Tản mạn

Ngủ quên

- Thứ Bảy, 06/08/2022, 06:29 - Chia sẻ

Đừng ngủ gật khi bạn cần phải tỉnh táo, vì phía trước bạn là tương lai của bạn và của những người có liên quan…

Ngủ quên có tác hại lớn không? Vô cùng nghiêm trọng, ít nhất là với dân lái xe. 

Nhiều năm trước, trên một cung đường cao tốc ở châu Âu, vào một buổi trưa, sau khi ăn xong, tôi từng có một lần rơi vào tình trạng như thế khi não như ngừng hoạt động trong một tích tắc, mắt thì díp lại và người, nhất là vai thì mỏi nhừ. Một tích tắc ấy thôi mà cảm thấy tim đập kinh khủng và phút choàng tỉnh trong chốc lát giống như một cái búa đập thẳng vào đầu khiến mình run rẩy. Cái xe lúc ấy đang chạy hơn 100 km/h, và chỉ cần một vài giây chìm hẳn trong cơn buồn ngủ thế thôi, có lẽ một tai nạn kinh khủng sẽ xảy ra và sẽ không thể có chuyện ngồi đây nhớ lại chuyện này. Sau khi choàng tỉnh, tôi tấp xe vào trạm nghỉ gần nhất, thư giãn một lúc và ngủ 10 phút, để rồi sau đó lái thêm mấy trăm kilômét về nhà bình an vô sự.

Cơn buồn ngủ ấy là hậu quả của việc lái xe quá lâu mà ít nghỉ, của việc tối hôm trước làm việc khuya, của việc cố lái để nhanh về nhà. Nhưng kể từ sau vụ "mất điện" ấy, tôi không bao giờ lái xe kiểu đó nữa, buồn ngủ là tấp vào trạm nghỉ dọc đường chứ không lái thêm nữa. Tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào trong tình trạng ấy. Một thống kê ở Anh năm 2019 cho thấy, đã có gần 700 ca tử vong liên quan đến lái xe mô tô hoặc ô tô ngủ gật trong lúc lái. Đó là đã giảm 11% so với năm trước đó rồi đấy. Ở Việt Nam mình, thỉnh thoảng cũng có những ca lái xe khách đường dài hoặc xe tải gây tai nạn lúc sáng sớm, khi não của chúng ta cần nghỉ ngơi mà tài xế vẫn phải lái.

Liệu những người lái xe có biết mắt nhắm vì ngủ quên thì sẽ gây tai nạn không? Chắc chắn rồi, một đứa trẻ cũng có thể hiểu điều này, trừ khi nó ngủ trên xe tự lái của Tesla. Các nguyên tắc an toàn của việc lái một cái xe trên đường, về các nguy cơ tai nạn, người lái xe nào cũng phải hiểu. Và việc người đó gây ra các tai nạn, trong đó có những vụ đâm xe chỉ vì buồn ngủ, luôn phải trả một cái giá rất đắt. Việc đã xảy ra rồi là một bài học đắt giá và không thể đến lúc ấy mới nói, “nếu” thế này, “thì” thế kia.

Chuyện em học sinh ngủ quên và bị điểm 0 là một câu chuyện buồn của bạn ấy, rất đáng tiếc là đằng khác, nhưng cũng giống như việc ngủ gật và lái xe, không thể có cơ hội làm lại, không thể có “nếu” thế này, “thì” thế kia. Một học sinh vào phòng thi cũng giống một người tài xế lên đường đến một đích nào đó, phải hiểu các quy định, luật lệ giao thông, cũng như những rủi ro của việc ngủ gật nói riêng và xử lý tay lái không tốt nói chung. Bạn ngủ gật trong phòng thi, bạn sẽ không làm được bài và thế là bạn thi trượt. Bạn ngủ gật trên vô lăng và bạn có thể gây tai nạn cho bản thân và người khác. 

Nhưng bạn không thể vì ngủ quên khi làm bài thi mà sau khi trượt, bạn đổ lỗi cho giám thị hoặc hệ thống giáo dục là vô cảm, để rồi sau đó hy vọng được xét lại. Bởi khi vào phòng thi, bạn cũng bình đẳng như tất cả các thí sinh khác, những người chắc chắn cũng luyện thi và ôn tập rất mệt mỏi, nhưng họ cưỡng được cơn buồn ngủ và làm bài đến hết giờ. Bạn cũng không thể vì ngủ quên và đâm vào người khác rồi lại đổ lỗi cho việc không có cảnh sát giao thông đứng đó và tuýt còi bạn. Khi bạn tham gia giao thông, với tấm bằng lái xe được cấp, bạn mặc định là phải nắm được luật và tuân thủ nó.

Chuyện ngủ trong phòng thi và bị 0 điểm không phổ biến lắm ở ta, nhưng chuyện các xe khách đường dài gây tai nạn vì lái xe ngủ gật hoặc phóng nhanh vượt ẩu dẫn đến tai nạn chết người thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Đừng ngủ gật khi bạn cần phải tỉnh táo, vì phía trước bạn là tương lai của bạn và của những người có liên quan…

Anh Ngọc