Linh vật rồng trong tưởng tượng của họa sĩ trẻ

- Thứ Sáu, 09/02/2024, 10:52 - Chia sẻ

Qua nét vẽ của các họa sĩ trẻ đem đến nhiều góc nhìn thú vị cho cộng đồng yêu sáng tạo về hình tượng rồng - linh vật của năm Giáp Thìn 2024.

“Super Long” của tác giả Rayzthin lấy cảm hứng từ Super Mario, trò chơi gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ Việt. Tác giả đã khéo léo kết hợp tên game nổi tiếng với hình ảnh con rồng và các nét vẽ truyền thống.

Bức tranh “Gói bánh chưng” của tác giả Tahtag khắc họa hình ảnh một chú rồng đang học làm bánh, chung vui không khí Tết với muôn dân. Hay “Tái sinh” của họa sĩ Phạm Hoa là câu chuyện về niềm yêu thích đặc biệt của một cô bé đối với rồng và tin rằng rồng vẫn tồn tại ở thế giới ngày nay. Tình cờ trong một lần tìm kiếm tài liệu, cô bé vô tình đánh thức một con rồng bị phong ấn hàng nghìn năm trong cuốn sách đó...

Họa sĩ trẻ với cảm thức về linh vật rồng -0
Hình tượng rồng với nhiều góc nhìn thú vị

Theo họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Mai Anh, sinh viên năm 3, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cô thích sáng tạo nhân vật rồng dung dị, tự nhiên, gắn với khoảnh khắc đời thường của người Việt như uống cà phê, ngồi trà đá vỉa hè... tại phố cổ Hà Nội.

“Qua hình tượng rồng, tôi muốn làm bật lên nét đẹp văn hóa uống trà của người Hà Nội mà tôi yêu thích. Đây cũng là điểm thú vị, ấn tượng mà khách du lịch quốc tế muốn dừng chân lâu hơn tại thành phố này”, Mai Anh nói.

Tác phẩm “Thêu rồng” được họa sĩ Phạm Như Quỳnh (nghệ danh Jee Phạm) lấy ý tưởng từ các họa tiết trên trang phục của vua chúa. Ở đó, hình tượng rồng được thêu tinh xảo, nhiều màu sắc rực rỡ bắt mắt.

Jee Phạm cho biết, thêu rồng trên cổ phục Việt đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của người thợ, đồng thời thể hiện giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc. Để hoàn thành tác phẩm này, cô đã mày mò, nghiên cứu cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” của Trần Quang Đức, “Đồ họa cổ Việt Nam” của Phan Cẩm Thượng, tìm kiếm hoa văn cổ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Jee Phạm lựa chọn mẫu rồng thời Lê với móng, đuôi chắc khỏe, cứng cáp kết hợp với mây lửa, thể hiện sức mạnh uy quyền của bậc đế vương…

Xem các sáng tạo hình tượng rồng của họa sĩ trẻ, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, TS. Nguyễn Phước Hải Trung bày tỏ sự ngạc nhiên thích thú, đặc biệt với tác phẩm “Trò chơi Tết” của tác giả Lim (Đà Nẵng). Mượn tứ trò chơi “Bầu cua tôm cá”, tác giả vẽ hình ảnh rồng cũng như những con vật thân thuộc trong trò chơi dân gian này để nói về một không gian xanh, trong lành, vạn vật có thể chung sống; đồng thời gợi nhớ hình ảnh gia đình, bạn bè quây quần bên nhau, tận hưởng những khoảnh khắc ấm áp trong ngày Tết.

Họa sĩ trẻ với cảm thức về linh vật rồng -0
"Hóa long cầu vận" của tác giả Nambas, Hà Nội

“Qua cách nhìn của người trẻ, con rồng trở nên gần gũi hơn, gắn với những ý nghĩa mới hay hóa thân vào các nhân vật trong cuộc sống hàng ngày, cả trong phim hoạt hình, truyền thuyết, trò chơi dân gian...”, TS. Nguyễn Phước Hải Trung nhận xét. 

Điều đặc biệt là các họa sĩ trẻ đã sử dụng kiểu vẽ kỹ thuật số. Lối vẽ này vừa bảo đảm tính nhanh, thể hiện được phong cách, cá tính họa sĩ. Với cách tiếp cận nghệ thuật đương đại của người trẻ, hình ảnh con rồng khác hơn, mới hơn và điều đó tạo ra giá trị mới. Khi giá trị mới hòa trong không gian cổ kính, truyền thống lại càng tôn lên sự đặc biệt này và đây là điều di sản nên hướng tới.

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, “các họa sĩ đã lấy chất liệu trong truyền thống như rồng thời Lý, rồng thời Lê, rồng thời Nguyễn… để thể hiện hình ảnh rồng hôm nay. Những cảm thức về linh vật qua sự sáng tạo của giới trẻ giúp cho các tác phẩm giữ được tính biểu tượng, bên cạnh đó lại có những hình ảnh gần gũi, gắn với các trò chơi dân gian. Hình ảnh con rồng vừa giữ được vẻ đẹp thiêng liêng nhưng cũng gần gũi, mang đến cho người xem những cảm nhận về sức sống mới trong năm mới Giáp Thìn. Tôi nghĩ những giá trị văn hóa đang định hình trong những hoạt động sáng tạo như thế này”.

Họa sĩ trẻ với cảm thức về linh vật rồng -0

Triển lãm “Vẽ con rồng” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, giới thiệu 80 tác phẩm của 75 họa sĩ minh họa trẻ. Các tác phẩm ngoài truyền tải thông điệp tích cực về linh vật năm Giáp Thìn còn đóng góp vào chiến dịch gây quỹ cùng tên được tổ chức thường niên bởi TiredCity và Vietnam Local Artist Group (VLAG), nhằm hỗ trợ  Blue Dragon Children’s Foundation - tổ chức giải cứu, giúp đỡ trẻ đường phố và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên khắp Việt Nam.

Bài và ảnh: Hương Sen
#