ngoài công lập đang lưu giữ, bảo quản hàng vạn hiện vật quý giá. Quỹ di sản phong phú này chính là nguồn lực quý giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, là cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp sáng tạo và một thành phố sáng tạo phát triển bền vững.
Hà Nội đang từng bước vươn lên trở thành một trong những thành phổ sáng tạo tiêu biểu ở Đông Nam Á thông qua nhiều sáng tạo nghệ thuật và sự phát triển của một cộng đồng sáng tạo trẻ trung và đầy tiềm năng. Cách đây 3 năm, ngày 30.10.2019, Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo, và cùng với 245 thành phố khác trên thế giới, tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Sự kiện này không chỉ là sự thừa nhận mà còn là bước khởi đầu cho một chương trình hành động của những người yêu thành phố này, hướng tới Hà Nội sẽ trở thành điểm đến sáng tạo của khu vực trong một tương lai không xa. Trong hành trình đi tìm sự sáng tạo đó, xu thế, cách thức vận động của các di sản văn hóa chắn chắn là một phần tất yếu trong sự phát triển của thành phố.
Mang hành trang của quá khứ hướng tới tương lai
Nhà nghiên cứu về công nghiệp văn hóa, sáng tạo Andy Pratt có nói: “Thành phố sáng tạo không thể được thành lập như một thánh đường trong sa mạc, nó cần phải được liên kết và là một phần của môi trường văn hóa hiện có". Bài học gần đây của các đô thị cho thấy rằng các thành phố sáng tạo cần phải bắt rễ vào bối cảnh địa phương: Lịch sử của thành phố, di sản văn hóa, hệ thống kinh tế, các mạng lưới xã hội và hoạt động văn hóa ở địa phương. Nếu không, các thành phố sáng tạo sẽ mang tính đồng nhất, xóa nhòa căn tính cùng những đặc trưng riêng có.
Theo PGS. TS Phạm Quỳnh Phương, Tổ trưởng Tổ bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo VNU-SIS: Bước sang thế kỷ XXI, trong một thế giới toàn cầu hóa ngày càng đồng nhất, con người có nhu cầu rất lớn với di sản. Di sản không phải của quá khứ. Di sản là khát vọng của đương đại, kết nối và sử dụng quá khứ cho nhu cầu hiện tại và tầm nhìn tương lại. Di sản đóng vai trò kết nối, và có vai trò quan trọng với sự vận động của xã hội và đời sống kinh tế hiện tại. Ngoài những giá trị lịch sử và thẩm mỹ, di sản dù là vật thể hay phi vật thể, đều là một tài sản độc đáo tạo ra không gian đương đại, tạo ra những giá trị thẩm mỹ, định hình căn tính xã hội và truyền cảm hứng cho các hoạt động của con người.
Thông qua những không gian nhà tập thể như tiềm năng của không gian sáng tạo đương đại, TS. Trần Hậu Yên Thế khẳng định giá trị di sản của các khu nhà tập thể trong sự kết hợp của những thực hành sáng tạo cụ thể gợi mở cách nhìn nhận mới về di sản kiến trúc giai đoạn hiện đại. Trong khi đó, TS.KTS Lê Phước Anh, Trưởng Bộ môn Đô thị và Kiến trúc Bền vững (VNU-SIS) quan tâm tới việc sáng tạo trong cách nhìn hay phát huy di sản như một quá trình khám phá, tôn vinh và chia sẻ các giá trị, chú ý đến các thành phần di sản có phần phi chính thống hoặc chưa được ghi danh, vốn rất nhiều trong số đó thường trong tình trạng mong manh và dễ bị tổn thương. TS.KTS Lê Phước Anh cho rằng, để di sản sống trong xã hội đương đại, bảo tồn theo kiểu đóng băng sẽ làm di sản chết nhanh hơn, do đó, phải sáng tạo, biến đổi di sản, làm cho nó có giá trị đương đại.
Còn theo TS. Lư Thị Thanh Lê, bộ môn Công nghiệp văn hóa và Sáng tạo (VNU-SIS), các di sản nghệ thuật biểu diễn truyền thống tiêu biểu đang được các đơn vị nhà nước, những tổ chức, cộng đồng, cá nhân khai thác, phát huy giá trị trong đời sống đương đại ở Hà Nội. Từ đánh giá những tiềm năng của việc khai thác nghệ thuật biểu diễn truyền thống nhằm tôn vinh văn hóa địa phương, thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa ở Hà Nội, TS. Lư Thị Thanh Lê cũng nêu một số thách thức và đưa ra đề xuất nhằm tối ưu hóa việc phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên di sản nghệ thuật biểu diễn ở Hà Nội.
“Di sản chính là nguồn lực văn hóa có thể được khơi gợi để tạo ra một hệ sinh thái liên quan trực tiếp đến ký ức, cảm xúc, và khát vọng của các cư dân thành phố. Sự sáng tạo của con người trong thành phố không phải chỉ là sự sáng tạo của cái mới, mà còn là cách họ thích ứng, cũng như tạo ra cách tiếp cận mới với cái cũ. Di sản văn hóa do đó có sức mạnh đặc biệt, nó tạo ra động lực giúp xã hội diễn tiến về phía trước, mang theo hành trang của quá khứ và hướng tới tương lai” - PGS. TS Phạm Quỳnh Phương nhận định.