Văn học Việt Nam đương đại tới Pháp

- Thứ Ba, 12/05/2015, 08:21 - Chia sẻ
Giới thiệu thế hệ văn chương mới của Việt Nam tại Pháp, nhóm dịch giả thực hiện tủ sách Văn học Việt Nam đương đại của nhà xuất bản Riveneuve mong muốn thu hút người yêu văn chương phương Tây, đồng thời tạo cầu nối văn chương Việt với thế giới.
 

Trước đây, văn học Việt Nam được dịch khá nhiều tại Pháp, từ Truyền kỳ mạn lục, Chinh phụ ngâm, Thầy Lazado Phiền đến Tố Tâm, Số Đỏ, Chí Phèo, Dế mèn phiêu lưu ký. Riêng Truyện Kiều có không dưới 5 bản dịch bằng tiếng Pháp. Theo thống kê của UNESCO, Pháp là nước dịch nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt nhất, hơn cả Mỹ, Nga, Đức. Trong giai đoạn 1980 - 2000, có khoảng 130 cuốn sách văn học Việt Nam được dịch sang Pháp văn, trong khi con số này trong Anh văn là 83 cuốn, Nga văn là 42, Đức văn là 27. Không chỉ có văn học Việt Nam, nhiều tác phẩm văn học của các quốc gia khác cũng được dịch tại Pháp.

Tuy nhiên, gần đây văn học Việt Nam mới xuất hiện ở Pháp một cách hệ thống. Có 3 nhà xuất bản Pháp dành một góc riêng cho văn học Việt Nam, đó là L’Aube, Philippe Picquier và Riveneuve. Trong đó, hai tủ sách của L’Aube và Philippe Picquier được thành lập từ những năm 1992 - 1994, đã in nhiều tác phẩm Việt Nam thời Đổi mới, nhưng đến nay, hai tủ sách này hầu như không hoạt động. Riêng tủ sách Văn học Việt Nam đương đại của nhà xuất bản Riveneuve còn khá trẻ. Thành lập cuối năm 2012, với êkip dịch giả gồm 6 người, 3 dịch giả gốc Việt, 3 dịch giả người Pháp (Nguyễn Phương Ngọc, Danh Thành Đỗ - Hurinville, Đoàn Cầm Thi, Emmanuel Poisson, Yves Bouillé, Catherine Guy), đến nay, tủ sách đã có 12 đầu sách, cuối năm nay dự kiến ra mắt thêm 2 cuốn. Tủ sách đã giới thiệu tác phẩm của các tác giả như Nguyễn Bình Phương, Phong Điệp, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Khiêm, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam, Thuận… Theo Pgs. Ts Đoàn Cầm Thi, hiện giảng dạy tại Học viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông ở Paris, đồng thời điều hành tủ sách Văn học Việt Nam đương đại, cho biết: Việt Nam có nhiều tác giả hay, nhưng để chuyển ngữ phải có dịch giả. Dù cộng đồng người Việt Nam ở Pháp đông đảo, nhưng để dịch được tác phẩm văn học phải là người có khả năng thẩm thấu văn chương, nghệ thuật, nếu chỉ dịch câu chữ, tác phẩm chỉ có phần xác, không có phần hồn. Thực tế cho thấy, những người có khả năng diễn đạt văn chương Việt trong các ngôn ngữ khác hiếm như lá mùa đông.

 

Trước kia, độc giả Pháp thường đến với văn học Việt để tìm những đề tài hấp dẫn họ như chiến tranh, thuộc địa, Đông Dương, đặc biệt, các mối tình mùi mẫn Việt - Pháp… Nhưng tủ sách Văn học Việt Nam đương đại lại có hướng đi khác, các bìa sách không có thiếu nữ áo dài, đội nón, nông dân cấy lúa… “Đã đến lúc cần cho công chúng Pháp biết tới thế hệ văn chương mới của Việt Nam, hoặc sinh ra hoặc lớn lên sau chiến tranh. Mang nhiều tham vọng cách tân trong đề tài và lối viết, các tác giả này nghiêng về những trải nghiệm cá nhân, có ý thức tìm kiếm và thể hiện phong cách riêng. Hướng độc giả Pháp ngữ vào những tác giả mới này, tủ sách mong muốn thay đổi những hình ảnh sáo mòn nhưng gần như cố hữu của phương Tây về Việt Nam”. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản, bởi “văn học Việt Nam là khái niệm hoàn toàn mới ở phương Tây. Dịch giả phải trực tiếp cầm bản thảo đến các nhà xuất bản, thuyết phục họ đây là một tác phẩm hay. Khi in xong, chúng tôi gõ cửa tất cả các nơi, tìm cách chinh phục mọi đối tượng độc giả” - Pgs. Ts Đoàn Cầm Thi tâm sự.

Các tác phẩm của tủ sách đều được in lần đầu với số lượng 2.000 bản và ngay khi xuất hiện đã nhận được những đánh giá khả quan từ cộng đồng Pháp ngữ. Đây cũng được coi là một thành tựu khi những cái tên mà tủ sách lựa chọn đều khá “kén khách” ở thị trường trong nước. Nhưng Pgs. Ts Đoàn Cầm Thi thừa nhận: giữa 3.000 cuốn tiểu thuyết được in hàng năm tại Pháp, một vài cuốn sách Việt chỉ như hạt cát trong sa mạc. Tuy vậy, bằng tình yêu với văn học Việt, những người thực hiện tủ sách hy vọng, dịch ra các ngôn ngữ lớn như một cánh cửa để văn học Việt Nam hướng ra nước ngoài, cho tác phẩm gốc thêm nhiều cuộc sống mới, từ đó thúc đẩy sáng tác. Thực tế, nhờ ấn bản Pháp văn của Đoàn Cầm Thi, Chinatown của tác giả Thuận đang có cuộc du hành mới trong tiếng Hebrew; hoặc trước đó, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nhật...

Dù thành quả còn nhỏ bé, nhưng từ tủ sách Văn học Việt Nam đương đại, Pgs. Ts Đoàn Cầm Thi hy vọng sẽ có nhiều tủ sách khác để người yêu văn học các quốc gia thấy rằng nền văn học Việt Nam đa dạng, có nhiều tác phẩm xứng đáng được giới thiệu ra thế giới.

Lê Thủy