Đường Sách

- Thứ Năm, 26/01/2023, 06:19 - Chia sẻ

Năm năm qua, ở đây tôi đã có những ngày giáp Tết thật vui bên bạn bè trên con đường này. Đã cùng bạn đưa hai nhà văn Nhật Tiến và Đỗ Phương Khanh đi dạo, xem sách trong ánh nắng tháng Giêng chỉ vài năm trước khi ông bà khuất núi...

Hơn ba mươi năm trước, đường Nguyễn Hậu bên hông Bưu điện thành phố có quầy nhận bưu phẩm phát nhanh. Hằng tuần, tôi đến đó nhận đồ gửi từ Hà Nội vào, là một valy kẽm chứa những xấp giấy can để in báo, mà người trong cơ quan gọi là “hòm kẽm”. Con đường Nguyễn Hậu đó, sau này mang tên đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, luôn ẩm ướt vào mùa mưa vì những tán lá cây bên lề đường đọng nhiều nước, thả xuống mặt đường. Mùa khô, đi xuyên đường này từ Bưu điện thành phố để qua phía đường Hai Bà Trưng, thấy có nhiều xe hơi đậu la liệt. Con đường như bị bỏ quên, dù nằm ngay trung tâm thành phố. Trên xe máy của tôi, cái va ly kẽm nảy kêu lục cục vì mặt đường bị tróc nhựa nhiều chỗ, để lâu không tu sửa.

Tranh: Hoạ sĩ Phạm Công Tâm

Khi con đường vắng vẻ này biến thành Đường Sách thành phố, tôi thầm phục những người khởi xướng đã có mắt xanh chọn đúng nơi chốn với vị trí trung tâm và sự biệt lập của nó. Nó đã lột xác để trở thành một con đường có sức quyến rũ với hai di sản kiến trúc đặc biệt bên cạnh, dù đôi lúc quá đông đúc và sôi động (điều gì có sức quyến rũ thì tất nhiên nhiều người tìm đến). Nếu đến sớm, khoảng 8 giờ sáng, đường còn vắng người đi dạo, chỉ có vài người nhàn tản ngồi uống cà phê ở hai quán đầu và cuối đường. Ban mai Sài Gòn xanh mát, nhìn góc nào trên con đường cũng đẹp với hàng sách có cửa kính, kệ sách, giỏ hoa lá và bảng trang trí. Thỉnh thoảng có những đợt gió nổi thả lá li ti xuống trông như mưa bụi. Buổi trưa nghe tiếng còi hụ vọng tới từ phía bưu điện và buổi chiều có tiếng chuông nhà thờ.

Có lần trong quán cà phê ở đây, tôi ngồi giữa nhóm những người Sài Gòn cao tuổi sống ở nước ngoài về chơi. Họ nhắc chuyện góc đường Lê Lợi hồi trước 1975 có dãy sạp bán sách  cũ, chuyện họa sĩ Ngy Cao Uyên mang tranh vào sân bay để đổi những thanh gỗ mang về xây trụ sở Hội Họa sĩ Trẻ hồi năm 1966 trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). Một anh nhắc chuyện phòng trà Anh Vũ, nghe nói là phòng trà đầu tiên ở Sài Gòn, nhưng các anh chỉ có thể đến đó ăn cơm giá rẻ dành cho học sinh sinh viên vào ban ngày, thèm thuồng nhìn các tấm áp phích giới thiệu chương trình ca nhạc buổi tối mà mơ có dịp đến một lần. Các anh bảo con đường này khiến họ có cảm hứng nhớ về ngày xưa khi còn trẻ, thích ngồi quán cà phê vỉa hè vì lúc đó còn nhiều đường phố vắng vẻ, yên tĩnh. Các anh đồng ý là nếu về thăm quê hương, dù có đi du lịch ra Bắc ra Trung vẫn không thể thiếu chuyện ra đường sách uống cà phê tán gẫu, hẹn bạn bè và mua sách. Một anh họa sĩ từ Pháp về, bảo mỗi lần ra đây, anh có thể gặp ít nhất ba bốn người bạn quen trên Facebook. Nhờ đó, anh cảm thấy không lẻ loi như mấy lần trước về chơi, quanh quẩn với gia đình và vài người bạn cũ.

Vợ chồng nhà văn Nhật Tiến - Đỗ Phương Khanh đi dạo đường sách trong lần cuối về thăm Sài Gòn năm 2016
 Ảnh: P.C.L

Tôi mua được nhiều sách hay trên con đường này. Nhớ nhất, không phải là sách, mà là một bộ cartes postales dạy làm món ăn Tây của Kim studio, một cơ sở xuất bản các bộ dạy nấu ăn qua hình ảnh. Bộ ảnh mười hai tấm đựng trong một phong bì rất tinh tế, dạy cách làm các món bánh như bánh croissant, bánh plum cake, bánh champagne, bánh lưỡi mèo. Nó đặc biệt vì nhà tôi đã từng có nhiều bộ như vậy mà nay không còn, và chị tôi đã từng làm cho các em ăn trong ngôi nhà thời thơ ấu của tôi. 

Đường sách cung cấp tri thức, hẳn rồi, nhưng còn nhiều thứ khác nữa. Là nơi diễn thuyết công cộng, luôn nhiều tâm huyết và ít điệu đà trịnh trọng như trong vài salon. Là nơi đậm đà niềm vui, khi ngồi giữa bạn bè đồng điệu thích đọc và thích sống nhẹ nhàng. Là nơi nhìn người đẹp qua lại. Nơi thỉnh thoảng nhận ra vài người cố cựu của thành phố này qua phong thái, giọng nói, cách nói chuyện và ăn mặc. Là nơi uống ly cà phê ấm trong không khí lạnh buổi sáng, như ông cha ta trăm năm trước bên ly xây chừng ở chợ Cũ, quán cà phê Nguyễn Văn Đắc ở đường Sabourain bên hông chợ Bến Thành hay trên vỉa hè khách sạn Continental.

Tranh: Hoạ sĩ Đức Lâm

Năm năm qua, ở đây tôi đã có những ngày giáp Tết thật vui bên bạn bè trên con đường này. Đã cùng bạn đưa hai nhà văn Nhật Tiến và Đỗ Phương Khanh đi dạo, xem sách trong ánh nắng tháng Giêng chỉ vài năm trước khi ông bà khuất núi. Tôi may mắn có vài cuốn sách xuất bản trong thời gian này nên có vài buổi giới thiệu sách ở đây, bất ngờ gặp được những độc giả thích bộ sách “Sài Gòn - chuyện đời của phố” và nhờ tác giả ký tên. Tôi may mắn sau nhiều năm bặt tin đã gặp lại chàng Tahara, một người Nhật giỏi tiếng Việt đã giúp phiên dịch trong một buổi hội thảo Việt - Nhật cách nay gần 30 năm trong một phòng họp ở Yamanashi dưới chân núi Phú Sĩ. 

Mấy tháng trời trong mùa dịch 2021 phải nằm im trong nhà, tôi nhớ đường sách. Khi quay trở ra, con đường còn vắng vẻ đìu hiu. Anh chàng thường giữ xe máy cho tôi trên vỉa hè đường Nguyễn Du đối diện nhà sách Nguyễn Văn Của ngày xưa mừng ra mặt khi gặp lại nhau. Anh vẫn gầy gò, sống lay lất qua được mấy tháng dịch bệnh khi vợ con đã kịp cho về quê. 

Sau này ra đường sách, không mấy khi gặp người trong giới báo chí hay viết lách như lúc ban đầu. Nhưng vẫn còn niềm vui lớn là cùng con trai hoặc đi một mình ra đó mua sách, nhìn cuốn sách mới in của mình được bày ra kệ. Sau đó, nếu quán cà phê cuối đường còn chỗ trống, tôi có thể ngồi nhấm nháp chất nước nâu và thơm, giở vài trang giấy, thả tâm trí vào những con chữ. Con đường này còn tiếp tục mang đến nhiều niềm vui giản dị như vậy cho rất nhiều người. 

Đường sách khiến tôi yêu thành phố này nhiều hơn.

Tuỳ bút của Phạm Công Luận
#