Đọc sách: "Giải trí đến chết" - thời của trình diễn

Là một cuốn sách thực sự cần thiết để con người nhìn nhận lại mình, Giải trí đến chết chỉ ra rằng truyền thông, đặc biệt là chiếc ti vi, đang điều khiển và định hình cuộc sống của nhân loại.

Đọc sách: "Giải trí đến chết" - thời của trình diễn ảnh 1

Neil Postman (1931 - 2003), người Mỹ, là bậc thầy về nghiên cứu văn hóa truyền thông, một giáo sư đã dành cả đời để theo sát truyền thông và cách mà nó ấn định quyền lực mềm lên đời sống của mỗi người. Ở cuốn Giải trí đến chết, ông chủ yếu khảo sát truyền thông trong cuộc sống của người Mỹ từ nhiều năm trước, nhưng tầm khái quát mở rộng ra toàn cầu và vẫn rất đúng trong bối cảnh hiện nay.

Trước hết, Neil Postman là một người kể chuyện sinh động. Ông dẫn ra những câu chuyện thực tế, có khi chỉ là một chi tiết nhỏ, rồi từ đó thể hiện tài năng phân tích và lý luận sắc sảo của mình. Ta cùng đọc một đoạn văn, trong đó Neil Postman đào sâu vào bản chất của một thao tác trên hệ thống phát thanh truyền hình:  

“Tiếp theo đây, là tin về…” thường được sử dụng trên các bản tin truyền hình và phát thanh để chỉ ra rằng, những điều mà khán/thính giả vừa xem hoặc nghe không liên quan gì đến những điều mà họ sắp xem hoặc nghe. Cụm từ này là một phương thức để thừa nhận thực tế rằng, thế giới được định hình bởi các phương tiện truyền thông điện tử tốc độ cao, không có trật tự, vô ý nghĩa và không hề nghiêm túc. Không có vụ giết người nào quá tàn bạo, không có trận động đất nào quá kinh hoàng, không có sai lầm chính trị nào quá tốn kém, không có kết quả thể thao nào quá thất vọng, không có bản tin thời tiết nào quá nguy hiểm… đến mức phát thanh viên không thể xua nó ra khỏi đầu bạn bằng cách nói “Tiếp theo đây, là tin về…” Ý của anh ta là bạn đã suy nghĩ đủ lâu về vấn đề trước đó (khoảng 45 giây), và bạn không nên chìm quá sâu vào nó (khoảng 90 giây chẳng hạn), mà bây giờ, bạn phải dành sự chú ý cho một mẩu tin rời rạc khác hoặc một đoạn quảng cáo khác” (trang 222 - 223).

Neil Postman không bác bỏ văn hóa đại chúng, chỉ đơn giản là ông vạch ra rằng trong khi cả nhân loại dán mắt vào chiếc ti vi, để cho nó định hình mọi ham muốn và sở thích của họ, tin rằng nó đem lại cho họ tất cả những gì họ muốn, thì hóa ra nó không thể mang đến những gì họ cần. Những mẩu tin có độ dài khoảng 45 giây, “mặc dù sự ngắn gọn không phải lúc nào cũng gắn với sự tầm thường, nhưng trong trường hợp này thì nó đúng là như vậy. Đơn giản là ta không thể truyền đạt cảm giác nghiêm túc về bất kỳ sự kiện nào nếu như ta chỉ nói về nó trong thời gian chưa đầy một phút” (trang 230).

Ngay cả những chương trình có thời lượng kéo dài, thì sự truyền bá văn hóa cũng chỉ là ảo tưởng. Tác giả chế giễu “hy vọng được ấp ủ trong lòng một số người rằng ti vi có thể được sử dụng để củng cố truyền thống học tập”. Nhưng ông sáng suốt chỉ ra rằng “ti vi không mở rộng hay củng cố văn hóa dựa trên chữ viết. Mà nó tấn công văn hóa ấy” (trang 191).

Là một chuyên luận nghiêm túc, thể hiện sự ưu tư của một trí thức lớn trước sự xâm nhập và thao túng của truyền thông, cuốn sách đưa ra một số liệu thống kê: “Một người Mỹ khi đến độ tuổi 40 sẽ xem hơn 1 triệu quảng cáo truyền hình” (trang 272). Hằng năm Mỹ xuất khẩu cả triệu giờ truyền hình, nhưng “điều đó không có nghĩa ở nước ngoài người ta thích Mỹ, chỉ đơn giản là người ta thích truyền hình Mỹ” (và như người viết bài này nhận thấy ở nhiều nước, hiện tại có thêm truyền hình Hàn Quốc, rất thành công trong việc xuất khẩu chương trình sang các lục địa).

Vậy thì một khi đã thâu tóm được tâm trí của con người, chiếc ti vi để lại dấu ấn gì trong đời sống nhân loại?

Điều rõ ràng nhất mà Neil Postman vạch ra là yếu tố trình diễn. Trước hết là về phía phát thanh viên: một phát thanh viên hình thức bóng bẩy, nói năng lưu loát, láu lỉnh một chút trong xử lý tình huống. Nếu không đạt những tiêu chuẩn ấy, trong mắt người xem, người MC đó đã bị loại bỏ. “Độ chân thực của một bản tin lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng được chấp nhận của phát thanh viên. Trong thế giới cổ đại, một số nơi có tục lệ xua đuổi, thậm chí giết chết những người mang đến tin xấu. Liệu bản tin truyền hình có khôi phục tục lệ này không, chỉ là dưới một hình thức khác?” (trang 226 - 227).

Yếu tố trình diễn để đạt tới mục đích giải trí mà truyền hình tạo nên cho mọi lĩnh vực đã dẫn đến một thực tế, khi xuất hiện trên truyền hình, “các linh mục, các vị tổng thống, bác sĩ phẫu thuật, luật sư, các nhà giáo dục và những phát thanh viên của chúng ta không cần quá lo lắng về việc tuân thủ các nguyên tắc chuyên môn, mà quan tâm hơn đến việc làm thế nào để trình diễn hiệu quả trước mắt công chúng” (trang 220).

Từ truyền hình lan ra đến ngoài đời, người ta đều đang diễn mà không phải ai cũng chịu thừa nhận. Đó là hệ quả của tính giải trí do truyền hình đem đến. “Cách truyền hình truyền tải thế giới đã tạo nên một khuôn mẫu để từ đó, thế giới cũng vận hành sao cho phù hợp với khuôn mẫu của truyền hình… Giờ đây truyền hình nắm quyền chỉ huy. Trong phòng xử án, lớp học, phòng điều hành, phòng hội đồng, nhà thờ, thậm chí cả trên máy bay, người Mỹ không còn nói chuyện với nhau nữa, mà họ giải trí với nhau. Họ không tranh luận bằng cách đưa ra các mệnh đề, mà tranh luận dựa trên ngoại hình đẹp đẽ, độ nổi tiếng và những nội dung quảng cáo” (trang 209).

Yếu tố giải trí trở thành tiên quyết, là số một, dẫn đến hiện tượng mọi người, hữu ý hoặc vô tình, đều trình diễn. Tính cách này thể hiện rất rõ trong việc phổ cập văn hóa, ở Mỹ là cả trong tiếp xúc cử tri và bầu cử, trong việc giảng đạo trên truyền hình, ngày nay lan ra mạng xã hội, thậm chí đậm nét cả trong giáo dục - một ngành đòi hỏi sự tiếp cận kiến thức theo từng bước chứ không thể nhảy cóc ngẫu nhiên.

Hiệu quả của một bài giới thiệu ngắn như thế này cũng không khác gì một mẩu tin trên truyền hình mà ta đang nói đến. Nên tự mình đọc Giải trí đến chết để tiếp cận một chuyên luận hoàn chỉnh và đầy sức thuyết phục. Theo thời gian, cuốn sách trở nên rất cập thời khi mà chiếc ti vi ngày càng thao túng tâm trí và ấn định lối sống. Để kết thúc, Neil Postman đưa ra ý kiến của Aldous Huxley, nhà văn và triết gia người Anh: có một cách để “làm khô héo tinh thần của một nền văn hóa, đấy là nền văn hóa trở thành một trò đùa”.

Liệu văn hóa của thời đại chúng ta có phải là trò đùa? Câu hỏi này đang khiến rất nhiều người tỉnh táo phải ưu tư. 

Hồ Anh Thái

 ------

* Giải trí đến chết, tác giả: Neil Postman, người dịch: Nhung Nguyễn, 1980 Books và NXB Thanh Niên 2022.

Văn hóa

Nghệ thuật cảm hứng từ thi ca Mường
Văn hóa - Thể thao

Nghệ thuật cảm hứng từ thi ca Mường

Với 40 tác phẩm hội họa - sắp đặt, triển lãm Té Tất Té Đák (Đẻ Đất Đẻ Nước) của họa sĩ Thu Trần sẽ đưa người xem đến đất Mường với bề dày văn hóa được lưu giữ từ đời sống, phong tục tập quán đến truyện kể, thi ca. 

Nữ phục dân tộc truyền thống - bức tranh rực rỡ sắc màu
Văn hóa - Thể thao

Nữ phục dân tộc truyền thống - bức tranh rực rỡ sắc màu

Không chỉ phục vụ nhu cầu mặc, trang phục còn như tác phẩm nghệ thuật sống động, kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa, tâm hồn con người từng dân tộc, từng vùng đất. Tìm về nữ phục truyền thống của các dân tộc, nhóm dân tộc ở ba miền, đạo diễn Nguyễn Bông Mai đã tỉ mỉ ghi lại vẻ đẹp ấy và quảng bá rộng rãi tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Ba chiếc ô tô từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bảo vật quốc gia
Văn hóa - Thể thao

Ba chiếc ô tô từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bảo vật quốc gia

Ba chiếc xe ô tô được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954 - 1969 được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 31.12.2024 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 19.1, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sẽ long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định.

Xây dựng văn hóa số - nhiệm vụ chiến lược
Văn hóa

Xây dựng văn hóa số - nhiệm vụ chiến lược

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

Văn hóa số không chỉ là một khái niệm mới mà còn là tư duy, phong cách sống và làm việc mới, nơi các giá trị của sáng tạo, đổi mới và kết nối được đề cao. Xây dựng văn hóa số là nền tảng thúc đẩy phát triển toàn diện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thực hiện thành công Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Hé lộ Lễ hội Xuân kỷ lục tại Đại đô thị đáng sống bậc nhất Sài Gòn
Văn hóa

Hé lộ Lễ hội Xuân kỷ lục tại Đại đô thị đáng sống bậc nhất Sài Gòn

Mỗi năm một ý tưởng độc đáo, Lễ hội Xuân tại Vinhomes Grand Park (TP.Thủ Đức) luôn là sự kiện được cư dân và du khách trông đợi. Năm nay, với chủ đề “Tết diệu kỳ”, sự kiện tiếp tục làm bùng lên sức sống khu Đông khi tôn vinh những giá trị truyền thống, tái hiện ký ức ngọt ngào của Tết cổ truyền, hứa hẹn thiết lập một kỷ lục mới cho Đại đô thị đáng sống bậc nhất Sài Gòn.

Khám phá Nhật Bản cùng NHK World-Japan
Văn hóa - Thể thao

Khám phá Nhật Bản cùng NHK World-Japan

Từ ngày 17 - 23.1, tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội), đài NHK (Nhật Bản) sẽ tổ chức sự kiện “Khám phá Nhật Bản cùng NHK World-Japan" với nhiều hoạt động đặc sắc, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khán thính giả và quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa Nhật Bản.

Nghệ thuật trong đối thoại liên ngành
Văn hóa

Nghệ thuật trong đối thoại liên ngành

Hợp tác liên ngành đã thổi làn gió mới vào nghệ thuật đương đại, tạo nên bức tranh đa sắc màu, nơi nhiều ngành nghề, loại hình cùng hòa quyện. Sự kết nối, giao thoa ấy không chỉ mở rộng biên giới sáng tạo mà còn mang đến các tác phẩm, trải nghiệm mới cho công chúng.

Mang hòa nhạc cổ điển vào giảng đường đại học
Văn hóa - Thể thao

Mang hòa nhạc cổ điển vào giảng đường đại học

“Nhạc cổ điển rất gần gũi trong đời sống, chỉ có điều chúng ta chưa có thời gian để tìm hiểu, ngẫm nghĩ. Công việc của tôi và các nghệ sĩ là đem đến câu chuyện xung quanh những bản nhạc rất nổi tiếng và quen thuộc” - nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ trong hòa nhạc “Giao hưởng tuổi trẻ” số đầu tiên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chiều 10.1.

Trường ca "Lũ": Cuốn sách điện tử nổi bật năm 2024
Văn hóa - Thể thao

Trường ca "Lũ": Cuốn sách điện tử nổi bật năm 2024

Tối 11.1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học năm 2024. Trường ca “Lũ” của nhà thơ Lữ Mai do Công ty Sách điện tử Waka phát hành đã được vinh danh là một trong những cuốn sách nổi bật năm 2024.