Khúc nhạc buồn đầy mỹ cảm

- Thứ Hai, 13/06/2022, 06:03 - Chia sẻ

Phim Blues nơi đảo xanh có những số phận rất buồn, có khi bi đát, có khi khiến cho người xem thắt lòng nhưng không tuyệt vọng mà vẫn tìm ra cách tháo gỡ một cách tự nhiên, rất gần gũi, rất đời.

Lâu nay ấn tượng mà phần lớn phim truyền hình Hàn Quốc đem đến là hình ảnh một đất nước giàu có hào nhoáng cùng những "trai thanh gái lịch" hạnh phúc hớn hở. Đó là những bộ phim thương mại cho nên nặng tính phô trương và quảng cáo. Nhưng có một dòng phim khác, ở đó những nhà làm phim nghệ thuật lại tập trung sự quan tâm vào cuộc sống và tâm trạng của những con người rất mực bình thường. Cho nên những bộ phim như Blues nơi đảo xanh là rất cần thiết, sự bình dị chân thực giúp xua bớt ảo ảnh xa hoa mà nhiều phim truyền hình Hàn Quốc đã tạo ra. Cũng là lập lại cân bằng để cảm nhận đúng đắn hơn về xã hội và con người Hàn Quốc. Soi vào đây để thấy gần gũi hơn với cuộc sống ở một đất nước đã được đóng đinh hình ảnh giàu sang và tràn ngập niềm vui.

Bối cảnh là đảo Jeju, nơi chỉ được nghĩ đến như một điểm du lịch hấp dẫn của Hàn Quốc. Nhưng phim đã tránh cách thể hiện của sản phẩm quảng bá du lịch. Câu chuyện diễn ra xung quanh cảng cá, chợ cá, khu nhà dân. Quay phim tạo hình rất gợi, vừa đẹp nên thơ vừa chân thực như đời sống hàng ngày. Xem mà không khỏi liên tưởng, những hải đảo như Cát Bà, Phú Quốc hoàn toàn có thể lên phim vừa mơ màng vừa hiện thực như thế. Nhưng dù sao ta vẫn thiếu những tay máy thật sự tài năng và biết rung cảm.

Kịch bản khai thác tận cùng tâm lý của các nhân vật. Những số phận rất buồn, có khi bi đát, có khi khiến cho người xem thắt lòng nhưng không tuyệt vọng mà vẫn tìm ra cách tháo gỡ một cách tự nhiên, rất gần gũi, rất đời.

Anh bán hàng rong và thiếu phụ đang tranh quyền nuôi con
Anh bán hàng rong và thiếu phụ đang tranh quyền nuôi con

Xin dẫn ra vài phận đời trong phim:

Hai người là bạn học cũ ở đảo Jeju. Người đàn ông bây giờ làm việc ở một ngân hàng thủ đô. Người đàn bà bán hàng ở chợ. Gặp lại nhau đều ở tuổi trung niên cả, người đàn bà nhắc chuyện thời học sinh đã chủ động hôn chàng và tấn công nhưng không được chàng đáp lại. Cô không thể học tiếp lên vì phải thay cha mẹ nuôi bốn đứa em, phải từ chối lấy chồng vì thấy người bạn cầu hôn cô cũng phải nuôi cha mẹ già. Giờ đã trung niên, không chồng con, cô tiếc cho cuộc đời mình chỉ lo kiếm tiền và tính toán so đo nên đã bỏ mất nhiều cơ hội. Còn người đàn ông thì đang bị vợ ở bên Mỹ thúc ép phải cung cấp một khoản tiền to để cho con gái học tiếp. Cực kỳ bế tắc, anh có ý định vay tiền của cô bạn cũ…

Hai ông bán hàng ở chợ cũng từng là bạn học, vì mâu thuẫn thời thanh niên mà bây giờ quyết không nhìn mặt nhau. Oái oăm, hai đứa con của họ đang là học sinh đột ngột biến họ thành thông gia. Xung đột, xô xát, nhưng rồi phải cùng nhau giải quyết theo hướng tự nhiên nhất.

