Nhập cuộc thời đại, tạo đột phá phát triển văn hóa Việt Nam

50 năm qua, tính từ đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người đã có những bước đổi mới, phát triển quan trọng. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển mới đặt ra những thách thức và yêu cầu mới.

Chưa đi vào chiều sâu

Phát biểu đề dẫn hội thảo “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” ngày 23.7, PGS.TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nền văn hóa vừa tiếp thu những văn hóa mới cho phù hợp với thời đại, với con người, lược bỏ những quan niệm lạc hậu, lỗi thời, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha ta.

Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc chứa đựng những yếu tố tạo ra sức sống, bản lĩnh dân tộc, bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nền văn hóa tiên tiến thể hiện tinh thần yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên.

Phát triển công nghiệp văn hóa được xem là một giải pháp đột phá phát triển văn hóa. Ảnh: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023
Phát triển công nghiệp văn hóa được xem là một giải pháp đột phá phát triển văn hóa. Ảnh: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Nhìn lại 50 năm qua, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã có những thành công cả về lý luận và thực tiễn. Riêng lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người đã có những bước đổi mới, phát triển quan trọng phù hợp với từng chặng đường của cách mạng. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của Nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, PGS.TS. Phạm Văn Linh cũng nhận định, cho đến nay văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao…

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, theo PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhiều năm qua, chúng ta tập trung và khuyến cáo, cổ vũ, ngợi ca những đặc tính tốt đẹp, những phẩm chất, giá trị của con người và xã hội Việt Nam mà thiếu đi sự chi tiết hóa, cụ thể hóa các phẩm chất, giá trị chung đó thành những chuẩn mực chi tiết, cụ thể, sát hợp với từng dạng chủ thể, từng ngành nghề, địa bàn, cơ quan, đơn vị. Do vậy, tính chất trừu tượng, lý luận, chung, bao quát chỉ lắng đọng ở một vài tầng lớp của xã hội, không thấm sâu và ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo dân cư, cộng đồng. “Đã đến lúc cần thay đổi tư duy, phương thức, cách làm, để các giá trị, phẩm chất, đặc tính có thể được trao truyền rộng rãi, trở thành chuẩn mực thực sự tác động trong cuộc sống thường ngày”, PGS.TSKH. Lương Đình Hải khuyến nghị.

Phát huy sức mạnh mềm văn hóa

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng trở thành xu thế khách quan sôi động đối với mọi quốc gia. Nền văn hóa Việt Nam có cơ hội tiếp nhận và tiếp biến những tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa dân tộc ra thế giới; song cũng đang đặt văn hóa dân tộc trước những thách thức rất mới, trong đó có nguy cơ xóa bỏ sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia dân tộc, giữa các vùng, các khu vực, làm nghèo đi sự đa dạng của bức tranh văn hóa nhân loại và làm mờ nhạt ý thức dân tộc…

Trong bối cảnh đó, theo PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cần nghiêm túc thực hiện quan điểm của Đảng: “Bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc”. Theo đó, phải tiếp thu những giá trị khoa học, nhân văn, tiến bộ, phù hợp với điều kiện lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, phù hợp với nền tảng tinh thần của chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời “khẩn trương (…) xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” trong thời kỳ mới.

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đã xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Tuy nhiên, để chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành sức mạnh mềm, TS. Lê Thị Thúy, Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, phải xác lập được cơ chế và vận hành tốt, hiệu quả trong điều kiện thực tế của một quốc gia đang phát triển, tiềm lực cạnh tranh về kinh tế còn hạn chế. Trong đó, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, coi văn hóa là bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, một trong những trụ cột bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước.

Đặc biệt, “chú trọng kênh truyền dẫn các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Các quốc gia muốn có tầm ảnh hưởng rộng rãi đối với công chúng nước ngoài đều phải có sự đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo, chú trọng việc tạo ra các giá trị mới trong âm nhạc đại chúng, phim ảnh, ẩm thực, định hình các xu hướng mới...”, TS. Lê Thị Thúy nhấn mạnh.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, khẳng định, phát triển công nghiệp văn hóa được xem là một trong những giải pháp đột phá phát triển văn hóa nói riêng, đất nước nói chung giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới. “Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo. Chính vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nhập cuộc với xu thế thời đại, vươn lên nắm lấy vị trí của một quốc gia có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển”.

Văn hóa

Tác phẩm "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm - Bảo vật quốc gia
Văn hóa - Thể thao

Người nối mạch nguồn cội với đương đại

Thuần thục các thủ pháp tạo hình châu Âu, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã sớm quay về với nguồn cội, lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân gian và khéo léo kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo nên một phong cách độc đáo. Điều đó khiến ông trở thành một biệt lệ trong các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ họa sĩ.