Nghệ sĩ Tuyết Tuyết: Người “được chọn” theo nghiệp chầu văn

Ngày nhỏ, Tuyết Tuyết chưa từng nghĩ bản thân sẽ gắn bó với nghiệp hát văn. Tuy nhiên, theo cái duyên tự nhiên, chị trở thành nghệ sĩ chầu văn có tiếng. Tuyết Tuyết luôn trăn trở, đau đáu với việc “giữ lửa”, gìn giữ bản sắc văn hóa cho nghệ thuật truyền thống này.

Chầu văn (hay còn gọi là hát văn, hát bóng) là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chầu văn đã gắn bó chặt chẽ và trở thành một thành tố không thể thiếu trong nghi lễ của văn hóa thờ Mẫu của người Việt.

Năm 2013, nghi lễ chầu văn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến năm 2016, di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Người hát chầu văn được gọi là cung văn, thường là người vừa hát giỏi, vừa biết nhiều làn điệu, vừa biết chơi nhạc cụ. 

"Sau này, con sẽ theo nghiệp cung văn"

Bà nội từng nói với Tuyết Tuyết như vậy khi chị còn rất nhỏ. Ngày ấy, Tuyết Tuyết chưa biết hát, chưa biết đàn, thậm chí chỉ thấy chầu văn là những thanh âm có phần ồn ã và khó hiểu. Thế rồi như một cái duyên, qua biết bao thăng trầm, chị thực sự theo nghiệp cung văn, trở thành nghệ sĩ chầu văn có tiếng, được nhiều người mến mộ.

Tuyết Tuyết tâm sự, chầu văn là cuộc đời của chị. Và chị cũng sẽ dành cả đời mình để giúp nghệ thuật cổ truyền này tiếp tục được lưu giữ, phát triển…

Người “được chọn” theo nghiệp chầu văn

Nghệ sĩ Tuyết Tuyết sinh năm 1982, tên thật là Nguyễn Thị Tuyết, quê ở xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Bà nội của chị là một thanh đồng (người được chọn để đứng giá hầu đồng trong nghi lễ thực hành Đạo Mẫu), bốn mùa đều làm lễ hầu thánh. Bố mẹ Tuyết Tuyết là những cung văn địa phương, thường xuyên đi đàn hát tại các lễ hội, đền chùa dù chưa từng được học chầu văn bài bản.

Từ thời thơ ấu, những làn điệu chầu văn trở thành một phần cuộc sống của Tuyết Tuyết theo cách rất tự nhiên.

“Ngày đó, hát văn, hầu đồng còn bị coi là mê tín dị đoan. Tôi nhớ khi bà nội làm lễ trong đền, các cung văn chỉ hát mộc với một cây đàn nguyệt và cây phách nhỏ, không có loa đài, không có trống, không thêm đàn tranh, đàn bầu như bây giờ. Bàn lễ cũng rất đơn sơ, đôi khi chỉ có quả chanh, quả ớt. Trong không gian buổi đêm tĩnh lặng, dưới ánh nến lập lòe, những lời hát của cung văn vang vọng, từng câu chữ rất rõ ràng…”, Tuyết Tuyết nhớ lại.

Được tiếp xúc với chầu văn từ nhỏ nhưng chỉ đến những năm 11, 12 tuổi, Tuyết Tuyết mới thực sự có ấn tượng và yêu thích nghệ thuật này.

Thay vì tiếp xúc bị động bởi môi trường, chị nhận ra, mỗi bài chầu văn đều có lời ca, điệu thức (giai điệu) rất hay và phong phú, như: “Người ta sống ở trên đời/Tiền dòng bạc chảy để rồi làm chi/Cuối cùng cũng chẳng đem đi/Mà đem đi cũng chẳng làm gì cho ai” hay: “Đừng nên tranh chấp thấp cao/Dở hay hơn thiệt biết tính sao cho vơi đầy/ Tiên cô ngự trên mây trên gió/ Lòng người trần phàm cô tỏ trắng đen/Chớ khoe trăng sáng hơn đèn/Bởi trưng có lúc ta lại cần đèn hơn ánh trăng”.

