Trong văn hóa Việt Nam, rồng là linh vật biểu trưng cho quyền lực, sự may mắn và thịnh vượng. Trong tâm thức người Việt Nam, rồng còn là cội nguồn của dân tộc, gắn với truyền thuyết Con rồng, cháu Tiên. Trải qua các thời kỳ lịch sử, hình tượng rồng tuy có sự tiếp biến, thay đổi một số đặc điểm nhưng vẫn được xem là biểu tượng văn hóa, được sử dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội, từ trang trí kiến trúc cung đình đến kiến trúc dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày...
Trưng bày giới thiệu đến công chúng hơn 190 hiện vật quý của Bảo tàng tỉnh An Giang và một số cá nhân, nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh. Các hiện vật có hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, được sử dụng trong nghệ thuật trang trí cũng như sinh hoạt hàng ngày với những tạo tác, trang trí vô cùng sinh động, tỉ mỉ của các nghệ nhân trên nhiều chất liệu như: gốm, gỗ, ngà voi, trang sức...
Các hiện vật trưng bày có giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ và quý hiếm phản ánh đời sống văn hóa xã hội của cư dân vùng đất Nam bộ được gìn giữ cẩn thận đến hôm nay.
Trưng bày chuyên đề Hình tượng rồng trong nghệ thuật trang trí truyền thống Việt Nam nhằm truyền tải những lời chúc ý nghĩa tốt lành đến công chúng nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, với mong ước năm mới hội tụ nhiều điều may mắn, tốt lành, khát vọng vươn lên của quê hương, đất nước.
Dịp này, 20 nhà sưu tập đã hiến tặng 83 hiện vật và 1 nhóm hiện vật cho Bảo tàng tỉnh An Giang, qua đó làm đa dạng và phong phú thêm các hiện vật của Bảo tàng phục vụ nhu cầu nghiên cứu, trưng bày, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Trưng bày diễn ra đến 24.4.2024.