35 năm Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam

Đào tạo bài bản lý luận lịch sử mỹ thuật

Được thành lập năm 1978, có thể nói Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đã trở thành một mắt xích hoàn chỉnh chuỗi thiết chế về đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam.

Phố cổ Tranh sơn dầu của Bùi Xuân Phái
Phố cổ
Tranh sơn dầu của Bùi Xuân Phái

Mặc dầu các hoạt động liên quan đến lý luận phê bình mỹ thuật đã được duy trì trong mỹ thuật Việt Nam trước đó rất lâu. Thời Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người Pháp đã tham gia nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam, rồi những bài viết của các họa sỹ Việt bình luận về triển lãm được đăng tải trên báo chí. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các cuộc tranh luận về nghệ thuật cũng thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1978, Gs. Họa sĩ Trần Đình Thọ khi ấy là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam quyết định  thành lập Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật và PGs Nguyễn Trân làm trưởng khoa thì ngành lý luận lịch sử mỹ thuật mới được chính thức đào tạo một cách bài bản.

Việc thiết kế các môn chuyên ngành phục vụ nghiên cứu mỹ thuật bắt đầu được đưa vào giảng dạy bên cạnh môn học về lịch sử mỹ thuật thế giới đã được giảng dạy từ thời Pháp. Các bộ môn như lịch sử mỹ thuật Việt Nam, mỹ học, nghệ thuật học... dường như đã ra cho Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật con đường khác hẳn các khoa nghiên cứu về lịch sử như Khảo cổ học mỹ thuật ở Trường ĐH Tổng hợp. Chương trình đào tạo được PGs. Nguyễn Trân tham khảo từ Học viện nghệ thuật Rêpin, nơi ông tốt nghiệp. Bên cạnh đó thành quả nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam của người Pháp, rồi họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung, các nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Chu Quang Trứ, Trần Lâm Biền tốt nghiệp Khoa Văn/Sử, Trường ĐH Sư phạm hoặc Trường ĐH Tổng hợp rẽ sang nghiên cứu mỹ thuật thời kỳ thành lập Bảo tàng Mỹ thuật vào thập niên 1960, được đưa vào giảng dạy. Các giảng viên đầu tiên được mời về giảng dạy ở Khoa cũng là những người học mỹ thuật hoặc sử ở nước ngoài, vững về lý luận như Thái Hanh (học ở Trung Quốc), Thái Bá Vân (học ở Tiệp Khắc), Nguyễn Quân (học ở Đức), Triệu Thúc Đan, Lê Quốc Bảo (học ở Liên Xô)... Những bộ sách như Mỹ thuật thời Lý, Mỹ thuật thời Trần, Mỹ thuật thời Lê Sơ, Mỹ thuật thời Mạc được xuất bản khoảng đầu thập niên 1970 đã trở thành những bộ giáo trình đầu tiên…

Sau khi hòa bình lập lại, với nhiệm vụ nâng cao nhận thức cũng như công tác phê bình mỹ thuật để thúc đẩy sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam XHCN, việc thành lập Khoa Lý luận và lịch sử mỹ thuật đã đánh dấu mốc quan trọng tạo ra thế hệ các nhà lý luận mới, đồng hành với các họa sỹ trên các chặng đường mỹ thuật. Họ cũng là những người tiếp tục kế thừa và phát huy các thành tựu nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam trên mọi lĩnh vực như: mỹ thuật cổ, mỹ thuật hiện đại - đương đại và mỹ thuật ứng dụng.