Ở quê, bố Tuyết Tuyết có một chiếc đài cassette (chạy băng cassette - cuộn băng từ trường lưu trữ dữ liệu âm thanh trên 2 mặt). Mỗi ngày, Tuyết đều hồi hộp chờ đợi đến chương trình “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền” phát trên đài để ghi âm lại những làn điệu chầu văn.

Tuyết Tuyết tâm sự, chị có một người thầy dù chưa bao giờ được gặp, chưa từng được ông giảng dạy. Đó là Nghệ sĩ ưu tú Thế Tuyền - nghệ sỹ lừng danh trong nghệ thuật chầu văn.

Nghệ sỹ Tuyết Tuyết: Người “được chọn” theo nghiệp chầu văn -0

“Trong thâm tâm tôi luôn coi ông là người thầy của mình. Bố mẹ tôi cũng là cung văn, nhưng vì chưa từng học bài bản nên không biết dạy lại cho con cái thế nào. Tôi học chầu văn qua những lời hát của nghệ sĩ Thế Tuyền trong chương trình dân ca phát trên đài, bài nào cũng ghi âm lại để học. Ngày đó chưa hiểu các nốt nhạc là gì, chỉ biết tua đi tua lại những cuộn băng đã ghi, tự cảm nhận rồi lên dây đàn, đến bao giờ thấy đúng với bản gốc mới thôi”, chị kể.

Sau này, vào cuối tuần, Tuyết Tuyết thường xuyên được bố mẹ đưa theo cùng tới các đền phủ để hỗ trợ cầm đàn, gõ trống, hát văn. Trước đó chỉ “học mò”, nhưng Tuyết nhanh chóng bộc lộ năng khiếu hát hay, đúng nhịp. Dần dần, chị được bà con địa phương yêu mến, mời tham gia nhiều buổi diễn hơn.

Tuy chầu văn đã trở thành đam mê, nhưng tới tận những năm cuối cấp 3, Tuyết Tuyết vẫn chưa từng nghĩ bản thân sẽ gắn bó với nghiệp hát văn.

Ngày nhỏ, khi xem một đại hội thể thao quốc tế trên vô tuyến, Tuyết vô cùng ngưỡng mộ nữ phiên dịch viên tiếng Anh. Chị thích thú tập nói theo, từ đó nuôi ước mơ trở thành một phiên dịch viên hoặc giáo viên tiếng Anh. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Tuyết Tuyết thi tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đạt 9 điểm môn tiếng Anh, nhưng vì điểm Toán quá thấp, Tuyết không thể đỗ vào trường như mơ ước.

“Bố mẹ nói, tôi học Toán kém như vậy chắc sẽ khó lòng trúng tuyển để thực hiện ước mơ làm phiên dịch viên hay cô giáo tiếng Anh. Ông bà khuyên tôi đi học nhạc để giữ gìn truyền thống gia đình. Thế là nghe bố mẹ, tôi quyết định chuyển sang học nhạc. Càng đi trên con đường này càng thấy hợp, càng thấy hay. Ngẫm lại mới thấy đúng như lời bà tôi từng nói, duyên nghiệp của tôi có lẽ phải theo chầu văn”, Tuyết Tuyết chia sẻ.

Cây đàn nguyệt “xa xỉ” của bố

Năm 2002, Tuyết Tuyết theo học đàn nguyệt tại Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình. Ngày ấy, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, sau chị vẫn còn hai đứa em tới tuổi ăn học. Gian nhà chỉ vỏn vẹn 21 mét vuông, Tuyết thường phải xin sang ngủ nhờ nhà bác ruột để nhường giường cho các em.

Ngày Tuyết Tuyết vào trường nghệ thuật, người bố chạy vạy vay mượn khắp nơi, gom góp mãi mới đủ tiền mua cho con gái một cây đàn nguyệt mới. Ông đèo Tuyết lên thành phố Thái Bình, tự tay tỉ mỉ chọn cây đàn ưng ý nhất.

