"Không còn là chuyện đùa"
Với tuổi đời 120 năm, cầu Long Biên là cây cầu sắt cổ nhất Hà Nội, nhưng vẫn phải oằn mình gánh nhiều phương tiện lưu thông mỗi ngày. Theo KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, “đây là một thực tế đáng buồn". Báo cáo của Cục Đường sắt ngày 28.5 cho thấy, vụ việc thủng mặt cầu mà nguyên nhân trực tiếp từ một xe ba gác chở nặng gây sụt tấm đan khiến tình trạng cầu Long Biên càng trở nên nghiêm trọng hơn. Một đại diện doanh nghiệp ví von, kết cấu cầu hiện nay như tấm áo cũ rách, vá chỗ này lại thủng chỗ kia.
“Có thể hình dung một hoàn cảnh có tính bi kịch hơn, Hà Nội không còn cầu Long Biên nữa, các nhà ga trở thành cao ốc văn phòng thương mại... thì Hà Nội sẽ ra sao? Nếu những hình ảnh vốn tạo nên văn hóa, diện mạo đô thị, tính cách con người không còn nữa, Hà Nội sẽ trở nên vô hướng và loạng choạng”, KTS. Trần Huy Ánh băn khoăn.
Câu chuyện về cầu Long Biên khiến nhiều người liên tưởng đến hiện trạng khu phố cổ Hà Nội, khu phố Pháp. Sự gia tăng mật độ dân số, các công trình xây dựng đã tác động mạnh mẽ đến kiến trúc, cảnh quan của các khu vực này. Nhiều ban công những ngôi nhà cổ trở thành phòng vệ sinh, hay hàng trăm dự án được cấp phép xây dựng xen lẫn trong khu phố Pháp cho thấy công năng thực dụng đã lấn át những giá trị văn hóa đang cần được bảo tồn. “Vấn đề này cần được nhìn nhận nghiêm túc chứ không còn là chuyện đùa”.
Với cầu Long Biên, Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ, khu phố Pháp, là những cấu trúc lớn nhất, xương sống của đô thị di sản, Hà Nội được nhìn nhận vẫn giữ gần như nguyên vẹn những công trình đẹp nhất với giá trị lịch sử của nó. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, chỉ nói riêng nguồn phôi thép phong phú của công cuộc khai thác thuộc địa tại Đông Dương đã tạo ra cảnh quan rõ nét về kiến trúc của Hà Nội. Từ hàng rào, cửa sổ, cửa đi, đến ban công, ô gió… khiến diện mạo Hà Nội thay đổi. Trải qua thăng trầm lịch sử, giờ đây cầu Long Biên đã mang ý nghĩa mới, ý nghĩa biểu tượng. Cầu Long Biên cùng với cầu Chương Dương và cầu Nhật Tân đã tạo cảnh quan đô thị có dòng sông chảy qua giữa thành phố, đồng thời là điểm kết thúc và nối tiếp của khu thành cổ, khu phố cổ và khu phố Pháp, cần được bảo tồn toàn vẹn.
Bảo tồn bền vững
KTS. Trần Huy Ánh cho biết, tìm kiếm giải pháp bảo tồn cầu Long Biên để nó tồn tại cùng các thành tố xương sống đang được nghiên cứu, xem xét. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là chống sập, bằng cách kiểm tra lại toàn bộ phần cầu cũ, nguy hiểm, có thể giảm luồng đường, tránh những tấm bê tông có thể rơi xuống, gây nguy hiểm không chỉ cho người đi trên cầu mà cả tàu, thuyền ở dưới sông. Công việc tiếp sau đó là khẩn trương tiếp quản dự án của Chính phủ đã giao cho thành phố Hà Nội để nghiên cứu làm lại đường sắt số 1 qua cầu Long Biên, từ ga Hà Nội tới Yên Viên.
Theo KTS. Trần Huy Ánh, việc duy trì tuyến đường sắt tại đây là lý do rõ nhất để chúng ta bảo toàn việc vận hành, cũng như bảo toàn giá trị kỹ thuật, nghệ thuật của cầu. Nếu chỉ coi đây như là một di sản để ngắm nghía thì sự bảo tồn có tính bền vững cũng không có. Bởi với những công trình lớn, việc sửa chữa là thường xuyên. Cho nên, chỉ trong điều kiện vận hành, chúng ta mới chủ động duy tu, sửa chữa và bảo tồn di sản một cách bền vững.
Còn GS.TS. Nguyễn Quốc Thông, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, nếu để Hà Nội phát triển bền vững với tư cách là một đô thị di sản văn hóa trong tương lai thì điều cần ưu tiên phát triển đô thị chính là không gian văn hóa, trong đó không gian liên kết văn hóa khó vô cùng. “Tôi ước ao cầu Long Biên là thành phần liên kết các không gian văn hóa, chứa đựng những nội dung văn hóa, nội dung mới của Hà Nội trong tương lai”.
Các chuyên gia cho rằng, cho dù phương án nào cũng phải bảo tồn nguyên vẹn giá trị di sản cầu Long Biên, với cảnh quan bầu trời, sông nước, bãi bồi và không gian công cộng… Cùng với đó là giao thông, giá trị có khả năng tồn tại với vẻ đẹp nguyên vẹn của nó. Giá trị di sản đô thị được nhìn nhận trong quan hệ với các thành phần khác để tạo ra một tổng thể, luôn luôn thích nghi, vì vậy phải can thiệp để nó bền vững với thời gian. Bảo tồn cầu Long Biên chứ không phải biến nó thành bảo tàng, đồng thời gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của nó. Đây là những giá trị lâu bền bởi một Hà Nội sáng tạo, văn minh không thể thiếu những ký ức văn hóa, lịch sử.