Gìn giữ báu vật của thời gian

- Thứ Sáu, 16/09/2022, 06:18 - Chia sẻ

Những câu chuyện về chiến sĩ cộng sản trung kiên Trần Hữu Dực, quá trình sáng tác mẫu Quốc huy, hay thời điểm ra đời "Tiến quân ca"... như làm dày thêm khối tư liệu đang được bảo quản, gìn giữ và quảng bá tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Gìn giữ báu vật của thời gian -0
Nhiều câu chuyện xúc động được kể trong hội thảo “Ký ức của bạn - Lịch sử của chúng ta”. Ảnh: HS

Tại hội thảo “Ký ức của bạn - Lịch sử của chúng ta” sáng 15.9, nhiều câu chuyện chân thực và xúc động đã được kể. Như  câu chuyện về chiến sĩ cộng sản trung kiên, nguyên Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực qua lời kể của con trai ông, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng. Hay chuyện nhạc sĩ Doãn Nho trao gửi toàn bộ bản thảo các tác phẩm, tài liệu, tư liệu trong cuộc đời sáng tác của mình như: "Tháng Tám lịch sử", "Chiến thắng", "Tiến bước dưới quân kỳ", "Chiếc khăn Piêu", "Người con gái sông La", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng"... đan xen những câu hát mộc mạc của ông.  

Đặc biệt ấn tượng là câu chuyện về người vẽ tem thư và vẽ giấy bạc đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương, tác giả mẫu Quốc huy Việt Nam, họa sĩ Bùi Trang Chước, qua lời kể của bà Nguyễn Thị Minh Thủy - con gái cố họa sĩ. Bà Thủy cho biết, cha bà vốn tính kỹ lưỡng nên hầu hết bản gốc các mẫu phác thảo Quốc huy, mẫu huân huy chương, mẫu tem thư, mẫu tiền, mẫu biểu trưng… đều được ông cất giữ cẩn thận, kể cả trong những năm kháng chiến. Khối tài liệu hàng nghìn mẫu này đã được gia đình trao tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III vào năm 2003 như để lan tỏa hành trình sáng tạo không mệt mỏi của họa sĩ Bùi Trang Chước. “Nguyện vọng và mong muốn của gia đình chúng tôi là khối tài liệu về họa sĩ Bùi Trang Chước đang được bảo quản tại Trung tâm sẽ được gìn giữ mãi mãi và luôn phát huy những giá trị tốt đẹp theo thời gian", bà Thủy chia sẻ.

Khối tài liệu về cố họa sĩ Bùi Trang Chước đang được bảo quản và phát huy giá trị. Đặc biệt, bộ mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III kịp thời lập hồ sơ gửi tới các cơ quan chức năng và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với gia đình cố họa sĩ.

Chung niềm tự hào đó, họa sĩ Văn Thao, con trai của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng vô cùng xúc động khi kể lại quá trình ra đời bài "Tiến quân ca", về bản chép tay ca khúc này từng được chính nhạc sĩ Văn Cao trân trọng gửi tới Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Họa sĩ Văn Thao kể, bài “Tiến quân ca” được cha ông sáng tác vào đầu tháng 10.1944, với suy nghĩ cần phải lựa chọn những câu từ có tính phổ cập để có một hành khúc dễ hát, như là tiếng kèn xung trận của đội quân cách mạng. Vì thế, cuối năm 1944, bài hát được hoàn thành, với những lời ca hào hùng: Đoàn quân Việt Minh đi, sao vàng phấp phới, dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than… Thề phanh thây uống máu quân thù, và cao trào cuối bài hát như một lời hiệu triệu Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền… “Bài hát ra đời tại căn gác hẹp số 45 Nguyễn Thượng Hiền, bên tiếng xe bò chở xác người đi về Khâm Thiên trong nạn đói phát xít Nhật gây nên năm đó. Có thể sau này nhiều người thắc mắc lời bài hát sao dữ dội đến thế, song thật dễ hiểu trước sự dã man của kẻ thù thì lòng căm hờn và tinh thần quyết tâm của nhân dân ta là điều hiển nhiên”, họa sĩ Văn Thao nói.

Cũng theo lời kể của thân nhân nhạc sĩ Văn Cao, tháng 11.1944, bản chép tay bài “Tiến quân ca” đã được in trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc lập. Đến ngày 2.9.1945, trong lễ Tuyên ngôn Độc lập, hàng chục nghìn giọng hát đã cất lên bài “Tiến quân ca”. Sau này, Quốc hội khóa I - năm 1946 quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Họa sĩ Văn Thao cho biết thêm: “Năm 1959, nhạc sĩ Văn Cao đã sửa lại lời bài hát như hiện nay. Có điều, chỉ khi nhạc sĩ Văn Cao mang gửi tặng các tư liệu thì gia đình mới biết trong đó có cả bút phê của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lựa chọn từ ngữ cho Quốc ca. Ngày 15.7.2016, thể theo nguyện vọng của cha tôi lúc sinh thời và ý nguyện của gia đình, ca khúc “Tiến quân ca” - Quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức được hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam, trở thành tài sản - báu vật chung của dân tộc”...

Hương Sen