Xem - Nghe - Đọc

"Cây cầu trên hồ hoa súng"

- Chủ Nhật, 07/08/2022, 06:11 - Chia sẻ

Monet vẫn tiếp tục vẽ cây cầu và hồ hoa súng của mình cho tới những năm cuối đời, cố gắng khám phá đến cùng những vẻ đẹp của nó, nhưng cũng là để chìm lắng trong sự bình yên của chính mình…

Nguồn: ITN

Một cây cầu bắc ngang qua một hồ nước, trên đó hoa súng đang nở trong những màu sắc đậm nhạt chỗ trắng chỗ hồng, chỗ lại đỏ, và màu xanh in hình trên mặt nước là màu của trời, của lá mùa thu, màu xanh của cỏ và hoa. Tất cả quyện lẫn trong một không gian của rất nhiều màu sắc chỗ đậm chỗ nhạt, nhưng dường như đang nhòa đi hệt như khi ta chứng kiến tất cả bức tranh tuyệt đẹp, lãng mạn nhưng man mác buồn này qua một ô cửa sổ có vệt nước mưa.

"Cây cầu trên hồ hoa súng” (1899) là một trong những tuyệt tác của Claude Monet (1840 - 1926), một trong những hoạ sĩ tiêu biểu của trường phái Ấn tượng. Ông vẽ chính hồ hoa súng ở nhà mình tại Giverny, một ngôi làng nằm bên một nhánh sông Seine ở cách Paris 60 km. Ông vô tình đi qua đây đầu những năm 1880 và ngay lập tức chết mê chết mệt vì vùng đất nhỏ đầy các ao hồ và đầm nước này. Ông đến đây vào năm 1883, thuê một căn nhà vườn rất lớn và rồi mua lại vào năm 1890, để rồi dần dần qua năm tháng, với tư cách là một người thích làm vườn, chính ông thiết kế và tạo ra những khu vườn Nhật Bản tuyệt đẹp trong khu nhà rộng rãi của mình (ông bắc một cây cầu kiểu Nhật qua ao, rồi sơn xanh nó), để rồi nó trở thành nguồn cảm hứng bất tận khi được mô tả chi tiết và đầy say mê trong những bức tranh của ông. 

Ông vẽ cây cầu bắc qua vùng nước này lần đầu vào năm 1895 và rồi rất nhiều bức khác, trong đó có bức tranh đính kèm bài này, được vẽ vào năm 1899. Trong những bức tranh ấy, hồ nước và cây cầu chan hoà màu sắc, với hoa nở hoặc tàn trong những mùa được mô tả ở đó và khiến không chỉ những bức tranh ấy, mà cả Giverny trở nên nổi tiếng. 

Những bức tranh về hồ hoa súng chính là những tia sáng nghệ thuật lớn lao trong 30 năm cuối đời của Monet. Khu vườn của ông và đặc biệt là hồ nước đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác lớn lao. Mỗi ngày, ông đến thăm hồ nước ít nhất 3 lần để nghiên cứu ánh sáng thay đổi ra sao và vẽ tới 12 bức tranh lớn trên vải bạt về đề tài này, trong đó có bức “Cây cầu trên hồ hoa súng” (trong khi đó, riêng về hoa súng, ông vẽ khoảng 250 bức). Vẽ hồ nước và cây cầu cũng là một nguồn an ủi lớn lao và đem đến sự bình yên cho Monet sau cái chết của Suzanne, con gái riêng của vợ, người mà ông rất yêu quý. Trong cái không gian mà Monet tạo ra để sống với nghệ thuật ấy, có lần ông đã thốt lên, “cuối cùng, mắt tôi đã mở to ra và tôi bây giờ mới thực sự hiểu thiên nhiên”.

Trong bức tranh ấy, mặt hồ không chỉ in những tia nắng, những lá cây xào xạc trong một màu xanh pha lẫn sắc vàng mà còn in đậm màu của những bông hoa súng, trong sự yên bình và thanh thản vô cùng, nơi tưởng như có thể nghe thấy từng hơi thở và nhịp tim đập của người hoạ sĩ. Monet vẫn tiếp tục vẽ cây cầu và hồ hoa súng của mình cho tới những năm cuối đời, cố gắng khám phá đến cùng những vẻ đẹp của nó, nhưng cũng là để chìm lắng trong sự bình yên của chính mình…

Trương Ngọc