Nắm giữ tinh hoa truyền thống
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống, mang giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa lâu đời. Điều này trước hết thể hiện ở sản phẩm của làng nghề, gắn với nguyên liệu sản xuất và mẫu mã kết tinh đặc sắc dân tộc và địa phương. Dưới bàn tay nghệ nhân, từ dấu ấn cảnh quan tự nhiên gắn với không gian di tích văn hóa, lịch sử, đình đền miếu, cây đa, giếng nước… đến những sinh hoạt văn hóa, lễ hội, trò chơi dân gian… đều được thể hiện sinh động trên các sản phẩm. Thông qua quá trình sản xuất thủ công, việc truyền đạt kỹ thuật tạo tác từng sản phẩm, người làm nghề đã truyền bá, duy trì giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam qua các thế hệ.
Như làng nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu, Hải Dương, hình thành và phát triển đến nay đã hơn 500 năm. Làng nghề không chỉ nổi tiếng với kỹ thuật khắc mộc bản tinh xảo mà còn là nơi tạo ra nhiều ván in mộc bản quý giá, đa dạng, từ kinh sách, thơ văn, tranh trang trí, phù, ấn, triện, tranh thập vật... Giờ đây, các nghệ nhân trong làng vẫn cần mẫn truyền thụ cách làm nghề, cùng những câu chuyện, hình ảnh, ý nghĩa văn hóa trong từng ván khắc in.
Làng tranh Đông Hồ, Bắc Ninh, trải qua bao thăng trầm vẫn lưu giữ và truyền đi những hình ảnh, thông điệp về tình yêu, gia đình, ca dao tục ngữ, truyền thống tín ngưỡng dân gian… Hay làng mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội, chỉ là những vật dụng đan lát phục vụ đời sống sinh hoạt cộng đồng nhưng thể hiện sự khéo léo, điệu nghệ của người làm nghề…
Theo thời gian, những sản phẩm làng nghề không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn là biểu tượng của sự tinh tế, văn minh truyền thống nghề Việt. Các nghệ nhân lão luyện bởi vậy được ví như “báu vật sống”, nắm giữ tinh hoa làng nghề, là chỗ dựa vững chắc cho làng nghề tồn tại và phát triển. Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, khác hẳn với sản phẩm làm bằng máy móc đồng loạt, mỗi sản phẩm thủ công in đậm bàn tay tài hoa, sáng tạo, vốn tinh hoa văn hóa truyền thống của nghệ nhân. “Mỗi nghệ nhân, bằng kinh nghiệm, tài hoa, tình cảm, suy nghĩ, sáng tạo có cách kể câu chuyện truyền thống qua mỗi sản phẩm và thổi hồn cho nó”.
Tuy nhiên, theo năm tháng, nghệ nhân ngày càng ít, làng nghề truyền thống đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Nhu cầu tiêu dùng thay đổi, các sản phẩm công nghiệp giá rẻ, tiện lợi thường được ưa chuộng hơn. Sự thiếu nguồn nhân lực trẻ, nhân lực kế thừa nghề, những khó khăn trong tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường… đặt ra bài toán khó cho phát triển làng nghề.
Luồng gió mới cho di sản
Có một thực tế tại đa số làng nghề, ngay cả các làng nghề được coi là biết làm du lịch, mẫu mã, chủng loại sản phẩm thường khá đơn điệu. Nghệ nhân, thợ làm nghề chỉ để ý đến kỹ thuật, sản xuất theo ý thích hoặc rập khuôn theo truyền thống mà chưa chủ động sáng tạo, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng. Nhiều ý kiến cho rằng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách căn cơ, động lực trước hết phải xuất phát từ phía nghệ nhân, người làm nghề, vừa kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, vừa đổi mới, sáng tạo để phát triển và hòa nhập thời đại.
Những năm qua, nhiều nhóm thiết kế, doanh nghiệp sáng tạo như Họa sắc Việt, Hội quán Di sản, Vụn Art, Tired City, Hanoia… đã sử dụng chất liệu truyền thống để tạo tác sản phẩm mới, mở rộng đầu ra cho di sản làng nghề. Thông qua nghiên cứu nhu cầu thị trường, chú trọng yếu tố bản sắc văn hóa, các sản phẩm này dần chinh phục khách hàng, trở thành kênh kết nối giữa khách hàng và làng nghề, đồng thời mang đến bài học về thích ứng phát triển cho chính các nghệ nhân, thợ làm nghề.
Như trường hợp họa sĩ trẻ Nam Chi dành nhiều tâm sức nghiên cứu để cho ra tác phẩm thuộc hai dòng tranh Hàng Trống và Kim Hoàng theo hướng vừa kế thừa những giá trị của dòng tranh dân gian này nhưng vẫn có sự sáng tạo phù hợp với xu thế phát triển. “Ví dụ, tranh Hàng Trống, với xã hội hiện nay, nếu chỉ tồn tại với những mẫu truyền thống thì chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Vì thế cần có sự đổi mới như đưa yếu tố lịch sử, yếu tố bản địa vào tranh và nâng tầm kỹ thuật nghiền vàng, dát vàng để tiếp cận thị trường nhiều hơn”, họa sĩ Nam Chi chia sẻ.
Hay từ chủ trương bảo tồn di sản thông qua vật phẩm đương đại, Hội quán Di sản đã sáng tạo, lồng ghép hình tượng rồng vào bao bì sản phẩm bánh đậu xanh, phát triển dòng tranh thờ, sản phẩm gốm, chạm bạc… có tính đương đại cao. Còn với Tired City, những dự án vẽ lại tranh dân gian đã được tiến hành trong nhiều năm, để nền tảng di sản văn hóa truyền thống, giá trị làng nghề được lan tỏa sinh động trong đời sống thông qua những sản phẩm độc đáo, mang dấu ấn cá nhân, dấu ấn thời đại...
Giám đốc sáng tạo thương hiệu Tired City Nguyễn Việt Nam gọi đó là hành trình kết nối nghề truyền thống với thị trường. Làm tốt việc này không chỉ giúp bảo lưu giá trị văn hóa mà còn có ý nghĩa sống còn đối với làng nghề. Theo đó, yếu tố bền vững trong phát triển làng nghề ngoài phụ thuộc vào tay nghề của nghệ nhân, còn nằm ở truyền thông, mẫu mã, chất lượng, tính ứng dụng của sản phẩm... Quan trọng nhất là đặt khách hàng làm trung tâm trong phát triển, gìn giữ sản phẩm thủ công truyền thống, từ đó quan tâm tới nhu cầu của khách hàng khi tiếp cận một sản phẩm văn hóa.
“Việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống gói gọn trong hai câu chuyện. Câu chuyện của khách hàng muốn tìm hiểu và tiêu thụ sản phẩm văn hóa; và câu chuyện của nghệ nhân muốn sáng tạo, gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Điều tất yếu là phải tìm điểm giao cho hai câu chuyện ấy theo hướng cho khách hàng cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các sản phẩm của nghệ nhân và làm mới câu chuyện của nghệ nhân phục vụ nhu cầu khách hàng”, Nguyễn Việt Nam nói.