Hollywood và công nghệ truyền thông

- Thứ Ba, 21/03/2023, 07:02 - Chia sẻ

Điện ảnh Mỹ được đặt trong môi trường phát triển toàn diện của mỹ thuật và công nghệ nghe - nhìn thời đại. Hollywood là nơi hội tụ và phát triển những tài năng của cả thế giới từ biên kịch đến âm nhạc, từ hội họa đến nhiếp ảnh và quay phim, từ đạo diễn đến diễn viên...  

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, điện ảnh Mỹ được xác định là một mũi nhọn văn hóa và kinh tế, là phương tiện hữu hiệu nhất chuyển tải những giá trị của nền văn hóa đại chúng Mỹ bởi lợi thế tuyệt đối của nghệ thuật thứ 7: tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất với một đội ngũ đông đảo quần chúng Nhân dân khắp thế giới. Hollywood với cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện đại được Chính phủ Mỹ tạo mọi điều kiện phát triển, cạnh tranh và đè bẹp các đối thủ.

Toàn bộ thị trường nội địa do phim Mỹ thống trị và nó còn vươn xa khắp thế giới. Hơn một nửa tổng thu nhập của các công ty điện ảnh Mỹ là từ nước ngoài. Không có ngành công nghiệp nào của Mỹ có doanh thu từ nước ngoài lớn như điện ảnh. Phim Mỹ có mặt ở hầu hết rạp chiếu trên thế giới. Gần như tất cả đài truyền hình của các nước trên thế giới đều chiếu phim Mỹ. Phim Mỹ được chiếu liên tục ở rất nhiều kênh, như HBO, Cinemax, Star Movies...

Những năm cuối thế kỷ XX, phim Mỹ chiếm 50% thời lượng ở các rạp. Sau năm 1989 và nhất là khi Chiến tranh lạnh kết thúc, phim Mỹ xâm nhập mạnh mẽ vào Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Phim Mỹ còn chiếm lĩnh hầu như toàn bộ màn ảnh ở các nước châu Phi, Mỹ Latin. Các nước chậm phát triển đang trong tình trạng xáo trộn và kinh tế nghèo không có phương tiện công nghệ... không có điều kiện và kinh phí để sản xuất phim, nên chỉ còn cách nhập khẩu và chiếu phim Mỹ.

Phim Mỹ hay ở nội dung, kỹ thuật và công nghệ siêu đẳng (nói chung là thế), lại nhiều và rẻ, được quảng cáo tốt. Phim Mỹ là thứ hàng hóa nhập khẩu dễ dàng nên tràn ngập thế giới. Trên phương diện kinh tế và đầu tư cho sản xuất thì phim Mỹ có giá thành rẻ nhất bởi công nghệ, dây chuyền sản xuất, quản lý và hệ thống quảng cáo siêu đẳng.  

Công nghiệp điện ảnh Mỹ là nền công nghiệp non trẻ nhưng mang về cho Mỹ lợi nhuận khổng lồ (xét riêng về kinh tế), là phương thức truyền bá giá trị Mỹ lớn nhất (xét về văn hóa). Điện ảnh Mỹ với quyền năng kinh tế của mình có thể chi phối các nước khác từ kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội hơn bất cứ một công ty đa quốc gia nào khác.

Ngành công nghiệp điện ảnh là mũi nhọn của văn hóa Mỹ, chịu sự vận hành của nền kinh tế tư bản với những quy luật riêng. Phim Mỹ được dàn dựng tại Hollywood đa dạng về chủ đề, phong phú về thể loại (phim truyện, phim thần thoại, phim tài liệu, phim chân dung, phim viễn tưởng, phim hoạt hình...), được sự hỗ trợ tối đa của máy tính, âm nhạc, ánh sáng và trường quay hiện đại với đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Trên hết là những nhà biên kịch tài ba cùng đội ngũ đạo diễn, diễn viên tài năng, giỏi nghề, đầy sáng tạo.  

Người Mỹ xác định rất rõ phim ảnh là hàng hóa. Sản xuất phim phải có chất lượng, nhanh, nhiều và rẻ, phải quảng cáo rầm rộ để bán hàng. Mỹ cũng xác định rõ, phim ảnh là thứ hàng hóa đặc biệt, còn có sứ mệnh là mũi nhọn trong chiến lược Mỹ hóa toàn cầu. Do đó, hàng năm Hollywood đổ tiền vào sản xuất nhiều bộ phim siêu đẳng như: King Kong, Titanic, Người nhện, Người dơi, Apollo 13, Forrest Gump, Nhảy với bầy sói, Sự im lặng của đàn cừu, Shakespeare đang yêu, Trung đội, Hoàng đế cuối cùng, Sinh ngày 4 tháng 7, Không thể tha thứ, Giải cứu binh nhì Ryan, Hồi ức của một Geisha, Nơi chốn khổ đau, Cướp biển Caribe, Bóng ma, Vua Sư tử....

Những bộ phim hạng A này chỉ trong một thời gian ngắn Hollywood đã thu đủ tiền bán vé và có lãi lớn. Vì vậy, Hollywood cũng không ngần ngại, thậm chí có chủ trương dựng những bộ phim hạng B với chi phí đầu tư thấp, lại đưa vào tư tưởng của Mỹ, tuyên truyền lối sống và giá trị Mỹ để khi xuất khẩu ra thế giới “bán kèm” với những bộ phim hạng A. Cách “bán cả mớ” thế này, tức là “hạ giá”, “khuyến mãi”, là một chiêu thức kinh doanh. Nước Mỹ có 6 hãng phim lớn chia nhau không chế thị trường điện ảnh thế giới, cho phép khấu hao cho các phim hạng A bằng chế độ "Blockbooking" (đặt hàng cả mớ). Khi đối tác mua những bộ phim được giải Oscar thường thu hút khán giả đông, bán được nhiều vé thì họ bắt mua kèm những bộ phim hạng B.

Cũng phải nói rằng các công ty truyền thông, internet góp phần to lớn cho những thành tựu điện ảnh Mỹ nhất là từ cuối thế kỷ XX đến nay. Công nghệ quảng cáo phim Mỹ, ngoài sách, báo, tạp chí mà văn hóa truyền thống Mỹ rất thành công, ngày nay truyền hình, điện thoại thông minh và wifi đang rất hiệu quả trong việc quảng bá phim Mỹ. Những phim loại B của Mỹ được chiếu trên tất cả các kênh truyền hình của Mỹ, cũng thu hút hàng triệu người xem. Phim nhiều tập của Mỹ được chiếu liên tục và nhiều khi miễn phí cho các đài truyền hình nhiều nước hoặc thu giá rẻ.

Truyền hình gắn bó rất chặt chẽ với điện ảnh, nhất là từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, khi nó phát triển nhanh chóng và phủ sóng khắp thế giới nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhờ vệ tinh liên lục địa. Truyền hình đã tác động lớn đến nghe - nhìn bằng tuyên truyền và quảng cáo, mang sản phẩm và hình ảnh của Hollywood đến tận hang cùng ngõ hẻm của thế giới.   

Năm 1965, Mỹ phóng vệ tinh Farly Bird lên không trung, từ đó cả thế giới đều thu được các chương trình truyền thông của Mỹ, xem phim Mỹ. Sau đó là vệ tinh liên lục địa và chương trình viễn thông quốc tế intelsat. Ngay từ năm 1984 đã có 108 nước tham gia, là điều kiện thuận lợi cho điện ảnh Mỹ thống trị thế giới.

Lê Đình Cúc