Ra mắt bộ ba tiểu thuyết của nữ nhà văn Mỹ từng đoạt giải Nobel Pearl S. Buck

- Chủ Nhật, 09/06/2024, 15:24 - Chia sẻ

"Đất lành", "Đời con", "Ly tán" - bộ ba tiểu thuyết của tác giả Pearl S. Buck, người phụ nữ Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học vừa chính thức ra mắt độc giả Việt Nam.

Theo PGS.TS, dịch giả Lê Đình Chi, từ nửa sau thế kỷ XIX vắt sang nửa đầu thế kỷ XX, đất nước Trung Hoa đã trải qua giai đoạn biến động lớn lao. Đây chính là nền lịch sử của bộ ba tiểu thuyết Đất lành, Đời con, Ly tán của nữ văn sĩ Pearl S. Buck.

Việc tự thân trải nghiệm thực tế tại Trung Hoa suốt quãng thời gian dài sóng gió ấy đã cung cấp cho tác giả một vốn sống đủ phong phú để tạo nên một bộ tiểu thuyết đồ sộ không chỉ về thời lượng mà cả về không gian, thời gian, biến cố, tính cách nhân vật.

Về mảnh
Bộ ba tiểu thuyết do Bình Book liên kết với Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam phát hành

Đất lành, Đời con, Ly tán được xuất bản lần lượt vào các năm 1931, 1932 và 1935. Cả ba tiểu thuyết được đánh giá là có những mô tả mang tính đột phá về đời sống nông thôn Trung Quốc, hiện lên trong bối cảnh là một quốc gia đang trải qua những biến chuyển chính trị khiến nó thay đổi tới tận gốc rễ. 

Đất lành là câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của nông dân Vương Long, từ con người xuất thân khiêm nhường đến khi trở thành một địa chủ giàu có. Tác phẩm cũng là cái nhìn lướt nhanh về một vùng đất còn nhiều điều bí ẩn, cũng như đời sống nội tâm ẩn sâu trong lòng Trung Quốc.

Mặc dù tác phẩm tập trung vào đời sống nông thôn vốn dường như đứng bên lề mọi sự đổi thay nhưng Vương Long đã có dịp được tiếp xúc với các lực lượng xã hội rộng lớn hơn.

Khi ở thành phố Giang Tô (Nam Kinh), anh đã nghe thấy những cuộc nói chuyện về cách mạng và chứng kiến việc tuyển mộ lính trong thành phố chuẩn bị cho chiến tranh. Sau đó, một đội quân cách mạng đến và bạo lực đám đông nổ ra. Bầu không khí và các sự kiện được mô tả tại đây dựa trên tình trạng bất ổn xã hội ngày càng gia tăng ở Trung Quốc đầu những năm 1900.

Đất Lành như tên gọi là câu chuyện về đất và người, về tình yêu và hy sinh, về giàu có và nghèo khổ, dục vọng và giản đơn, là câu chuyện về nông dân, được kể bằng giọng nông dân. Trong đó không có các kỹ thuật hành văn phức tạp mà chỉ có lời kể, kể và kể.

Tiểu thuyết Đời con tiếp nối mạch Đất lành với sự biến chuyển thời cuộc. Nếu bối cảnh Đất lành là xã hội phong kiến triều Thanh, khi Nho giáo còn tồn tại, các giá trị như hiếu đễ (kính yêu cha mẹ và hòa thuận với anh chị em), trọng nam khinh nữ được đề cao, thì đến Đời con, những giá trị này dần bị phá bỏ.

Nhân vật chính của Đời con là Vương Mãnh Hổ, từ đứa con căm hận cha, bỏ nhà ra đi, tự tìm đường sống riêng, trở thành một lãnh chúa, tướng quân lừng lẫy, uy quyền một vùng. Song, như tập đầu, tập kế tiếp này cũng có những mặt đối nghịch, giữa Mãnh Hổ và hai anh, giữa Mãnh Hổ và con trai, Vương Nguyên - như một dấu chuyển sang Ly tán.

Các tình tiết trong Ly tán diễn ra trong thời kỳ hiện đại, đúng hơn là giai đoạn giao thời của xã hội Trung Quốc khi các giá trị xã hội cũ không còn, các giá trị xã hội mới đang thành hình.

Theo các dịch giả bộ tiểu thuyết, Ly tán khá gần gũi nhất với người đọc hiện đại, bởi nó đầy ắp đối nghịch do thời cuộc, do khoảng cách thế hệ, được khắc họa đậm nét, tinh tế, nhiều chỗ gây xúc động dẫu mông lung y như tuổi trẻ chênh vênh giữa ngã ba cuộc đời. Để rồi, đọng lại không phải là đúng - sai trong cuộc chiến cũ - mới, thế hệ trước - thế hệ sau, mà là tình người.

Về mảnh
Nhà văn Pearl S.Buck. Nguồn: The Guardian

PGS.TS dịch giả Lê Đình Chi phân tích, sức hấp dẫn của bộ ba tiểu thuyết Đất lành, Đời con, Ly tán đến từ tính thực tế, chân thực hiển hiện trong từng chi tiết. Pearl S. Buck không quá kén chọn câu từ cho tác phẩm của mình mà để cho dòng chảy câu chuyện cứ thế tự nhiên diễn ra, với các biến cố, chi tiết rất giản dị, sống động khiến người đọc cứ thế vô thức nhập tâm vào câu chuyện như thể đang đứng giữa không gian của tiểu thuyết.

Ba thế hệ của nhà họ Vương có thể coi như hệ tọa độ gốc để tác giả mở rộng không gian tác phẩm của mình ra toàn xã hội Trung Hoa đồ sộ, phức tạp trong thời kỳ biến động chóng vánh khó tin đó mà vẫn giữ được mạch nội dung không bị tản mát, lộn xộn.

"Ba giai đoạn của ba tập sách vừa gắn kết với nhau vừa có mức độ độc lập nhất định về nội dung, tới mức độc giả có thể tùy hứng coi mỗi phần như một tiểu thuyết độc lập mà không bị mất đi bao nhiêu tính trọn vẹn khi cảm nhận", PGS.TS, dịch giả Lê Đình Chi nhận định. 

Pearl S. Buck (1892 - 1973) là người Mỹ lớn lên trên đất nước Trung Hoa và đã dành phần lớn sự nghiệp văn chương của mình để viết về mảnh đất này. 

Pearl S. Buck bắt đầu viết văn từ thập niên 1920 và xuất bản tiểu thuyết đầu tiên "Gió Đông Gió Tây" năm 1930. Từ sáng tác đầu tay tới tác phẩm cuối cùng "Chuyện Kinh Thánh "năm 1971, bà đã cho ra mắt hơn 70 tác phẩm. Bà được trao giải Nobel Văn chương năm 1938 và là phụ nữ Mỹ đầu tiên đoạt giải thưởng danh giá này. 

Nét đặc trưng trong các tác phẩm của Buck là khai thác nhiều điểm khác biệt giữa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại, khắc họa kiếp sống lầm than của tầng lớp dưới đáy xã hội trước những biến động lịch sử.

Thái Minh
#