Kiên định mục tiêu chiến lược
Đại tá Nguyễn Bội Giong sinh năm 1926, ở làng Giáp Tứ, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Gần 100 tuổi nhưng ông không quên năm tháng sống nơi rừng núi ở căn cứ địa hay trong hầm hào tại Sở Chỉ huy chiến dịch mà Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp có mặt, trực tiếp chỉ đạo. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được giao giúp việc về công tác chỉ huy, tham mưu cho Tổng tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp.
Đại tá Nguyễn Bội Giong kể, gần 130 ngày hoạt động kể từ ngày nhận lệnh lên đường tới chiến trường Điện Biên Phủ, mở chiến dịch lịch sử quyết định cho đến ngày toàn thắng (1.1 - 7.5.1954), Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã biểu hiện tinh thần quyết chiến, kiên định về mục tiêu chiến lược. Việc chuẩn bị và hạ quyết tâm tác chiến của chiến dịch với phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, thắng chắc” đòi hỏi công tác chuẩn bị rất mới mẻ về mặt chiến thuật, cũng như công tác chính trị tư tưởng, bảo đảm vật chất, kỹ thuật, hậu cần cho một chiến dịch lâu dài và phát triển ngoài quy luật thông thường.
Theo Đại tá Nguyễn Bội Giong, “thực tế việc thay đổi này đã thử thách lòng tin và sự quyết tâm của cán bộ chỉ huy các cấp trong chiến dịch. Nhưng tấm gương ngời sáng và những chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp cho chỉ huy các cấp và toàn thể chiến sĩ có một ý chí sắt đá, kiên quyết tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Điều đó đã được thể hiện thật rõ rệt trong suốt 56 ngày đêm tác chiến ở chiến trường Điện Biên Phủ”.
Sáng tạo, làm địch bất ngờ
Đại tá Nguyễn Bội Giong nhớ lại những ngày tháng ác liệt, gian khổ. Hồi đó, cán bộ, chiến sĩ đã mạnh dạn đề xuất, sáng tạo và thực hiện nhiều phương pháp chiến đấu làm địch bất ngờ. Như khi đào chiến hào đánh lấn, các chiến sĩ sáng tạo cách chống đỡ với lựu đạn và mảnh súng cối của địch là làm những con cúi bằng khúc gỗ, quấn xung quanh rất nhiều vòng rơm, lá cây, dây leo để đẩy ở trên mặt hào theo tiến trình của động tác đào công sự lấn vào sát điểm tựa của địch. Đồng thời mỗi chiến sĩ cũng có chiếc mũ đan bằng dây thừng ken nhiều lớp lá rừng, đội khi đào chiến hào... Nhờ thế đã giảm rất nhiều thương vong cho chiến sĩ ta.
Hoặc như, với pháo cao xạ 37 ly, bộ đội luôn tận dụng để đưa đến sát vị trí của địch, mục đích là khống chế được không phận gần nhất, làm cho máy bay địch không dám bay thấp để thả dù tiếp tế, phải thả ở độ cao lớn dẫn đến thiếu chính xác. Trong thực tế, nhiều lần do đưa pháo đến gần khiến địch thả hàng rơi ngay vào trận địa của ta, giúp cho việc đoạt dù tiếp tế của địch, vừa bổ sung vật chất kỹ thuật cho quân ta, vừa dồn quân địch vào thế thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược…
Đặc biệt, vào giai đoạn cuối của chiến dịch, một đại đội của Trung đoàn 36 chiến đấu ở phía Tây Mường Thanh đã có cách đánh thần kỳ. Chỉ trong đêm 23.4, bằng phương pháp vừa đánh lấn và tấn công đánh chiếm, ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm 206 của địch ở sát sân bay Mường Thanh mà quân địch không hề biết. Từ đó, quân ta đã tổ chức nhanh chóng đánh chiếm nốt những điểm tựa của địch ở phía Tây và Nam sân bay Mường Thanh, chia cắt hoàn toàn sân bay, địch không thể hạ cánh để tiếp tế lương thực, đạn dược xuống Mường Thanh. Đại tá Nguyễn Bội Giong cho biết, “sau sự kiện này, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã biểu dương các chiến sĩ tại chiến dịch và gọi là “cắt dạ dày” của Mường Thanh”.
Dấu ấn vị tướng huyền thoại
Trong tư liệu ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ có bức “Hội nghị Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng, ngày 22.4.1954”. Đại tá Nguyễn Bội Giong hiện là người duy nhất trong bức ảnh lịch sử ấy còn sống. Ông cho biết, đây là hội nghị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với các thành viên tham dự gồm: Chủ nhiệm Cung cấp Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Tổng tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận Võ Nguyên Giáp, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ và Đại tá Nguyễn Bội Giong, bấy giờ là Bí thư quân sự của Tổng tư lệnh kiêm thư ký cuộc họp.
Chủ trì hội nghị, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thông tin nhanh những đánh giá về tình hình địch - ta, nghe ý kiến của các đại biểu, sau đó thảo luận, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng. Hội nghị diễn ra trong khoảng một buổi sáng và thống nhất cao quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ. “Ngày diễn ra hội nghị là giai đoạn cao điểm của chiến dịch Điện Biên Phủ, không có nhà báo hay cán bộ tuyên huấn nào có thể dự để ghi lại hình ảnh này. Phải đến sau khi chiến dịch kết thúc, trên đường về Hà Nội, các cơ quan dừng lại làm việc ở Sơn La. Cùng đi với chúng tôi lúc này có đoàn làm phim của đạo diễn người Nga Roman Karmen, nhà báo người Australia Wilfred Burchett. Theo đề nghị của họ, chúng tôi “tổ chức lại” hội nghị để các nhà báo ghi hình. Bức hình do nhà báo Wilfred Burchett chụp và trực tiếp tặng tôi làm kỷ niệm khi quân ta đã về tiếp quản Thủ đô”, Đại tá Nguyễn Bội Giong nhớ lại.
Những năm tháng giúp việc, tham mưu cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Bội Giong nhận ra trong chiến tranh ác liệt, đạt được mục tiêu và kết quả trên là nhờ tư duy của người chỉ huy cao nhất có tầm nhìn xa và toàn diện. Điều này đã làm cho cấp dưới tin tưởng khi nghe ý kiến dặn dò và hướng dẫn trong công tác.
“Đến giờ, những ngày tháng ở chiến trường Điện Biên Phủ, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn in đậm trong trái tim tôi. Với tôi, lưu giữ ký ức một thời ấy là phúc phận, là tự hào. Chiến tranh dù đã lùi xa nhưng đó chính là báu vật tinh thần không chỉ với chúng tôi mà còn cho cả những thế hệ mai sau”, Đại tá Nguyễn Bội Giong nói.