Đưa sản phẩm thủ công trở lại theo cách khác
“Năm 2009 tôi biết tới giấy dó, nhưng thực trạng lúc ấy khá hẩm hiu. Chính điều đó thôi thúc tôi tìm con đường đưa giấy dó trở lại với cuộc sống, đưa giấy dó đến với thế giới, qua đó gìn giữ được nghề truyền thống của dân tộc đã tồn tại hơn 700 năm và rất ít nghề như thế tồn tại đến hôm nay” - chị Trần Hồng Nhung, sáng lập và điều hành Zó Project (doanh nghiệp xã hội Zó) chia sẻ.
Giấy dó Việt Nam nổi tiếng về sự mềm dai, không kém gì giấy washi của Nhật và giấy hanji của Hàn Quốc. Dự án Zó hướng tới bảo tồn, hỗ trợ và mở rộng nghề làm giấy truyền thống Việt Nam cũng như kỹ thuật làm giấy truyền thống một cách bền vững và sáng tạo. Ngoài làm việc với nghệ nhân làng giấy để cải tiến kỹ thuật làm giấy cổ, Zó cũng hợp tác chặt chẽ với các nhà thiết kế và nghệ sĩ để tạo ra các sản phẩm giấy thủ công mới phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện đại, hướng tới nâng cao giá trị của giấy thủ công Việt Nam. Thay vì chỉ dùng giấy dó để vẽ tranh hay viết thư pháp như trước, giấy dó trở lại với đời sống trong những sản phẩm hiện đại, mang đến giá trị thực tiễn như sổ, lịch, thiệp, quạt giấy với tranh đậm chất truyền thống, hoặc vòng tay, vòng cổ, khuyên tai giấy…
Zó cũng tổ chức workshop làm giấy và tour về với cộng đồng. Đây là hình thức truyền thông tạo ấn tượng mạnh mẽ, qua đó mọi người có thể hiểu cách làm giấy, tự tay làm giấy dó sẽ thấy tri thức, di sản quý của cha ông…
Trong khi đó, chuyên về dệt vải và ứng dụng vải dệt lên các sản phẩm hiện đại,anh Huỳnh Minh Thông, sáng lập và quản lý Thong Bahnar Weaving Culture cho biết: “Chúng tôi dùng nguyên liệu là sợi bông vải tự nhiên, sử dụng giống bông bản địa, bông hạt lớn, chịu được khí hậu thổ nhưỡng Tây Nguyên. Bông được trồng bên sườn đồi, việc hái bông, bật bông, se sợi, dệt sợi… hoàn toàn thủ công và tự nhiên”.
Nhiều năm làm việc theo phương thức dệt cổ với đồng bào các dân tộc, đặc biệt là người Bahnar ở KonTum, anh Huỳnh Minh Thông cũng đã cải tiến, hoàn thiện khung dệt "Inkle Loom" phù hợp với phương thức dệt và bắt hoa văn của cả 3 dân tộc Bahnar, J'Rai và Ê Đê, để việc dệt vải thủ công bớt khó khăn, hoa văn dệt thành phẩm tỉ mỉ, sắc nét hơn. Đặc biệt, khung dệt này cho phép người dệt chọn kích thước, hoa văn tấm vải phù hợp với sản phẩm cụ thể như túi xách, trang phục, đồ nội thất… Chẳng hạn, khi làm sản phẩm dây đeo bảng tên, nghệ nhân sẽ dệt vải với kích thước 1cm, chỉ cần dệt và ráp là xong sản phẩm, tiết kiệm công sức tối đa do không phải cắt, may, không lãng phí vải thừa…
Anh Huỳnh Minh Thông cho biết, nhóm nghệ nhân Bahnar ở Kon Tum còn có hoa văn độc đáo là hình người, với cách dệt phức tạp và ít người còn có khả năng dệt được. Anh đã cùng nghệ nhân phát triển sản phẩm dệt độc đáo, sắp xếp hình ảnh thành câu chuyện cổ dân gian trên tấm vải.
Không dừng lại ở việc chỉ bán sản phẩm thổ cẩm, mong muốn truyền tải câu chuyện văn hóa và linh hồn của nghề truyền thống dệt thổ cẩm, Thong Bahnar Weaving Culture cũng có các chương trình trải nghiệm, workshop dệt và cùng nghe kể truyện cổ dân gian Bahnar trên vải dệt… tổ chức ở nhiều nơi như Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh…
Cần được hỗ trợ để tiến xa
Với sự sáng tạo của những người trẻ, tận dụng kinh nghiệm truyền thống, nhưng không lệ thuộc vào truyền thống, phát triển các thiết kế và sản phẩm hữu dụng cho đời sống đương đại, đã làm hồi sinh nhiều nghề thủ công truyền thống như gốm, mây tre đan, dệt lụa, thêu, sơn mài… Những đổi mới trong kỹ thuật sản xuất và thiết kế đã giúp tạo ra những sản phẩm thủ công độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của các ngành nghề thủ công truyền thống. Sự sáng tạo này còn góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước đến mua sản phẩm và trải nghiệm văn hóa địa phương thông qua làng nghề.
Theo nhiều chuyên gia, nghề thủ công truyền thống là một phần quan trọng trong di sản văn hóa Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng duy trì và phát triển lĩnh vực này, bởi nó không chỉ góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm mà còn thể hiện và lan tỏa mạnh mẽ bản sắc văn hóa, tinh hoa nghệ thuật dân tộc.
Tuy nhiên, những người sáng tạo trong các ngành nghề thủ công cũng gặp không ít thách thức. Đó là sự mai một về tri thức nghề và nguồn nhiên liệu; thiếu hụt nhân lực do giới trẻ ngày nay ít quan tâm tới nghề thủ công bởi thu nhập thấp và môi trường làm việc vất vả. Chính sách hỗ trợ các ngành nghề thủ công còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thủ công hạn hẹp, chủ yếu hướng tới du khách nước ngoài. Sản phẩm thủ công khó cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng…
Bởi vậy, bên cạnh những nỗ lực nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu… cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, các làng nghề và nghệ nhân để thúc đẩy sự sáng tạo, viết tiếp những trang mới đầy khởi sắc cho ngành nghề thủ công của Việt Nam.