Bài 1: Mới chỉ "chạy rốt đa"

Nhật Linh 01/06/2022 06:14

Khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại Đà Nẵng và Quảng Nam về tình hình thực hiện chính sách phục hồi, mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cho thấy đã có những tín hiệu tích cực khi lượng khách dần tăng trở lại. Tuy vậy, đây vẫn chỉ là giai đoạn chạy đà, doanh nghiệp du lịch rất cần tiếp tục được hỗ trợ một cách thiết thực để nhanh chóng bứt tốc, lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19.

Đợt nghỉ lễ 30.4 - 1.5 cũng như mùa du lịch Hè 2022 đang được các doanh nghiệp theo dõi sát sao. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn nhìn qua nhìn lại, không dám mạo hiểm. Người lao động cũng vậy, họ chưa yên tâm trở lại và nhân lực thực sự là bài toán khó trong giai đoạn du lịch phục hồi, phát triển.

Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng

“Tôi có một công ty lữ hành hoạt động 20 năm chuyên đưa khách nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời cũng kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Vừa qua công ty đi khảo sát lại các dịch vụ, từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh đến Phú Quốc, chúng tôi thấy sự khởi động lại của doanh nghiệp du lịch chưa thực sự khởi sắc. Ngoại trừ những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đã mở cửa trở lại, còn lại xung quanh hầu như đóng cửa, tất cả dịch vụ - chiếm phần lớn trong tour du lịch. Rất nhiều công ty vận tải phá sản, có doanh nghiệp hàng trăm đầu xe nhưng vẫn chưa dám hoạt động trở lại. Những doanh nghiệp nhỏ thì chưa bảo đảm về số lượng và chất lượng dịch vụ. Có những khách sạn mở lại thì từ quản lý đến trưởng bộ phận phải làm tất cả công việc từ bảo vệ, mang hành lý cho khách…” - bà Lương Hà, Công ty Wild Eyes Tour (Quảng Nam) phản ánh với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Theo bà Huỳnh Thị Minh - Chủ nhiệm CLB Nhân sự du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, đây mới là giai đoạn chạy rốt đa, nhiều doanh nghiệp chưa mở cửa mà còn nhìn qua nhìn lại, có khách mới tuyển nhân viên. “Vận hành một khách sạn không giống như một homestay, cho dù là nhỏ nhưng chi phí vẫn rất cao, từ tiền điện, tiền nước đến lương nhân viên”.

Ông Vương Đình Mạnh - Tổng Giám đốc La Siesta Hoi An Resort& spa bổ sung: “Doanh nghiệp chưa dám mở cửa vì chưa có cơ chế, chính sách riêng cho doanh nghiệp du lịch, khách sạn áp dụng trong một thời gian nhất định. Mở cửa mà bị áp tiền điện nước đầy đủ trong khi chưa có khách thì không ai mở”.

Chưa bao giờ du lịch gặp khó khăn như thời gian vừa qua. Hai năm đại dịch khiến du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, hậu quả lâu dài, doanh nghiệp kiệt quệ. Giờ đây, khi hoạt động trở lại thì dòng tiền không đáp ứng, khoản vay đến hạn, cơ sở vật chất xuống cấp, nhân lực thiếu hụt… Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, từ đợt nghỉ lễ 30.4 - 1.5 và chuẩn bị cho Hè 2022, đến nay gần như tất cả dịch vụ cơ bản nhất phục vụ du khách đến Đà Nẵng đã hoạt động trở lại chính quy, chuyên nghiệp, cùng hệ thống sản phẩm mới, khai thác sâu các thị trường chính. “Song nhiều doanh nghiệp vẫn đang cân nhắc trở lại hoạt động xem có tồn tại được không”.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Nhân lực thiếu hụt trầm trọng

Hai năm qua, nhân sự ngành du lịch gần như chuyển hết sang các ngành khác và họ cảm thấy yên tâm hơn. Bây giờ tuyển dụng họ vẫn thấy hoang mang, chưa sẵn sàng quay trở lại vì mọi thứ còn bấp bênh, khách chưa có nhiều, đặc biệt là dòng khách quốc tế.

Tại Quảng Nam, theo báo cáo, 14.000 nhân lực du lịch thôi việc, nhưng thực tế bà Huỳnh Thị Minh cho rằng con số này cao hơn. Vì thống kê chỉ dựa trên số lao động đóng bảo hiểm, còn lao động phổ thông, hợp đồng lao động ngắn hạn tương đối nhiều, phải lên đến 20.000 người. Và đến hết quý I.2022, mới khoảng 10% lao động quay lại làm việc.

Với Đà Nẵng, thời điểm bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch chỉ còn 11.000 lao động du lịch (trong khi trước dịch là gần 60.000 lao động) nhưng sẽ quay trở lại cùng với tiến độ phục hồi hoạt động của doanh nghiệp du lịch. “Số khác đã chuyển ngành và thấy ổn định nên sẽ không quay lại. Thiếu hụt ấy doanh nghiệp phải tuyển dụng mới, đào tạo nhanh lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu. Nhưng lượng khách không phục hồi nhanh như thế, ước tính đến năm 2025 mới quay lại mức trước đại dịch”, ông Cao Trí Dũng thông tin. Ông Dũng cũng khẳng định, chất lượng nhân lực sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều, vì cơ bản doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng vẫn giữ chân được người giỏi và còn có lực lượng lao động cơ hữu.

Tuy vậy, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Anh cảnh báo, nếu không hỗ trợ kịp thời và thực tế thì du lịch chảy máu chất xám sang các ngành khác, lữ hành Việt Nam sẽ mất năng lực cạnh tranh quốc tế.

Mặc dù “doanh nghiệp phải tự lo nhân lực cho mình, thành phố chỉ hỗ trợ đào tạo nhân lực để chuyển đổi số”, song Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cũng “lo lắng về chất lượng nguồn nhân lực du lịch, dự báo giai đoạn đầu có thể đối mặt với sự chuệch choạch vì sau 2 năm không hoạt động, người lao động có thể quên kỹ năng nghề. Từ đầu tháng 3 đến nay, Đà Nẵng tổ chức các lớp đào tạo và lưu lại trên mạng để các doanh nghiệp và người lao động có thể tham khảo”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 1: Mới chỉ "chạy rốt đa"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO