Theo quan điểm của Ban soạn thảo Luật Nhà giáo, xuất phát từ thực tiễn là trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, các quy định liên quan đến nhà giáo nằm ở nhiều văn bản khác nhau. Văn bản quy định tập trung nhất, rõ ràng nhất là Luật Giáo dục 2005 cũng chưa điều chỉnh hết các vấn đề liên quan. Một số quy định còn chung chung như về đạo đức nhà giáo, chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo, chế độ làm việc, chính sách đối với nhà giáo. Thậm chí, khái niệm nhà giáo cũng chưa rõ ràng, chưa phân biệt rõ giảng viên và giáo viên...
Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh, cơ sở khoa học để xây dựng Luật Nhà giáo dựa trên nhiều yếu tố như cụ thể hoá các quy định về nhà giáo trong Luật Giáo dục, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc một số quy định về giáo viên trong các văn bản luật cũng như kinh nghiệm xây dựng đội ngũ giáo viên của một số nước có nền giáo dục tiên tiến...
Tại Hội thảo, các ý kiến đều thừa nhận giáo viên cần phải chuẩn về đạo đức, nghề nghiệp, nhưng Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm cho rằng, đạo đức là một khái niệm không định lượng, vì vậy, cụ thể hóa đạo đức thành “chuẩn” để đưa vào luật là rất khó. Cũng ý kiến này, Gs Phạm Viết Nhụ cho rằng đưa chuẩn nghề nghiệp giáo viên vào Luật Nhà giáo là rất cần thiết, tuy nhiên đến thời điểm này ngành giáo dục vẫn còn thiếu nhiều “chuẩn” để xây dựng một “chuẩn chung”. Thực tế cho thấy, ngành giáo dục mới có chuẩn giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và sắp tới ban hành chuẩn giáo viên THPT, còn chuẩn giáo dục nghề, giáo dục đại học thì chưa triển khai.
Từ kinh nghiệm thí điểm chuẩn giáo viên THPT của Bộ GD-ĐT, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) Đặng Đình Đại cho rằng bản thân chuẩn giáo viên THPT của Bộ đang thí điểm là chưa sát thực, không đáp ứng yêu cầu phân loại giáo viên. Cụ thể, nếu đánh giá giáo viên theo chuẩn tiêu chí của Bộ thì tìm một giáo viên đạt trung bình là “hơi bị khó” mà chỉ có khá, giỏi trở lên. Để chính xác hơn, trường Nguyễn Gia Thiều đã đánh giá riêng bằng các tiêu chí của trường như lấy tỷ lệ học sinh khá giỏi, lên lớp, mức độ tín nhiệm chuyên môn giáo viên... thì cho kết quả sát thực hơn.
Liên quan đến chuẩn cán bộ quản lý cơ sở, nhiều ý kiến Hội thảo cho rằng, ở nước ta chưa có văn bản pháp lý nào coi cán bộ quản lý là một nghề, nên sẽ rất khiên cưỡng nếu đưa tiêu chuẩn này vào luật.
Theo Gs Hà Nhật Thăng, sự bất hợp lý còn ở chỗ nếu đưa khái niệm chuẩn cán bộ quản lý cơ sở vào luật để điều chỉnh (hiệu trưởng nhà trường), vậy cán bộ cấp phòng, sở và cả cán bộ quản lý cấp Bộ thì luật nào điều chỉnh; Và mối liên hệ, phạm vi điều chỉnh giữa Luật giáo dục và Luật Công chức như thế nào? Trong khi đó, Luật Công chức vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực ngày 01.1.2010 sắp tới đã có quy định rõ ràng về phẩm chất, năng lực bắt buộc của mỗi công chức và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những đối tượng điều chỉnh của luật này.
Bên cạnh đó, ý kiến các chuyên gia cũng cho rằng Ban soạn thảo Luật Nhà giáo phải làm rõ các “chuẩn” trước khi đưa vào luật; Đặc biệt khi xây dựng phải đặt Luật Nhà giáo trong hệ thống luật về giáo dục để tránh chồng chéo giữa các luật.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, khi xây dựng Luật Nhà giáo những vấn đề trọng tâm của Luật như Hội thảo đề ra là những vấn đề mới, bởi vậy, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo Luật tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp trên cơ sở chọn lọc để góp phần xây dựng luật chất lượng. Cũng theo ông Hiển, đây là hội thảo lần thứ ba, và tiếp theo còn nhiều cuộc hội thảo nữa để làm rõ các vấn đề này trước khi trình dự luật lên Chính phủ vào tháng 11 năm nay.