“Đối với nhà khác có thể giá trị cây đàn rất bình thường, nhưng với bố mẹ tôi, đó là món đồ xa xỉ, đắt đỏ lắm. Lúc đó, tôi chỉ có suy nghĩ mình nhất định phải thành công”, chị nói.

Thương bố mẹ vất vả, Tuyết Tuyết không dám ăn tiêu, mỗi cuối tuần lại cặm cụi đạp xe gần 50 cây số từ trường về quê để chở khoai và gạo lên ăn.

Do có tố chất tốt, năm thứ 2 tại Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình, Tuyết được các thầy tạo điều kiện cho đi diễn những chương trình nhỏ, thi thoảng sẽ có quà bồi dưỡng dù ít ỏi. Chị nhớ như in những hôm đạp xe đi diễn trong trời mưa to, có áo mưa nhưng phải lấy bọc cho đàn, chỉ sợ đàn ướt, còn mình đành dầm mưa về.

Năm 2005, Tuyết Tuyết tốt nghiệp Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình, tới 1 năm sau thi đỗ Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam (Nhạc viện) tại Hà Nội và tiếp tục trải qua 5 năm học đàn nguyệt chuyên sâu. Không thể thường xuyên đạp xe về quê lấy khoai gạo như trước do quãng đường khá xa, Tuyết buộc phải mua đồ ăn bên ngoài. Kinh tế gia đình đã khó khăn lúc này càng khó khăn hơn.

“Những năm tháng ấy ăn đói mặc khát, quần áo không có để mặc, chăn ấm cũng không có để đắp. Ở ký túc xá Nhạc viện mùa đông rất lạnh, nhưng tôi chỉ có một chiếc chăn rất mỏng, khi đi ngủ phải đội mũ, đeo găng tay vẫn không đủ ấm. Tôi cũng có hai tháng đi rửa bát thuê cho nhà hàng, nhưng rửa không có găng tay, nước ăn da tay đau rát, đến lúc về không tập đàn được nữa nên đành từ bỏ” Tuyết Tuyết xúc động nhớ lại.

May mắn, năm 2006, Tuyết được một bác học viên lớn tuổi, là người quen của bố mẹ nhờ dạy hát văn. Mỗi buổi dạy được trả 30 nghìn đồng, một tuần 2 buổi. Mỗi tháng, Tuyết có 240 nghìn đồng từ việc đi dạy để trang trải cuộc sống và chỉ dám chi tiêu trong đúng số tiền đó. Bạn bè ăn một suất cơm 10 nghìn đồng, chị chỉ dám ăn suất 2 nghìn rưỡi mới đủ cho một ngày 3 bữa ăn.

Sau này, có thêm học viên xin học, tiền kiếm được nhiều hơn, chị lại gom góp gửi cả về quê phụ bố mẹ chăm lo cho các em.

Năm 2008, Tuyết Tuyết được đi cùng đoàn Nhạc viện tới Tây Ban Nha lưu diễn tại hội chợ triển lãm văn hóa thế giới trong 3 tháng. Khi kết thúc show diễn đầu tiên trong khuôn khổ hội chợ này, có một khách nước ngoài hỏi mua lại cây đàn nguyệt của Tuyết. Đây chính là cây đàn bố mẹ đã chắt góp để chị đem theo ngày rời quê lên thành phố học nhạc.

“Tôi nói với vị khách rằng hiện mình chỉ có một cây đàn này để diễn. Tôi sẽ ở Tây Ban Nha từ tháng 6 đến hết ngày Quốc khánh Việt Nam là 2/9, sau đó về lại Việt Nam, nếu ông ấy muốn mua lại hãy đến vào ngày 3/9. Thế là đúng sáng 3/9, ông ấy đến mua thật. Suy nghĩ tới hoàn cảnh quá nghèo khó lúc ấy, tôi quyết định bán cây đàn đi. Đến bây giờ, tôi cứ mãi tiếc nuối vì không thể nào tìm lại được một cây đàn hay như thế nữa”, Tuyết Tuyết tâm sự.

Ngoài khó khăn vì điều kiện kinh tế, một khó khăn lớn khác Tuyết Tuyết phải đối mặt là áp lực học tập. Tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đa số học viên được đào tạo bài bản từ nhỏ. Bạn bè cùng lớp Tuyết Tuyết có những người đã học đàn qua 5 năm sơ cấp và 4 năm trung cấp tại Nhạc viện, tổng cộng 9 năm kinh nghiệm. Trong khi đó, Tuyết mới chỉ học 3 năm trung cấp tại Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình.

Các bạn cũng đã học song song 2 lại nhạc cụ từ sớm, nhưng khi nhập học Nhạc viện Tuyết Tuyết mới được tiếp xúc và học thêm nhạc cụ thứ hai là đàn tam thập lục. Chị tự nhủ, bản thân thua kém các bạn rất nhiều nên mỗi giờ học phải tập trung tối đa, toàn tâm toàn ý và cố gắng luyện tập thật nhiều.

Nhờ sự nỗ lực cộng với năng khiếu hát văn tốt từ xưa, Tuyết dần theo kịp các bạn và nổi bật theo cách riêng. Chị trở thành nghệ sĩ chầu văn nổi tiếng, từng giành được nhiều giải thưởng về văn hóa nghệ thuật; thường xuyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đi lưu diễn ở nước ngoài, tới các hội chợ, triển lãm văn hóa để quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam;…

Giải thưởng lớn nhất là sự ghi nhận của nhân dân

Tuyết Tuyết chia sẻ, có lẽ giải thưởng lớn nhất chị nhận được từ khi chọn theo nghiệp hát văn chính là tình cảm, sự ghi nhận từ nhân dân. “Có lúc tôi ra chợ mua đồ, nhiều người nhận ra tôi, hỏi có phải nghệ sỹ Tuyết Tuyết không. Họ nói rất yêu thích các bài diễn chầu văn của tôi và muốn xin chụp ảnh cùng để làm kỷ niệm. Chỉ như vậy thôi cũng thấy vui lắm”, chị mỉm cười kể.

Bên cạnh những buổi biểu diễn, Tuyết Tuyết dành phần lớn thời gian cho việc giảng dạy nghệ thuật chầu văn. Từ những học viên đầu tiên thời còn là sinh viên Nhạc viện, tới nay, nghệ sĩ Tuyết Tuyết đã giảng dạy cho rất nhiều lứa học viên yêu hát văn hoặc muốn theo đuổi con đường trở thành cung văn chuyên nghiệp. Học viên của chị thuộc nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau, trong đó có cả những người khiếm thị, người nước ngoài.

“Tôi luôn dành sự ưu tiên đặc biệt cho học sinh khiếm thị để giúp họ có được cái nghề; ưu tiên dạy các em bé mầm non, tiểu học để thế hệ trẻ gìn giữ nền nếp truyền thống dân tộc; ưu tiên những người ngoại quốc để quảng bá văn hóa Việt Nam và cả những người đã nghỉ hưu để giúp họ có nhiều hơn niềm vui hơn trong cuộc sống”, chị bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Hiền (73 tuổi, quê Bắc Giang) đã theo học một lớp chầu văn của nghệ sỹ Tuyết Tuyết tại Bích Câu Đạo quán (di tích lịch sử văn hóa ở Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) hơn 3 năm nay. Bà Hiền biết đến Tuyết Tuyết lần đầu qua nền tảng Youtube, đôi khi say sưa nghe những video hát văn tới nửa đêm mới chìm vào giấc ngủ. Thế rồi bà quyết tâm lên Hà Nội, tìm bằng được lớp học của nghệ sĩ Tuyết Tuyết xin làm học viên.

