Đọc sách: Vào buồng lái cùng cơ trưởng

Cuốn sách đưa người đọc vào tham quan buồng lái của một phi công dân dụng. Chỉ riêng điều đó đã khiến cho nhiều người phải tò mò tìm đọc “Cơ trưởng từ buồng lái”.

Cuốn sách đưa người đọc vào tham quan buồng lái của một phi công dân dụng. Chỉ riêng điều đó đã khiến cho nhiều người phải tò mò tìm đọc “Cơ trưởng từ buồng lái”.

Đọc sách: Vào buồng lái cùng cơ trưởng

Hành khách trong những chuyến bay dọc ngang đất nước, nhất là trong những chuyến bay dài xuyên lục địa, không khỏi có lúc nghĩ đến người phi công đang ngồi trong buồng lái cách biệt phía trên kia. Không chỉ mơ màng mà còn băn khoăn, phi công đang làm gì, nghĩ gì, tâm tính và sức khỏe ra sao, để có thể đưa ta đi trong một hành trình thuận chiều và êm ả.

Tác giả Thư Uyển giãi bày rằng sau vụ khủng bố 11.9.2001, buồng lái máy bay tuyệt đối trở thành một cấm địa, không có nhiệm vụ thì không ai được phép bước chân vào đó. Chỉ bằng cách viết ra quyển sách này, Thư Uyển mới có thể đưa người nhà và bạn bè cùng người đọc vào tham quan buồng lái, để khám phá và để hiểu hơn về người phi công trong đó.

Về bố cục, ba phần đầu đúng như hành trình mà một người lái chính phải trải qua: thời kỳ học lái, thời kỳ được làm cơ phó, rồi trở thành lái chính trên một chiếc máy bay dân dụng. Phần thứ tư cập nhật một thời kỳ khó khăn vừa mới qua trên khắp các lục địa: dịch cúm Corona. Mỗi phần gồm nhiều bài nhỏ, giữa các bài lại có những chặng nghỉ mà tác giả gọi là transit, tức là toàn bộ cuốn sách như những chuyến bay, mà phần transit là một chặng nghỉ để chuyển tiếp. Ở những chặng nghỉ này, tác giả dừng ngắn, có khi để giải thích những thuật ngữ hàng không quốc tế, những khái niệm riêng của hàng không Việt Nam, có khi là cung cấp thông tin bổ ích hoặc chuyện vui cho người đọc giải trí. Sắp xếp bố cục cuốn sách như vậy, phi công kiêm tác giả tỏ ra là người am hiểu tâm lý của hành khách - người đọc.

Cơ trưởng từ buồng lái chia thành nhiều bài nhỏ, mỗi bài như vậy là một đoạn nhật ký của tác giả, ghi lại hai năm học bay ở Pháp cho đến khi về Việt Nam để được huấn luyện tiếp trước khi chính thức bay. Anh kể về những ngày đầu làm quen với chiếc máy bay dành cho người tập lái, thật là nhiều thử thách. Chẳng hạn khi bay tập, việc thay đổi độ cao đột ngột khiến người lái bị say: “Có những người say đến bốn năm hôm sau. Ăn gì nôn đó. Đầu óc ruột gan cả ngày quay vòng. Lại có những người chỉ say vào đúng cái giờ mà họ bị say ở chuyến bay đầu tiên như tôi - lúc 13 giờ. Cứ đến giờ đó tôi lại chuếnh choáng như say rượu. Đến giờ kết thúc chuyến bay thì người mới tỉnh lại” (trang 26). Tác giả kể khá đầy đủ và sinh động về cảm giác của chuyến bay một mình đầu tiên trong thời gian học lái, khi lên làm cơ phó rồi làm cơ trưởng. Cũng rất chi tiết, Thư Uyển kể về sai lầm đầu tiên của thời học viên: không kiểm tra cẩn thận trước khi bay, để xảy ra một sai sót, chưa kịp bay lên thì thầy cho máy bay quay ngay về trường. Ông thầy gay gắt: “Anh quá nguy hiểm” (trang 70).

Đặc trưng của nghề khiến phi công không được phép mắc sai lầm khi ngồi lên ghế lái, nếu có sai sót thì phải biết kịp thời xử lý. Cũng trong thời gian tập lái ở Pháp, tác giả có lần nghe được cuộc hội thoại của một máy bay tư nhân đang đưa gia đình đi chơi đến thành phố khác, phi công dùng sóng liên lạc nhờ mặt đất đặt bàn ăn. Ông thầy chuyên nghiệp không kìm được giận dữ mà quát vào micro: “Ai cho phép các anh dùng sóng nói những chuyện thế này? Các anh biết làm như vậy rất nguy hiểm không? Lỡ ai có chuyện gì thì làm sao mà liên lạc? Tôi sẽ báo cáo tất cả các anh” (trang 77). Ông thầy trên không phải nghiêm khắc như thế thì mới ra những học viên biết bảo đảm an toàn cho chuyến bay.

Trong suốt cuốn sách, tác giả cho ta thấy nhiều phẩm chất của phi công, những điều kiện cần và đủ để họ có thể bảo đảm cho những chuyến bay êm như lụa và an toàn. Có những khi Thư Uyển tạt ngang nói về những nét cá tính thông tục và vui vui của nghề, ví dụ thói quen văng tục của các ông thầy nước ngoài khi không hài lòng với học viên: “Có người giải thích rằng, trước đây, hoạt động bay là độc quyền của nhà lính. Mà phàm đã liên quan đến chiến đấu, thì mọi quyết liệt trên thao trường - trong đó có các trao đổi không mấy gì là lịch sự của thầy đối với trò, được xem là chuyện đương nhiên. Sau này hoạt động bay được dịch chuyển nhiều sang dân dụng, môi trường mà đối nhân xử thế buộc phải nhũn nhặn hơn. Nhưng những thói quen đầy nam tính mà người ta được trui rèn trong quân ngũ vẫn còn ở đó, như một nhúm tàn quân vẫn kiên cường bắn trả vì tưởng rằng tướng lĩnh của mình chưa buông súng” (trang 64).

