Vay mượn giáo lý, lừa bịp, phản khoa học
- Về phương diện lý thuyết: Mượn lý thuyết của các tôn giáo đã có đưa ra lý thuyết mới trái với lý thuyết các tôn giáo truyền thống, chắp vá, pha tạp, cải biên từ lý thuyết, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo truyền thống.
- Về phương diện hành đạo, về các nghi lễ thường là hoạt động mang yếu tố mê tín dị đoan, lừa bịp người dân tin theo, phản khoa học, trái với những nghi lễ truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đặc biệt là thần thánh hóa lãnh tụ, các bậc thánh hiền, danh nhân, anh hùng dân tộc…
- Về người đứng đầu: Luôn tự đề cao, đánh bóng… bản thân (“Phật”, “Thánh”, “Thần”), nhiều người trước khi tạo dựng hiện tượng mê tín còn mắc bệnh tâm thần hoặc từ nước ngoài tuyên truyền phát triển vào trong nước.
- Về mục đích hoạt động: Hầu hết đều là phục vụ người cầm đầu (“giáo chủ”) và các đối tượng cốt cán, tay chân của chúng (thông qua thu lệ phí “quy y”, bán “bùa”, “kinh sách”, “thuốc chữa bệnh”).
- Về phương thức hoạt động: Thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh sự phát hiện, xử lý của chính quyền; phát tán tài liệu tuyên truyền ở nơi công cộng, tập trung đông dân cư; tập luyện “dưỡng sinh” ở công viên, quảng trường, vườn hoa; lợi dụng những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn thấp, điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe còn khó khăn để lừa bịp, lôi kéo, khống chế…
- Về đối tượng tin theo: Phần lớn là những người gặp rủi ro, bế tắc trong cuộc sống, ốm đau, bệnh tật, nghèo khó; những người có trình độ văn hóa thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lợi dụng người có ảnh hưởng trong xã hội như ca sĩ, diễn viên, người có trình độ, nhận thức về chuyên môn khoa học - kỹ thuật, cán bộ các cơ quan chính quyền, nhất là số cán bộ nguyên là lãnh đạo các ngành, giáo sư, tiến sĩ nghỉ hưu tiếp tay cho các hoạt động mê tín.
Dùng ngôn ngữ để mê hoặc
Mê tín không bao giờ tự nhận là mê tín, thay vào đó sẽ đánh cắp những từ ngữ tích cực để mê hoặc những người tin theo như: Thiện, thiền, chữa lành, lạc quan, sống chủ động, tiềm thức, năng lượng vũ trụ, năng lượng gốc, năng lượng trường sinh, tế bào não, tần số rung động, tần số, truyền năng lượng, lượng tử, vận công phong thủy, mối tương quan giữa con người - vũ trụ, chữa bệnh bằng năng lượng…
Một số từ trong số này có ý nghĩa khoa học, một số khác hoàn toàn được bịa ra, vô nghĩa. Những từ có ý nghĩa khoa học khi bị các đối tượng xấu đánh cắp đã thay đổi hoàn toàn nghĩa và chỉ được sử dụng như một vỏ bọc để tung hỏa mù thu hút nạn nhân. Ngôn ngữ của những đối tượng này nghe có vẻ rất cao siêu nhưng thực ra rỗng tuếch và lệch lạc.
Kinh sách và hướng dẫn thờ cúng thường tự sáng tác (thơ, văn) chép tay hoặc đánh máy, sau đó đem đi photocopy để phổ biến rộng rãi hoặc truyền miệng. Nhiều nhóm đối tượng còn quay video đăng tải trên các trang web, mạng xã hội việc thực hành thờ cúng, hướng dẫn đọc kinh sách để tăng cường truyền bá trong xã hội.