Một anh chàng bán hàng rong, lái xe hàng đi rao khắp đảo. Số phận đưa anh đến với một thiếu phụ đang tranh chấp quyền nuôi con với chồng cũ. Anh chàng bán hàng rong có mối hận với bà mẹ, sau khi chồng chết đã đi bước nữa và ngược đãi con mình. Anh quyết từ bỏ bà mẹ, cho đến khi biết bà bị ung thư và đang sống những ngày cuối cùng. Anh phải xử sự thế nào đây?

Cô gái có người chị sinh đôi bị bệnh đao và phải chăm sóc chị vì cha mẹ đều đã mất. Cô giấu biệt hoàn cảnh riêng, ra đảo Jeju làm thợ lặn để lo cho mình và cho người chị. Cũng vì mặc cảm có người chị tàn tật mà cô từ chối tình yêu của chàng thuyền trưởng trẻ hơn mình mấy tuổi.

Đạo diễn Kim Kyu-tae (từng làm phim Iris, Gió mùa đông năm ấy, Chỉ có thể là yêu) xử lý bài bản một kịch bản đa cốt truyện như Blues nơi đảo xanh. Những số phận đan dệt xiên chéo vào nhau được bàn tay đạo diễn tập hợp lại rồi khéo léo tách riêng ra. Nhờ vậy trong đám đông nhân vật, những phận đời cá thể vẫn được tách bạch, vẫn bật lên và gây ấn tượng mạnh.

Trong phim, ngay cả những diễn viên hàng đầu đều vào những vai bình dị như cô bán cá, anh bán hàng rong, bà già thợ lặn… chân thực đến mức người ta quên mất đấy là diễn viên mà tưởng như những con người có thật giữa cuộc đời. Một nghệ sĩ như Lee Byung-hun (phim Khu vực an ninh chung, Iris, Trò chơi con mực) từng đóng phim cho Hollywood mà chịu vào vai anh chàng bán hàng rong, nhảy tưng tưng trên sạp hàng và cất tiếng rao ra rả khắp nơi. Hoặc nữ diễn viên Lee Jung-eun đã gây ấn tượng với vai bà giúp việc ma mị trong phim Ký sinh trùng, trong phim này rất nhập vai người đàn bà trung niên không chồng con, chỉ biết lấy công việc làm vui, mạnh mẽ xốc vác trong mọi mối quan hệ nhưng có những giờ phút rất yếu đuối.

Trong những bộ phim nhiều tập của Hàn Quốc hay có những cụm nhân vật gây hài, để giải trí và nhiều khi để câu giờ theo chủ ý của những đạo diễn dễ dãi. Những nhóm nhân vật này có khi làm loãng câu chuyện, thậm chí làm hư hại đến nhịp độ của tác phẩm. Nhưng ở Blues nơi đảo xanh, các nhóm nhân vật gây hài vừa đủ độ, vừa đủ vui vẻ mà vẫn được đạo diễn tiết chế ở mức không gây lố lăng nhàm chán: đó là mấy bà già thợ lặn, mấy bà bán hàng ở chợ, và cánh đàn ông là thuyền trưởng, thợ làm cá, người bán đá ướp lạnh… Họ tham gia vào đường dây câu chuyện một cách tự nhiên, hóm hỉnh, dù cuộc đời ai ít nhiều cũng có bi kịch.

Blues là khúc nhạc buồn. Quả thật trong phim có mười bốn nhân vật ở trung tâm thì tất cả đều buồn. Có khi man mác, có khi buồn ngẩn ngơ, nhưng khúc nhạc buồn nơi đảo xanh không quá bi lụy mà luôn tràn đầy mỹ cảm và tự tìm ra phương cách để xoa dịu. Nếu như bộ phim chỉ ở mức phản ánh nỗi buồn thì người xem có thể bị đắm chìm vào nỗi buồn ấy mà chết theo nhân vật. Nhưng phim đã đạt tới độ làm toát lên vẻ đẹp của cái bi khiến người xem bị hút vào mà không thể dứt ra được.

Hồ Anh Thái