Ban hành Kế hoạch xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

- Thứ Ba, 25/07/2023, 16:21 - Chia sẻ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), hướng tới tháo gỡ điểm nghẽn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Theo Quyết định số 1963/QĐ-BVHTTDL, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 kèm theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2.6.2023 của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xây dựng Dự án Luật nhằm nghiên cứu, xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong thực thi pháp luật về di sản văn hóa; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ban hành Kế hoạch xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi -0
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc

Yêu cầu việc xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, bảo đảm hiệu quả và tiến độ trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Cùng với đó, phải bám sát nội dung đề nghị xây dựng chính sách của dự án Luật đã được thông qua. Trường hợp phát sinh chính sách mới, cần thực hiện đánh giá tác động chính sách mới được bổ sung.

Kế hoạch cũng yêu cầu phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân, đề ra mục tiêu, lộ trình thực hiện từng nội dung công việc; huy động sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật và di sản văn hóa. Ngoài ra, phải lấy ý kiến rộng rãi đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của Luật và nhân dân trong quá trình soạn thảo Luật. Kế hoạch cũng đề ra nội dung cụ thể công việc, tiến độ triển khai và tổ chức thực hiện.

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội Khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 9, ngày 29.6.2001, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XII (ngày 18.6.2009).

Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/ thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch… tạo thêm thế và lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Ng. Phương
#