Khu trưng bày trung tâm gồm triển lãm "Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam", giới thiệu về nhạc cụ các dân tộc Việt Nam, hình ảnh các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc; triển lãm "Không gian nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam", trưng bày và trình diễn nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam theo vùng, miền cả nước.
“Không gian nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” sẽ giới thiệu nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng núi cao và thung lũng phía Bắc (đàn tính của người Tày, Thái; sưu tập trống, nhạc sóc, thanh la, não bạt, chuông lắc, lềnh pài, kèn, đàn, sáo, nhị, kèn lá, chiêng… của các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao, Lô Lô, Mường... tăng bu của dân tộc Khơ Mú, bộ sạp của dân tộc Thái…); nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ (sáo, đàn nhị, mõ, phách, trống, kèn loa, đàn bầu, đàn nguyệt…); nhạc cụ truyền thống của các dân tộc vùng duyên hải miền Trung (trống Parnưng, trống Ghinăng, kèn Saranai… đồng thời trưng bày tổ hợp thày Ka nhi kéo nhị, biểu diễn saranai trước hình ảnh tháp Chăm và lễ hội Kate, cô gái Chăm đội nước); nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng miền Trung, Tây Nguyên (sưu tập cồng chiêng, trống, đàn T'rưng, kèn bầu, đán đá, ting ninh, đinh tút, khèn, tù và, đinh năm, đàn ống tre…); nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng Nam Bộ (nhạc cụ phục vụ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ).
Tại khu trưng bày Nhạc cụ truyền thống của các tỉnh, thành phố (Cao Bằng, Đắk Lắk, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) sẽ có các tiết mục nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, vùng miền với nội dung ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, thể hiện tình yêu quê hương, con người Việt Nam.
Bên cạnh triển lãm trực tiếp, khách tham quan còn có thể thưởng lãm trực tuyến sự phong phú, đa dạng và độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam tại website của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ.