Cất lên tiếng nói của cộng đồng dân tộc thiểu số

- Thứ Sáu, 25/11/2022, 17:05 - Chia sẻ

“Nghe âm thanh, ngân khát vọng” lấy cảm hứng từ hình ảnh con người chậm rãi bước đi trên hành trình của chính mình. Và trên hành trình đó, con người lắng nghe những âm thanh xung quanh, âm thanh cất lên trong lòng mình, nhận ra mong muốn, khát vọng riêng và dám đi về phía khát vọng ấy.

Những điều cộng đồng thực sự mong muốn

"Nhà dệt của người S’Tiêng trước đây là nơi phụ nữ cùng ngồi dệt, chuyện trò. Nhưng khi nhà dệt không còn được sở hữu và quản lý bởi cộng đồng, văn hóa dệt hay sức sống cộng đồng trong ngôi nhà ấy đã mất đi. Kể cả câu chuyện dệt cũng vậy, những nghệ nhân dệt dù kỹ thuật cao nhưng vì không có đầu ra sản phẩm nên rất khó nuôi văn hóa này của mình. Người trẻ không lựa chọn học dệt mà thay vào đó là đi làm công nhân”.

Cất lên tiếng nói của cộng đồng dân tộc thiểu số -1
Các diễn giả tại tọa đàm "Nghe thanh âm, ngân khát vọng" chiều 25.11

Đây là chia sẻ của Ká Tuyền, ở Đông Phú, Đồng Nai, người mang hai dân tộc S’Tiêng và Mạ. Đau đáu với câu chuyện phát triển văn hóa cộng đồng là tâm tư chung của các diễn giả tại tọa đàm "Nghe thanh âm, ngân khát vọng" diễn ra chiều 25.11, trong khuôn khổ chương trình Tôi tin tôi có thể năm 2022. Họ là thành viên của Mạng lưới Tiên phong, đại diện cho các dân tộc đến từ Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Thuận... cùng đi tìm câu trả lời liệu chúng ta đã lắng nghe đủ để thấu hiểu điều mà cộng đồng thực sự mong muốn.

Nhiều ý kiến cho rằng, hướng tới xây dựng cuộc sống mơ ước của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng chính là ý định tốt đẹp của các chương trình phát triển. Tuy nhiên, nhiều chương trình vẫn còn “công thức chung” dành cho nhiều cộng đồng khác nhau. Có lẽ, đến lúc chúng ta cần chậm lại để nghe những thanh âm riêng của mỗi cộng đồng, mỗi vùng đất.

Bà Phạm Thị Sơn, dân tộc Mường, Cẩm Thủy, Thanh Hóa, chia sẻ những câu chuyện về nông thôn mới tại chính vùng quê của mình. Lên nông thôn mới, thay đổi bộ mặt của vùng quê nhưng đằng sau đó là rất nhiều điều khiến cho bà con trăn trở. 

"Người dân chịu áp lực kinh tế rất nặng nề để chi trả các khoản công trình công, ví dụ làm đường ống nước đưa nước sạch vào theo quy định dù mọi người đang dùng nước giếng khoan và máy lọc nước rất tốt rồi. Tôi nghĩ phát triển cần đi từ từ theo điều kiện của người dân. Phát triển còn phải tính tới văn hóa nữa. Nhiều địa điểm, con đường sau khi xây dựng mới, mất luôn cả tên đường vốn đã rất quen thuộc với bà con từ lâu", bà Phạm Thị Sơn nói.  

Inra Jaka, dân tộc Chăm, Phan Rang, Ninh Thuận, đặt câu hỏi sự phát triển thực sự là gì khi ý niệm sâu xa của nó là mong muốn cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn. "Có những sự phát triển giúp cuộc sống dễ dàng hơn, như dệt trang phục bằng máy móc giúp tăng năng suất, nhưng lại đánh mất đi nét văn hóa dân tộc. Làm kênh mương, đường thủy lợi bằng bê tông rõ ràng sạch đẹp, khang trang hơn nhưng bà con giờ đây thèm biết bao những cây cỏ rau dại trước kia vẫn mọc trên con đường, mọc ở kênh mương đó. Tại sao chúng ta phát triển mà lại thèm khát những điều xưa cũ sau khi phá bỏ nó đi rồi?".

Trở về xưa cũ

Nhiều người lo rằng các hệ lụy của phát triển có thể phải đánh đổi bởi những giá trị đã được bồi đắp qua nhiều thế hệ của mỗi tộc người. Và làm sao để sự phát triển phải bắt đầu từ chính mơ ước của mỗi cộng đồng và không ngừng nuôi dưỡng khát vọng đó.

Cất lên tiếng nói của cộng đồng dân tộc thiểu số -0
Giới thiệu nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Ê Đê tại sự kiện

Câu chuyện mà Khang A Tủa, Mùa Thị Mua, hai bạn trẻ người Mông ở Mù Cang Chải, Yên Bái, mang tới kể về mô hình làm nông nghiệp bền vững cho cộng đồng người Mông quê mình. Đi ngược lại với cách làm nông nghiệp hóa chất, với những sản phẩm sản xuất hàng loạt, Tủa và Mua lựa chọn làm việc với những bà mẹ người Mông trung niên, làm việc dựa trên giống bản địa.

“Nền nông nghiệp hóa chất ngày nay và cả sự an nhàn, tiện lợi mà người ta hướng đến, cuối cùng toàn kéo về rủi ro nợ nần và mối nguy hại về sức khỏe cho cá nhân, và cộng đồng. Chúng tôi trở về lối canh tác bản địa, cùng với các bà, các mẹ, các cô bác người Mông quê mình bám sát vào giá trị bản địa, áp dụng cách thức truyền thống nhưng không đóng khung. Lựa chọn như vậy chính là chấp nhận đi chậm và cũng là chấp nhận những niềm vui bé nhỏ”, Khang A Tủa cho biết.

Giám đốc Oxfam tại Campuchia, Lào và Việt NAm Kathy Richards chia sẻ, lắng nghe những ước mơ và khát vọng sâu thẳm trong cộng đồng là cách để tư duy sâu sắc về phát triển. "Từ đó, những hoạt động phát triển sẽ thật sự bám rễ từ văn hóa, bản sắc của cộng đồng để góp phần hiện thực hóa sức mạnh của cộng đồng nhằm đạt được ước mơ, khát vọng của mình chứ không phải là một sự phát triển do người ngoài áp đặt với các hệ hình và tiêu chuẩn từ bên ngoài".

Tôi tin tôi có thể là sự kiện thường niên do Mạng lưới Tiên Phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số tổ chức. Chương trình mở ra một không gian bình đẳng, đa dạng nơi các cộng đồng dân tộc thiểu số cất lên tiếng nói và trình diện văn hóa của dân tộc mình. 

Thái Minh
#