Thông tin không rõ ràng
Đa phần các giáo chủ sẽ thu hút tín đồ tin qua việc tự nhận được Trời, Phật, các đấng siêu nhiên chỉ dụ, sắc phong, báo mộng... phái xuống trần thế, giao sứ mệnh trở thành người lãnh đạo, dẫn dắt, giác ngộ con người nên có được sức mạnh siêu nhiên như có thể thông công với các Đấng thần linh, vong linh người đã mất, có năng lực chữa bệnh bằng năng lượng, bằng phù chú, có khả năng giúp người dân tìm lành tránh dữ... Giáo lý, lễ nghi thường đơn giản, mang tính dân gian, không có hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống, đa số các tôn giáo mới hàm chứa yếu tố mê tín, một số mang màu sắc chính trị.
Kinh sách chủ yếu tự sáng tác dưới dạng thơ, văn vần, dễ đọc dễ thuộc, giáo lý mang màu sắc “đa tôn giáo”, vay mượn khái niệm, hình tượng của các tôn giáo, lồng ghép hình tượng tín ngưỡng truyền thống, mượn hình ảnh một số anh hùng dân tộc, danh nhân như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Chủ tịch Hồ Chí Minh... Yếu tố giáo lễ thực hành đơn giản, hình thức thờ cúng sơ khai.
Tổ chức thường lỏng lẻo, nửa công khai, nửa bí mật, che giấu thông tin người sáng lập, địa chỉ, số điện thoại, chức danh, lịch sử hoạt động của giáo chủ…
Núp bóng tôn giáo chính thống để trục lợi
Lợi dụng Công nghệ 4.0, kết nối mạng ngày càng phát triển, các đối tượng thường mạo danh nhà chùa và các sư thầy, "núp bóng" cửa Phật để trục lợi bất chính. Các đối tượng thường lập tài khoản mạng xã hội giả, lấy danh nghĩa là người nhà chùa, dùng thủ đoạn bói toán, tâm linh để người dân hoang mang, lo lắng và dễ sa vào lời chào mời của chúng. Những món đồ như: quả cầu đá thạch anh, tỳ hưu, vòng tay phong thủy, tượng Phật bản mệnh, Thiềm thừ… không rõ nguồn gốc theo chân những kẻ lừa đảo, trong trang phục Phật tử trà trộn vào các buổi lễ tụng kinh, cầu quốc thái dân an được chùa tổ chức đều đặn vào mùng 1 và ngày rằm. Vô hình trung, hình ảnh của buổi lễ, của nhà chùa và sư trụ trì bị lợi dụng để thần thánh hóa cho các món đồ này.
Dùng hình thức “tẩy não”
Hiện tượng mê tín thường đánh vào tâm lý nghi ngờ, dè chừng mất tiền, do đó ban đầu những đối tượng này sẽ tổ chức những buổi hội thảo, video, livestream miễn phí và đây chính là các buổi “tẩy não”. Các hoạt động “chữa lành”, “hít thở sâu”, “nghĩ về những cái tích cực”, “truyền năng lượng”, “thiện”, nghe xong không ai nghĩ là tẩy não mà đang nghĩ ‘tôi thấy cũng tốt đấy chứ, “học” xong cảm thấy tốt hơn.
Các buổi livestream hay hội thảo sẽ có ngập tràn nick ảo (thậm chí có cả nick thật, thường là con mồi đã được thu phục) gọi là đội seeding, được thuê để ăn chia (hoặc tin vào giáo phái) tạo hiệu ứng đám đông. Sau buổi livestream/hội thảo, ê kíp sẽ follow up bằng cách cung cấp thêm tài liệu, vẫn là những thứ “chữa lành”, “năng lượng”, “tần số”… nhằm củng cố niềm tin. Khi khoa học giả đã ngấm vào, bản thân tự nguyện trở thành thành viên của giáo phái lúc nào không hay, sau đó mê muội làm theo mọi sự chỉ dẫn, tôn thờ như những bậc thánh nhân. Tất cả các hoạt động trên đều nhằm trục lợi về tài chính mà những cá nhân đã mê muội tin theo không hề hay biết.