Phi công đang điều khiển chuyến bay tất nhiên là hoàn toàn cách biệt với hành khách, nhưng phi công của “chuyến bay” trong cuốn sách này là một người đối thoại cởi mở và tỏ ra vui tính. Người đọc không thể không bật cười khi anh nhắc lại giọng đồng bằng Bắc bộ của giáo viên kèm bay, nói ngọng lẫn lộn e lờ en nờ ngay cả khi nói tiếng Anh để xin hạ cánh. Hoặc chuyện một ông thầy nước ngoài nói với một lái phụ trót hạ cánh hơi nặng, ông giải tỏa cho lái phụ phạm lỗi bằng cách nhận trách nhiệm của ông với tư cách là lái chính. Cũng để cho không khí bớt căng thẳng, ông thầy còn đưa ra một định nghĩa thật như đùa: “Hạ cánh tốt là sau khi hạ, người ta còn sống sót. Hạ cánh tuyệt vời là sau khi hạ, máy bay còn sử dụng được” (trang 116).

Có lúc hóm hỉnh vui đùa, nhưng phần lớn cuốn sách là giọng điệu kiềm chế, ngôn ngữ sáng rõ và chắc chắn, lại được qua khâu biên tập hiệu chỉnh khá cẩn thận. Người đọc có cảm tưởng tin cậy và được thuyết phục trước những tư liệu, những tình huống, những tính cách được tác giả mô tả. Nhiều câu chuyện thực sự thú vị và hấp dẫn, có những trang thật trữ tình. Sự háo hức được bước vào buồng lái đã được cuốn sách thỏa mãn ở mức vừa đủ mà vẫn bảo mật những thông tin riêng của ngành nghề.

Tác giả lấy bút danh Thư Uyển, hàm nghĩa “vườn sách”, chắc là anh không chỉ có một thư phòng mà là cả một vườn sách. Cũng có thể vườn sách ấy là mong muốn, hoặc nó ở chính trong kho kiến thức của anh. Xuyên suốt “chuyến bay - cuốn sách”, người ta thấy Thư Uyển là người dẫn đường am hiểu nhiều lĩnh vực văn hóa đời sống. Tức là người phi công bay trên trời nhưng hiểu biết của anh không chỉ bó hẹp trong buồng lái mà còn hiểu bầu trời và hiểu cả mặt đất ở dưới kia, nơi anh luôn đưa mọi người trở về.

Hồ Anh Thái

___________

* Cơ trưởng từ buồng lái, tác giả Thư Uyển, Nhã Nam và NXB Phụ Nữ Việt Nam 2022

Văn hóa

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa
Văn hóa - Thể thao

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa

Triển lãm "Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở" quy tụ các nghệ sĩ: Nguyễn Phương, Minh Đàm, Thanh Hà, Đình Đức, Phương Thảo và Đức Tiến. Đây là không gian để công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế và độc đáo của nghệ thuật màu nước.

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa
Địa phương

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa

Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, nhất là các di tích thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình xác định, phát triển văn hóa sẽ là một trong 5 đột phá chiến lược và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, giúp di sản mãi trường tồn và lan tỏa. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chuyện làng, chuyện phố
Văn hóa

Chuyện làng, chuyện phố

Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 với chủ đề Chuyện làng, chuyện phố sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 22 - 23.11.

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật
Văn hóa - Thể thao

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật

Hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ thiên về tính cá nhân nhưng cũng rất cần môi trường để cập nhật thông tin, giao lưu sáng tác... Các sự kiện kết nối quốc tế không chỉ tạo cơ hội cho nghệ sĩ trong và ngoài nước được gặp gỡ, học hỏi mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển mỹ thuật Việt Nam.

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao
Văn hóa

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao

Mỗi dịp 20.11, ngày Nhà giáo Việt Nam, ký ức tuổi thơ của tôi lại tràn về với hình ảnh của bố tôi - một người thầy được học trò yêu quý và kính trọng. Những bó hoa tươi thắm, những món quà nhỏ tuy giản dị nhưng đong đầy tình cảm học trò dành tặng thầy, cùng không khí rộn rã của lớp học với lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" in sâu trong tâm trí của tôi. Bố tôi vẫn thường nói, nghề giáo không chỉ là dạy chữ, mà là vun đắp tâm hồn, truyền đạt những giá trị làm người, và kết nối với học trò ở những cảm xúc sâu sắc nhất; tôi rất xúc động khi thấy, sau 30 - 40 năm, vẫn có những học trò vượt hàng trăm cây số, quay lại thăm thầy cũ để hàn huyên đủ chuyện - từ gia đình, công việc cho đến những hoài niệm về thời đi học. Những cuộc trò chuyện như thế vượt lên trên mối quan hệ thầy trò thông thường, gắn bó như cha với con, tạo nên một tình nghĩa khó phai mờ.

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản
Văn hóa - Thể thao

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản

Di sản văn hóa phi vật thể đang góp phần quan trọng làm nên những sản phẩm độc đáo của công nghiệp văn hóa. Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ cần sự sáng tạo mà còn phải hiểu biết thấu đáo về truyền thống để giữ bản sắc nhưng vẫn mang lại nguồn lợi kinh tế.