Một buổi thực tập
 Một buổi thực tập

Trải qua thăng trầm lịch sử, có giai đoạn ngừng tuyển sinh bởi lý do thời cuộc, đến nay Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật đã có 14 khóa. Chương trình đào tạo cũng liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của công tác lý luận phê bình mỹ thuật. Khoảng thập kỷ 1990, bên cạnh các môn học lý thuyết chuyên ngành, sinh viên được học thêm các môn hội họa, đồ họa, điêu khắc và được thực hành trên mọi chất liệu như lụa, khắc gỗ, sơn dầu, sơn mài... nhằm bổ sung kiến thức thực tế về nghề. Sang đầu thế kỷ XXI, việc đi thực tập nghiên cứu ở các di tích mỹ thuật cổ được tăng cường. Sau các chuyến đi này, sinh viên đã học được những kỹ năng nghiên cứu điền dã và có các công trình nghiên cứu khoa học đạt chất lượng cao. Các bộ môn mới được đưa vào giảng dạy như curator, video art, nhiếp ảnh, giúp sinh viên của khoa phát triển những năng lực quan trọng trong nghiên cứu, thâm nhập thực tế nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Trong quá trình học, đã có nhiều triển lãm mỹ thuật từ cổ đến hiện đại do chính sinh viên của Khoa kết hợp với các giảng viên trẻ tổ chức. Điển hình như triển lãm Di sản mỹ thuật Thanh Hóa - Nam Định tổ chức năm 2009; Sinh viên làm nghệ thuật, Thick thì nhick 2012, đã tạo động lực cho việc học tập, nghiên cứu cũng như thực hành nghệ thuật trong các thế hệ sinh viên của Khoa.

Hơn 3 thập niên, hàng trăm người tốt nghiệp, công tác trên mọi lĩnh vực, từ giảng dạy đến truyền thông, nghiên cứu, xuất bản với những cái tên như Phan Cẩm Thượng, Phan Thanh Bình, Trương Công Nguyên, Phạm Trung, Nguyễn Hải Phong, Lê Hoài Linh, các thế hệ trẻ hơn có Nguyễn Đức Bình, Hoàng Anh, Đặng Phong Lan, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Thanh Mai... Không ít sinh viên sau ra trường không chỉ làm lý luận mà họ còn tham gia các hoạt động nghệ thuật đương đại như: Vũ Đức Toàn, Trần Hoàng Ngân, Nguyễn Hồng Ngọc... Họ là những thế hệ đã có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của mỹ thuật Việt Nam, đọc những thông điệp từ ngôn ngữ mỹ thuật của quá khứ gửi đến tương lai. Họ cũng là những người bắc cây cầu tri thức giữa nghệ thuật, nghệ sỹ và công chúng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của mỹ thuật đương đại trên thế giới cũng như ở Việt Nam, khi nghệ thuật không ngừng xóa đi giới hạn giữa các bộ môn nghệ thuật, hơn bao giờ hết, vai trò của lý luận phê bình mỹ thuật vô cùng cần thiết để tạo ra tri thức xã hội. Việc đào tạo các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật tương lai sẽ góp phần đưa mỹ thuật tiệm cận hơn với công chúng, tiến tới xã hội hóa nghệ thuật - mục tiêu lâu dài cho sự phát triển đời sống thẩm mỹ nói chung trong xã hội đương đại.

Văn hóa

Trường Mỹ thuật Đông Dương - Nền móng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại
Văn hóa - Thể thao

Trường Mỹ thuật Đông Dương - Nền móng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Hào quang rực rỡ của Trường Mỹ thuật Đông Dương đến nay vẫn là dấu ấn lớn trong nền nghệ thuật dân tộc. Từ đây, Việt Nam có thêm cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật nhân loại, hình thành các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi cho nền mỹ thuật tạo hình.

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai
Văn hóa - Thể thao

Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 9 - 17.11 đi qua nhiều di tích lịch sử và công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô. Trong đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như "trái tim" của tuyến lễ hội, tập trung nhiều hoạt động chính.

- Vietravel Airlines đã đưa hành khách trở về một thời kỳ hoàng kim của lụa tơ tằm miền Nam qua màn trình diễn áo dài lãnh Mỹ A. Ảnh: VT
Văn hóa - Thể thao

Vietravel Airlines trình diễn áo dài lãnh Mỹ A

Là hãng hàng không của sự trải nghiệm văn hóa bản địa, Vietravel Airlines đã đưa hành khách trở về một thời kỳ hoàng kim của lụa tơ tằm miền Nam qua màn trình diễn áo dài lãnh Mỹ A. Từng đường kim mũi chỉ, nghệ thuật đính kết tạo hình tinh xảo trên nền tà áo dài truyền thống được thực hiện bằng lãnh Mỹ A như một lời kể về những bàn tay khéo léo của người thợ thủ công và những giá trị văn hóa sâu sắc được gìn giữ vượt thời gian.