Lớp tổ chức mỗi buổi chiều chủ nhật hàng tuần nên cứ đến đúng ngày, bà Hiền lại ăn trưa vội vàng, đạp xe gần 3 cây số tới bến rồi bắt xe khách lên Hà Nội đi học. Tới khoảng 5h chiều, bà lại bắt xe về Bắc Giang, sau đó lấy xe đạp về nhà. Lúc này, trời đã tối, phải dùng đèn pin rọi ở đầu xe mới đủ ánh sáng đi đường.

“Có chút vất vả, nhưng vui lắm. Khi hát chầu văn, tôi thấy lòng mình như được an ủi. Hôm nào nhỡ một buổi học, thấy buồn lắm. Lớp của cô không phân biệt giàu nghèo, người nghèo cũng được tạo điều kiện cho học, đó là điều tôi thấy rất trân quý”, bà Hiền thủ thỉ.

Ngoài bà Hiền, có rất nhiều học viên khác tới từ các tỉnh xa. Nghệ sĩ Tuyết Tuyết nhớ tới một nam học viên lớn tuổi ở Lai Châu. Mỗi buổi học, ông phải nhờ con trai đặt giúp vé chuyến xe giường nằm từ Lai Châu xuống Hà Nội rồi rời nhà từ sáng sớm. Ông học hai ca sáng chiều, tới đêm lại một mình bắt xe về. Hay có nam học viên người dân tộc thiểu số tại Hà Giang, rất yêu hát văn nhưng sức khỏe yếu, không rành đường phố Hà Nội nên người vợ phải đưa đi học, hai vợ chồng thường xuyên đi lại giữa Hà Giang - Hà Nội rất vất vả.

Để giúp nhiều người yêu hát văn được theo học hơn, Nghệ sĩ Tuyết Tuyết đã lập 2 kênh Youtube, thường xuyên đăng tải các bài giảng rất tỉ mỉ. Nhờ đó, rất nhiều người không có điều kiện đến lớp đã có thể tự học hát văn.

“Có một bạn trẻ từng nhắn tin cho tôi rằng: Cô ơi, con chưa bao giờ được học trực tiếp cô nhưng con xin phép gọi cô là cô giáo, bởi con học từ các bài giảng của cô qua Youtube. Rồi bạn gửi bài thực hành, nhờ tôi góp ý. Tôi có một mong ước là ở mỗi tỉnh thành sẽ có những hạt nhân mình đào tạo được, để sau này nếu có điều kiện về các tỉnh này diễn sẽ được thăm các bạn”, Tuyết Tuyết rạng rỡ nói.

Cũng có những học viên tâm sự đã yêu chầu văn nhờ nghe các bài biểu diễn của Tuyết Tuyết, sau đó tìm tới lớp học và lại truyền dạy cho con cái. Với chị, đây là món quà rất giá trị, bởi thể hiện sự nối dài của truyền thống văn hóa.

Trăn trở gìn ngữ bản sắc văn hóa chầu văn

Nghệ sĩ Tuyết Tuyết cho rằng, so với giai đoạn trước đây, chầu văn hiện đã được người dân quan tâm hơn, tuy nhiên vẫn còn không ít ý kiến nhìn nhận văn hóa này là mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, cũng có những quan niệm rằng theo nghiệp cung văn là vất vả, nhiều rào cản hay phải có năng khiếu.

“Thực tế, trong hát văn, năng khiếu chỉ là một phần, chín phần còn lại nằm ở sự tập luyện. Tôi mong giới trẻ quan tâm hơn đến nghệ thuật chầu văn, để nét tín ngưỡng của Việt Nam với âm nhạc rất độc đáo này sẽ được quảng bá nhiều hơn trên thế giới”, Tuyết Tuyết bày tỏ.

Một vấn đề khác khiến chị luôn trăn trở là nghệ thuật chầu văn ngày nay đã bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thị trường. Nhiều cô đồng thích đưa vô số nhạc cụ vào các buổi lễ, thậm chí có cả dàn nhạc hiện đại như trống điện tử, guitar, đàn organ,… và cung văn phải hát trên nền này. Chầu văn từ đó dần mai một đi bản gốc chân chất vốn có, ít thấy những điệu hát mộc như xưa. “Đó là điều tôi rất lo lắng. Cũng mừng là gần đây, một số đền phủ lớn đã ra quy định cấm các cung văn mang thiết bị đàn điện tử vào đền”, chị nói.

Hơn 21 năm gắn bó với nghiệp hát văn, Tuyết Tuyết cho biết sẽ còn dành cả cuộc đời còn lại cho niềm đam mê này.

“Sau này, khi có điều kiện, tôi mong có thể mở được một trung tâm dạy chầu văn, giúp những người không có điều kiện đi học ở trường lớp bài bản được đến học. Đó cũng là cách gìn giữ văn hóa cho tương lai”, Tuyết Tuyết chia sẻ.

Bài: Nguyễn Liên, Ảnh: Quốc Việt

Trình bày: Mai Xuân Tùng

Văn hóa

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X có chủ đề "Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu" - Nguồn: BCP
Văn hóa

Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu

Thông qua Festival Hoa Đà Lạt 2024, Lâm Đồng muốn khẳng định Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc Nhóm 5 thành phố Festival ấn tượng của châu Á.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao thưởng cho các tác giả đoạt mức B. Nguồn: NH
Văn hóa - Thể thao

Trao tặng thưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, xuất bản năm 2023

Tối 19.9, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng.

"Thu qua phố", màu nước trên giấy, 2022, Nguyễn Phương
Văn hóa

Làm giàu cho nghệ thuật và cho Hà Nội

Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính và hiện đại luôn là nguồn cảm hứng nghệ thuật vô tận. Những bức tranh về Hà Nội là câu chuyện, cảm xúc và tình yêu dành cho mảnh đất này.

Tưởng niệm 724 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024
Văn hóa

Tưởng niệm 724 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024

Tối 18.9, trước nghi môn Đền Kiếp Bạc, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương đã tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm 724 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và khai hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.

'Mỏ vàng' của truyện tranh
Văn hóa

'Mỏ vàng' của truyện tranh

Thị trường truyện tranh ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, từ thể loại tới nội dung. Nhiều tác giả không chỉ đầu tư làm cốt truyện, nét vẽ mà còn chú trọng khai thác chất liệu văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc…

Triển lãm tranh lụa "Tằm"
Văn hóa

Triển lãm tranh lụa "Tằm"

"Tằm" là tên gọi triển lãm thứ 2 của Kén Lab, với ý nghĩa là sự nối tiếp cho hành trình học hỏi, phát triển tốt đẹp của nhóm đối với nghệ thuật vẽ tranh lụa truyền thống.

Hà Nội - Những tháng năm...
Văn hóa

Hà Nội - Những tháng năm...

Đêm nhạc "Hà Nội - Những tháng năm..." diễn ra vào 20 giờ ngày 20.9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ đưa khán giả trở về những dấu ấn lịch sử hào hùng và vẻ đẹp lãng mạn của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Cộng hưởng điện ảnh và du lịch
Văn hóa

Cộng hưởng điện ảnh và du lịch

Điện ảnh truyền tải những hình ảnh đẹp về đất nước, con người, cảnh quan; du lịch giúp khách quốc tế trực tiếp trải nghiệm những gì họ đã thấy trên màn ảnh. Kết nối màn ảnh và điểm đến, Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển của hai ngành công nghiệp văn hóa này.

Quảng bá sơn mài Việt Nam tại Pháp
Văn hóa - Thể thao

Quảng bá sơn mài Việt Nam tại Pháp

Tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đang diễn ra Triển lãm Tranh, sản phẩm sơn mài. Hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và các đơn vị tổ chức.

Mang rạp chiếu bóng đến với đồng bào vùng biên
Văn hóa

Mang rạp chiếu bóng đến với đồng bào vùng biên

Đều đặn nhiều đêm hè đã hàng chục năm nay, bà con đồng bào nơi biên giới đều háo hức chờ đợi buổi xem phim cùng cả bản làng, được mang đến bởi đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Văn hoá và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình sau chặng đường dài ngược lên với đại ngàn.