Giữ nét đẹp mừng tuổi đầu xuân

Theo các nhà nghiên cứu, lì xì ngày Tết xuất phát từ tầng lớp buôn bán. Sau một năm buôn may bán đắt, nhà buôn dành ra một phần lợi nhuận để biếu người già và cho trẻ nhỏ vào đầu năm mới.

Tục mừng tuổi đã trở thành nét văn hóa của người Việt từ xa xưa. Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính viết: “Cúng gia tiên xong thì con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu, mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi. Khách tới chơi chúc Tết cũng được chủ nhà mừng tuổi hoặc ngược lại”.

Giữ nét đẹp mừng tuổi đầu xuân -0
Mừng tuổi đầu năm mới là phong tục đẹp, thể hiện sự yêu trẻ, kính già và ước mong một năm mới. Ảnh: TCCT

Theo nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Bùi Xuân Đính, lì xì ngày Tết thực chất xuất phát từ tầng lớp buôn bán. Sau một năm buôn may bán đắt, nhà buôn dành ra một phần lợi nhuận để biếu người già và cho trẻ nhỏ vào đầu năm mới. Bởi vậy, tiền mừng tuổi còn gọi là tiền "mở hàng", "phát vốn"…

Ở các vùng nông thôn xưa thường không có tục mừng tuổi, vì rất ít nhà buôn. Người lớn đến chúc Tết nhà ai, sau lời chúc gia chủ, thường xoa đầu đứa trẻ, chúc cho chúng năm mới hay ăn chóng lớn, học hành tiến bộ. Sau này, đời sống dân cư khá giả nên tục mừng tuổi mở rộng đến hầu hết gia đình, không chỉ trong nhà buôn.

Thông thường, tiền mừng tuổi được đặt vào chiếc phong bao nhỏ màu đỏ, là tiền mới. Số tiền không đặt nặng giá trị mà chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng cho hy vọng, may mắn, cát tường và thịnh vượng suốt cả năm. Cả người nhận và trao lì xì đều trao nhau sự vui vẻ ngày đầu năm mới, để trẻ em hay ăn chóng lớn, học giỏi, người già được mừng thọ, sức khỏe dồi dào.

PGS.TS Bùi Xuân Đính nhớ lại, thời xưa mừng tuổi hầu như chỉ có đồng 5 xu hoặc 1 hào, là đồng tiền có mệnh giá rất nhỏ chứ không phải tiền trăm, tiền triệu như bây giờ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, tiền mừng tuổi trong nhiều trường hợp cũng không đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mà mừng tuổi đầu xuân còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân sâu xa.

Thực tế hiện nay còn có mừng tuổi bằng mã QR. PGS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng, đứng trước hiện tượng này khó có thể đánh giá là tiêu cực hay tích cực. Tuy nhiên, sự tiện lợi thấy ngay được là người mừng tuổi không cần chuẩn bị tiền mới, phong bao, cũng không cần đến tận nhà mà vẫn mừng tuổi được cho người già, con trẻ.

Mặc dù tiện lợi nhưng với cách làm như vậy nét đẹp ngày xuân chưa hẳn trọn vẹn. Bởi lẽ, cùng với việc mừng tuổi, trao bao lì xì, người ta còn gửi gắm lời nhắn nhủ, động viên con cháu, chúc tụng người già… là những điều mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Chưa kể, việc mừng tuổi qua tài khoản cá nhân cũng khó tránh khỏi bị lợi dụng, trở thành nơi để trao đổi, buôn danh, lợi.

"Mừng tuổi đầu năm mới là phong tục đẹp, thể hiện sự yêu trẻ, kính già và ước mong một năm mới. Giữ tục mừng tuổi cũng là giữ nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, cần cởi bỏ những đắn đo nặng nhẹ về vật chất mà chú ý đến tính biểu trưng của tục mừng tuổi, để người tặng và người nhận đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ trong năm mới", PGS.TS Bùi Xuân Đính nói. 

Ý kiến bạn đọc

Văn hóa

Họa sĩ trẻ kể chuyện con giáp
Văn hóa - Thể thao

Họa sĩ trẻ kể chuyện con giáp

Triển lãm "12 con giáp" của họa sĩ Đặng Việt Linh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đầu tháng 1.2025 thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật. Bộ tranh được thực hiện từ năm Quý Tỵ 2013 đến năm Ất Tỵ 2025, mang đến góc nhìn mới mẻ về hình tượng con giáp trong văn hóa Á Đông.

Họa sắc xưa, tinh thần nay
Văn hóa - Thể thao

Họa sắc xưa, tinh thần nay

Không chỉ là di sản, lưu giữ ký ức ngàn đời, tranh dân gian vẫn đang viết tiếp câu chuyện của mình khi trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong cuộc sống hiện đại.